Thứ Sáu, 25 Tháng Mười Một, 2016 00:00
Chúa nhật I Mùa Vọng A ( Mt 24, 37-44 )

Mùa Vọng nhắc nhớ việc Dân Chúa chờ đón Đấng Cứu Thế đến lần thứ nhất để thực hiện ơn cứu độ; nhưng đồng thời cũng hướng về ngày Chúa trở lại lần thứ hai để trao ban hạnh phúc sung mãn cho những người được tuyển chọn. Trước biến cố này, cần phải để ý những điểm sau đây:

Trước hết là tính cách bi thảm của người được, kẻ mất; người được cứu thoát, kẻ thì không. Một cách dứt khoát.

Đồng thời, tính cách bất ngờ của biến cố cũng được nhấn mạnh rõ nét. Chắc chắn Đức Kitô sẽ đến, nhưng không ai biết được ngày, giờ. Chính sự không biết trước này sẽ làm cho một số người được vinh quang, hoan hỉ, còn một số khác thì hư mất, tang thương.

Ngoài ra, có người trong chúng ta cứ nghĩ rằng, Đức Kitô sẽ lại đến vào ngày tận thế; vì thế, rất xa vời với chúng ta, không đụng chạm gì đến chúng ta. Thật ra, cái ngày định mệnh đó, cụ thể chính là ngày kết thúc cuộc đời chúng ta trên trần gian. Đó là ngày của sư thật. Tất cả mọi mặt nạ sẽ được gỡ bỏ. Chúng ta sẽ trình diện trước mặt Thiên Chúa, và phải trả lẽ tất cả những gì chúng ta đã làm trong cuộc sống.

Hơn nữa, cũng giống như thời ông Nô-e, chúng ta cứ mải mê công việc đời thường, với những bận bịu, lo lắng cho cuộc sống, như: ăn uống, làm việc, cưới vợ gả chồng, lo cho tương lai sự nghiệp… Thực ra, điều đó không có gì đáng trách. Thế nhưng, điều đáng tiếc chính là một cuộc sống không có Thiên Chúa. Chúng ta quên lãng Thiên Chúa, không quan tâm đến sự hiện diện của ngài. Khi ngài đến, chúng ta không được chuẩn bị, không sẵn sàng, đành phải hư mất, như dân chúng thời ông Nô-e bị nước Đại Hồng Thủy bất ngờ ập đến, cuốn trôi.

Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức, hãy sẵn sàng, bởi vì việc Chúa trở lại nhất thiết phải xảy ra. Đó là điều Thiên Chúa đã hứa. Không một ai thoát khỏi cuộc hẹn này. Không một ai có thể viện dẫn một lời biện mình, hay đưa ra một lý do nào đó để không đến cuộc hẹn này.

Thế nhưng, thế nào là “ Tỉnh thức” ?- Thánh Phaolô giải thích trong thư gởi tín hữu Roma khi ngài mời gọi các tín hữu hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang lấy khí giới ánh sáng.

Từ bỏ những hành vi ám muội, có nghĩa là đẩy lùi sự dữ, chiến đấu quyết liệt chống lại nó, không hoà hoãn với nó, không để cho nó chiếm đoạt mình. Điều đó có nghĩa là: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đảng, cãi cọ, ghen tương, bất công, khinh dễ người nghèo, bạo hành đối với trẻ em và phụ nữ, keo kiệt, lòng dạ chai đá, kỳ thị chủng tộc…

Mỗi người trong chúng ta đều có một hành vi ám muội nào đó. Mỗi người đều có một góc trong tâm hồn cần phải ăn năn. Do đó, tỉnh thức, trước hết là nhận ra nó; sau đó, phải cố gắng làm thế nào để đẩy lùi xa cái gì ám muội trong chúng ta.

Cách loại trừ những hành vi ám muội hay nhất là “ mang lấy khí giới ánh sáng”. Nói khác đi chính là “ mặc lấy Chúa Giêsu Kitô”, nghĩa là ở gần bên ngài, sống với ngài, cầu nguyện với ngài, van nài sự trợ giúp của ngài, lắng nghe lời ngài. Mặc lấy Chúa Giêsu Kitô cũng có nghĩa là, nỗ lực để có một cái nhìn và thái độ giống như ngài.

Bấy giờ những hành vi ám muội dần dần được thay thế bởi những công việc của ánh sáng, là: lòng tốt, sự dịu dàng, dễ thương, hiểu biết, tha thứ, tương trợ, quảng đại, công bình, quên mình, phục vụ, hy sinh, đến với những người cần đến sự cứu giúp và nâng đỡ của chúng ta, chiến đấu cho hòa bình, bảo vệ quyền lợi của những người không có tiếng nói…

Sứ điệp được trao ban cho chúng ta hôm nay thật rõ ràng. Chúa sẽ đến. Chúng ta không biết ngày nào ngài sẽ đến, nhưng chắc chắn ngài sẽ đến… Chúa Giêsu nhắn nhủ: “ Hãy tỉnh thức và sẵn sàng.” Bất cứ ở đâu. Bất cứ trong hoàn cảnh nào. Bất cứ thời điểm nào.

Đó là một lời nhắn nhủ khôn ngoan, nhưng quyết liệt. Chúng ta hãy ý thức, đón nhận và thực hiện, để có thể an tâm, vui vẻ đón mừng Chúa đến.

 

 

*** Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi được đưa đi thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên, ông đã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang khắp đô thị. Người ta cho an biết, đó là tiếng trống báo động về một cuộc hỏa hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Chẳng bao lâu, cuộc hỏa hoạn được dập tắt. Trở về làng, ông đã báo cao với các chức sắc trong làng như sau:

Người thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu: khi có hỏa hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau, hỏa hoạn xảy đến trong làng. Mọi người liền đem trống ra khua inh ỏi, vì tin chắc rằng, tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng, ngọn lửa vô tình cứ thiêu rụi từ căn nhà này đến chăn nhà khác, trước cái nhìn ngỡ ngàng thất vọng của mọi người.

Sau đó một thời gian, tình cờ ghé thăm bộ lạc, và được nghe kể lại, một người dân thành thị giải thích: các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt được ngọn lửa sao ?- Không phải thế đâu. Người ta đánh trống để đánh thức dân chúng, và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy, chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu.

Tin Mừng hôm nay nhắc nhở đến sự tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà chờ. Nhưng phải năng động làm việc, chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp Chúa đến.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com