Thứ Tư, 10 Tháng Tám, 2016 00:00
Chúa nhật XX Quanh năm C ( Lc 12, 49-53 )

Trong Kinh Thánh, các tiên tri đã nhiều lần giới thiệu Chúa Giêsu như là vị Vua Hòa Bình. Trong bữa tiệc ly biệt vào chiều thứ năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã hứa để lại và trao ban Bình An của ngài cho các môn đệ. Chính ngài, sau khi sống lại, đã hiện ra cho các tông đồ và chúc: “ Bình an cho các con”. Cũng chính ngài đã từng cầu nguyện cho sự hiệp nhất, yêu thương giữa những kẻ đã tin nơi ngài. Ấy thế mà, ngài lại nói với chúng ta là, ngài đến đem sự chia rẽ, ngay cả trong gia đình, giữa những người thân yêu. Làm sao giải thích những lời trên đây ?-

Thực vậy, Chúa Giêsu đã rao giảng sự bình an, hòa bình và hiệp nhất, nhưng là sự bình an chân chính của Thiên Chúa; sự bình an của tâm hồn, không thỏa hiệp, không giống với sự bình an của thế gian. Sự bình an mà Chúa Giêsu đề cập đến đặt nền tảng trên niềm tin vào Tình yêu Thiên Chúa, lòng thương cảm, sự hy sinh, phục vụ và ơn tha thứ cứu độ. Đó cũng chính là sứ điệp Tin Mừng Phúc Âm.

Chính vì việc ngài công bố Tin Mừng nhân danh Thiên Chúa Cha, chính vì có lập trường ngược lại với lối giải thích Lề luật một cách thiếu tình người, chính vì những cử chỉ thân thiện ưu ái đối với những người tội lỗi, bị ruồng bỏ, và loại trừ, chính vì những lời quở trách chống lại những người giàu có, nhưng lại vô tâm, Chúa Giêsu đã mau chóng trở thành kẻ thù của nhiều người, nhất là những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị đương thời. Và cuối cùng, với một bản án bất công, người ta đã xử ngài phải chết.

Từ đó đến nay, ở đâu được đón nhận, thì ở đó Tin Mừng đem lại bình an. Ở đâu sứ điệp của Chúa bị từ chối, thì phát sinh ra sự chia rẽ. Những kẻ gian ác, bất lương đâu có thích sự hiện diện của người công chính, lương thiện. Những người gian dối, lừa lọc có bao giờ ưa những lời nói bày tỏ sự thật, chân lý. Những kẻ bóc lột làm sao có thể yêu thương những người tố giác sự xấu của mình. Những ai có con tim chai đá dĩ nhiên là phải tránh xa những người đề cao sự tha thứ. Những người cứ mải mê một cuộc sống hưởng thụ, ích kỷ, chỉ nghĩ đến tiền bạc, giàu sang, phú quí, thì không thể nào chịu lắng nghe người khác mời gọi chia sẽ, sự quên mình, và cho đi, vì danh Thiên Chúa.

Như thế, niềm tin vào Đức Kitô cũng là nguồn gây ra chia rẽ, phân ly. Những môn đệ của Chúa, tin tưởng vào Chúa, quyết tâm đi theo con đường tình yêu của Chúa, chắc chắn một ngày nào đó, sẽ phải bị bạc đãi như chính Đức Kitô.

Đối với chúng ta ngày nay cũng thế. Những sứ giả rao giảng Phúc Âm sẽ không ngạc nhiên trước những phản ứng tiêu cực, đối nghịch và thù hận mà mình có thể gây ra. Không thể nào trở thành một kitô hữu chân chính trong thế giới này, mà không đặt vấn đề về một vài lối sống và cách nghĩ lệch lạc đang được coi là bình thường, như: gian lận, tham nhũng, bạo lực, bóc lột, không tôn trọng sự sống, nhân phẩm, công bình… Không thể nào, nhân danh Phúc Âm, dấn thân bênh vực quyền lợi của người nghèo, và nỗ lực đấu tranh cho công bằng, mà không làm phiền lòng một số người và một số quyền lực hắc ám đang tìm cách ổn định bền vững. Giữa Tin Mừng và thế giới, vẫn chưa có hòa bình. Sự bình an chỉ được trao ban cho những ai biết quay về, trở lại và thống hối mà thôi.

Do đó, đời sống của người kitô hữu thực sự là một cuộc chiến đấu. Giữa thiện-ác, tốt-xấu, lành-dữ. Nếu đó không phải là một chiến đấu, thì người ta có thể chất vấn về tính cách chân chính đích thực của người dám xưng mình thuộc về Đức Kitô..

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com