Nếu lòng thương xót là thái độ của con tim biết nhận thức, chia sẻ sự khốn cùng của người khác để cứu giúp, thì Lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự thương cảm và ơn cứu độ của Thiên Chúa toàn năng đối với con người tội lỗi.
Lòng nhân từ đó được thể hiện rõ nét nơi Chúa Giêsu, khi ngài ân cần đón tiếp và gần gũi những người thu thuế và tội lỗi. Chính thái độ khoan dung đó đã làm cớ cho những người biệt phái và luật sĩ kêu trách. Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu, Thiên Chúa luôn luôn là tình yêu và lòng thương xót. Ngài luôn luôn yêu mến và cứu giúp con người yếu hèn, tội lỗi.
Để minh họa cho chân lý đó, Chúa Giêsu dùng ba dụ ngôn đơn giản, dễ hiểu và đầy ý nghĩa. Cả ba dụ ngôn đều nói lên một hoàn cảnh giống nhau: một con chiên đi lạc và được tìm thấy; một đồng tiền bị đánh mất và tìm lại được; một người Cha có hai người con bị thất lạc, đứa nhỏ thì ở một xứ sở xa xăm, đứa lớn thì ở gần, nhưng tâm hồn khô cằn, ghen tương, thù địch.
Cả ba dụ ngôn đều ca ngợi bước khởi đầu của Thiên Chúa. Ngài khởi công tìm kiếm những tội nhân. Ngài ra đi gặp gỡ họ, thậm chí chạy đến đón tiếp họ, như trong dụ ngôn thứ ba.
Cả ba dụ ngôn đều đạt đến đỉnh cao trong niềm vui tìm lại được những gì đã mất. Một niềm vui lớn lao đến nổi không thể không chuyển thông, chia sẻ. Niềm vui của người chủ chăn, với con chiên lạc vừa tìm lại được trên vai, mời bạn bè đến chung vui hạnh phúc, là hình ảnh của niềm vui thiên đàng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại. Niềm vui của người đàn bà vừa tìm lại được đồng bạc đã mất, phản ánh niềm vui của các thiên thần vì một người tội lỗi quay về với Chúa. Niềm vui của người Cha, đã mời tất cả nhà cùng đến đồng bàn trong bữa tiệc linh đình, kể cả người con trưởng ghen tương, vì đứa con út đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm lại được, là niềm vui của Thiên Chúa nhân từ.
Cả ba dụ ngôn đều diễn tả một phần nào hình ảnh của Thiên Chúa được tỏ bày nơi Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu niềm nở đón tiếp và cùng ăn uống chung với những người tội lỗi, thì cũng chỉ là biểu tỏ thái độ yêu thương của chính Thiên Chúa mà thôi. Ở đây, Chúa Giêsu cũng muốn cải chính lại cái quan niệm về tội lỗi của người đương thời. Người Do Thái cho rằng, do sự công chính và thánh thiện vô biên, Thiên Chúa sẽ kết án và trừng phạt nghiêm khắc các tội nhân. Trong tình yêu của ngài, không có chỗ cho kẻ có tội. Đến với ngài, và ở chung quanh ngài, chỉ có các thánh, những người công chính và trọn hảo. Với Chúa Giêsu thì hoàn toàn khác. Thiên Chúa ghét tội, nhưng vẫn luôn yêu thương người có tội. Chưa bao giờ ngài nói về tội lỗi mà cùng một lúc lại không nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Con chiên, đồng bạc, và đứa con hoang đàng lạc mất, sở dĩ lạc mất là để được tìm thấy lại, và nhờ đó, đem lại niềm vui cho người tìm được chúng. Để dễ hiểu, hãy lấy một sự so sánh đơn giản sau đây:
Một cậu bé phạm tội không vâng lời. Cậu biết là cậu đã làm sai. Cậu buồn phiền, bứt rứt. Bổng chốc, mẹ của cậu đến, ôm cậu vào lòng và âu yếm hôn cậu. Lúc bấy giờ cậu cảm thấy mình được thương yêu, cậu cảm nhận mình đã lầm lỗi, và cậu thành thật thú nhận lầm lỗi đó với mẹ. Cậu vẫn buồn, nhưng không buồn như lúc nãy, khi chỉ có mình cậu với sự không vâng lời của cậu. Bây giờ, cậu buồn, nhưng rất hạnh phúc, bởi vì cậu biêt rằng, cậu được thương yêu ngay cả trong khi cậu không vâng lời.
Cũng vậy, hối tiếc tội lỗi, nhìn nhận và xưng thú lỗi lầm của mình, một cách nào đó, như là nhìn thấy mình, mặc dù tội lỗi, vẫn được ở trong vòng tay trìu mến của Thiên Chúa. Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, chỉ khi người cha ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó, thì nó mới có thể thốt lên: “ Thưa Cha, con đã phạm tội đến trời và đến Cha ”. Do đó, khái niệm thực sự đúng đắn về tội không phải là vì vi phạm những điều cấm kỵ, kiêng cử, mà là thuộc về lãnh vực của tình yêu: tội lỗi, là gây đau khổ cho Thiên Chúa là Đấng thương yêu chúng ta vô cùng. Ngưởi chủ chăn đau khổ vì con chiên thất lạc. Người đàn bà đau khổ vì đồng bạc bị mất. Người cha đau khổ vì đứa con hoang đàng, hư hỏng. Càng yêu mến nhiều, thì sự mất mát càng gây nên nhiều đau khổ.
Và cũng chính vì thế mà, việc ăn năn trở lại không phải là một vấn đề tâm lý của đương sự, mà là vấn đề tình yêu, niềm vui của Thiên Chúa. An năn trở về, là đem lại niềm vui cho Thiên Chúa, cho cả triều thần thiên quốc, cùng với các thiên thần của ngài. Khi một người tội lỗi trở lại, Thiên Chúa sẽ vui vẻ mời gọi: “ Tất cả hãy vui mừng với Ta ”.
** Hiệp thông trong bữa ăn là dấu chỉ của tình bạn hữu, với Thiên Chúa và với những người được chúc phúc. Có phải chính vì thế mà Chúa Giêsu đã dùng bữa ăn như là một phương cách xây dựng mối liên hệ thân hữu với người tội lỗi, trước khi giúp họ ăn năn thống hối. Sự trở lại của ông Giakêu chẳng hạn, không phải là một điều kiện để có thể đồng bàn với Chúa Giêsu. Chính tình bạn nảy sinh từ bữa ăn với Chúa Giêsu đã dẫn đưa ông quay trở về với Chúa. Chắc chắn Chúa Giêsu biết rõ rằng, cô lập những người tội lỗi, đối xử với họ như những người phong cùi thiêng liêng sẽ không có thể đưa họ trở về với Chúa. Mà chỉ có sự thông cảm, lòng xót thương, gần gũi mới giúp họ can đảm lên đường tiến bước.
Tất cả chúng ta, không nhiều thì ít, đều là những người tội lỗi. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ mất lòng trông cậy. Hãy trở về với Chúa. Ngài sẽ vui mừng đón tiếp chúng ta. Nghi ngờ lòng thương xót và tình yêu thương tha thứ của ngài là một trọng tội, lớn hơn tất cả mọi thứ tội. Chúa biêt chúng ta yếu đuối. Chúa không ngạc nhiên khi chúng ta sa ngã. Nhưng Chúa đòi chúng ta, mỗi khi sa ngã, phải chỗi dậy, trở về với ngài. Bởi vì ngài là Cha thương xót, luôn sẵn sàng ban ơn tha thứ cho chúng ta.