Thứ Hai, 07 Tháng Mười Một, 2016 00:00
Chúa nhật XXXIII Quanh năm C ( Lc 21, 5-19 )

“Ngày của Chúa” là một đề tài quen thuộc trong sách các tiên tri, chỉ sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử, vừa để trừng phạt tội lỗi, vừa để thực hiện ý định của ngài. Dần dần về sau, Ngày của Chúa được hiểu như là sự xét xử vào thời cánh chung, sự can thiệp sau cùng của Thiên Chúa, qua việc Chúa Giêsu lại đến lần thứ hai, để người lành được ân thưởng thiên thu, và người dữ phải trầm luân muôn kiếp.

Như thế, Ngày của Chúa sẽ là ngày tận cùng của thế giới. Lúc đó, tất cả mọi người sẽ tập trung lại trước mặt Chúa Giêsu, để ngài tách chiên ra khỏi dê; chiên thì ở bên phải được hưởng hạnh phúc viên mãn; dê thì ở bên trái, bị liệt vào những kẻ bị kết án đời đời. Cụ thể hơn, Ngày của Chúa còn là giây phút lìa đời của mỗi người. Giây phút quyết định, dứt khoát, không thể thay đổi, mà mỗi người sẽ lãnh nhận phần của mình đã gầy dựng trong cuộc sống trần gian.

Hiểu như thế, Ngày của Chúa trước hết là một lời kêu cứu để giải thoát người công chính khỏi sự gian ác của kẻ xấu. Đó là lời loan báo thời giờ Thiên Chúa sắp đến để phán xét mỗi người. Là một lời mời gọi các tín hữu hãy thay đổi đời sống, để có thể trở nên công chính khi Chúa đến. Đó cũng là một tác nhân mạc khải, chỉ cho thấy rõ ràng, bầu khí sự dữ mà trong đó, Dân Thiên Chúa đang bị bũa vây, che phủ.

Áp dụng vào những biến cố đương thời, Ngày của Chúa, dưới cặp mắt của các tiên tri, là một thời điểm tinh luyện. Do đó, khi ám chỉ về ngày thành Giêrusalem bị tàn phá bình địa, thì biến cố này chỉ là một trong những cuộc tinh luyện mà thôi. Nó tiên báo Ngày của Chúa lần cuối cùng, khi Chúa Giêsu đến tập họp tất cả nhân loại để phán xét, và để hoàn tất công trình được bắt đầu từ ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đó mới thực là Ngày của Chúa.

Ngày đó, không ai biết trước được, trừ Thiên Chúa Cha. Cho nên, trong khi chờ đợi, người môn đệ phải sống vững niềm tin của mình. Một niềm tin đã được phê phán, đối chất; một niềm tin đã được tôi luyện qua sự bách hại và không hiểu biết của người đời; một niềm tin giúp chúng ta sống trong thế giới này với sự xác tín là, “ việc làm cụ thể” rất cần thiết để tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa; đồng thời, cũng xác tín rằng, thế giới này cần thiết, không thể thiếu, nhưng không phải là cuối cùng. Chính từ thế giới tạm bợ này, mà Ngày của Chúa sắp đến sẽ làm nên một thế giới hoàn hảo sau cùng.

Trước những biến cố kinh khủng bất thường, Chúa Giêsu nhắn nhủ những thái độ cần phải có: Hãy cảnh giác, coi chừng. Vì sẽ có những tiên tri giả, tự xưng mình là Đấng Cứu Thế, sử dụng cả chính Phúc Am để đánh lừa. Cần phải biết phân biện, để khỏi lầm lạc. Đừng đi theo chúng. Sau đó, đừng sợ hãi những tai hoạ thiên nhiên. Hãy bình tĩnh, can đảm và tin tưởng. Tất cả đều nằm trong bàn tay Thiên Chúa. Thế giới sẽ đi đến chỗ hoàn thiện của nó. Đàng khác, ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi. Chương trình của Thiên Chúa là chương trình của sự sống, chứ không phải của cái chết. Giữa muôn vàn thử thách, khó khăn, gian khổ, kiên trì bước đi theo Chúa sẽ nhận được niềm vui vô biên. Sau cùng, đó cũng là dịp để làm chứng cho Chúa. Làm chứng bằng lời nói, việc làm, và cả mạng sống của mình, giữa một thế giới vô thần, dửng dưng, thờ ơ tôn giáo không phải việc dễ dàng. Thế nhưng, sống như thế, người môn đệ sẽ là men trong bột, là muối ướp mặn đời, là ánh sáng cho mọi người đi tới. Sống như thế, sẽ xứng đáng được sống đời đời.

** Chúng ta đang ở trong một trạng thái khắc khoải, băn khoăn, xao xuyến. Vừa làm việc hết sức mình trong thế giới, lo lắng làm cho công trình sáng tạo được hoàn thiện trọn vẹn, viên mãn, và đồng thời, vừa được báo cho biết là thế giới này sẽ qua đi, nhường chỗ cho một thế giới khác hoàn hảo sắp đến. Vừa thán phục trước những kỳ quan của thế giới, mà cùng một lúc, cũng được cuốn hút vào một thế giới mà chúng ta sẽ được giải thoát khỏi mọi sự dữ.

Trong hoàn cảnh đó, hãy kiên trì, liên lỉ, chịu đựng và vững chắc trong đức tin. Bởi vì, ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com