Thứ Năm, 09 Tháng Sáu, 2016 00:00
Chúa nhật XI Quanh năm C ( Lc 7, 36-50 )

Câu chuyện xảy ra tại nhà một người Biệt Phái, tên là Simon. Chúa Giêsu được mời dự tiệc. Giữa bữa tiệc, và giữa những thực khách sang trọng, bỗng xuất hiện người đàn bà tội lỗi, trong thành, ai cũng biết. Tiến vào phòng tiệc, đến phía chân Chúa Giêsu, bà này khóc lóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Chúa; lấy tóc lau chân Chúa, bà hôn chân Chúa và xức thuốc thơm.

Sự việc xảy ra đã gây “sốc” và làm thắc mắc mọi người về Chúa Giêsu. Tại sao một người được dân chúng thán phục, ca tụng như là một tiên tri, một ngôn sứ của Thiên Chúa mà lại để cho một người đàn bà tội lỗi có những cử chỉ và hành động “không bình thường” như thế ?-

Biết được ý nghĩ của họ, qua dụ ngôn về hai con nợ, một người mắc một số nợ kếch sù, một người chỉ nợ một số nhỏ, nhưng cả hai đều không có khả năng hoàn trả, mà lại được tha tất cả, Chúa Giêsu trình bày và lý giải về Lòng Thương Xót, sự bao dung và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Là Đấng giàu lòng thương xót, ngài luôn luôn yêu mến, chạnh lòng thương, tha thứ và cứu thoát tất cả mọi người. Không trừ ai.

Điều cần lưu ý đầu tiên là, khách dự tiệc ngày hôm đó đều là những người Biệt Phái, bạn của Ong Simon; và điểm tạo nên nét đặc trưng của những người Biệt phái, đó là họ nghĩ rằng, mình xứng đáng với sự tha thứ của Thiên Chúa bằng chính những nỗ lực bản thân, qua việc tuân giữ sít sao Lề luật. Tự cho mình là công chính, họ phân biệt đối xử, khinh bỉ và không chấp nhận những người không giống với họ, nhất là những người mà họ cho là tội lỗi. Chính vì thế mà họ cảm thấy chướng, khi chứng kiến cảnh tượng trên đây.

Trong khi đó, với Chúa Giêsu, thì hoàn toàn khác.

Là hiện thân của Thiên Chúa, Chúa Giêsu thể hiện tình yêu bao dung, chấp nhận tất cả mọi người, cho dù họ có thế nào đi nữa. Ngài chấp nhận lời mời, và đến nhà ông Simon Biệt phái, mặc dù biết ông thuộc nhóm người tự kiêu, giả hình, khoe khoang, phô trương. Ngài cũng không từ chối người phụ nữ bị coi là tội lỗi công khai, và để cho chị làm tất cả những cử chỉ có vẻ “điên rồ”, thể hiện tấm lòng thống hối ăn năn. Ở đây, ngài còn lớn tiếng ca ngợi sự khiêm tốn, lòng thành khẩn, niềm tin và tình yêu của Chị. Và, ngài công khai nói lời tha thứ cho Chị.

Khi giải thích dụ ngôn về hai con nợ không có khả năng hoàn trả, được tha thứ, Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho biết Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là bao la vô tận. Ở đây, ngài ban ơn tha thứ cho người đàn bà tội lỗi; nhưng đồng thời, cũng hướng dẫn cho những người Biệt Phái hiểu rõ tấm lòng từ ái vô biên của Thiên Chúa. Bởi vì, được tha thứ là một ơn huệ vô cùng cao quý của Thiên Chúa, do Thiên Chúa trao ban, chứ không phải do tự sức riêng mình, hay công lao của mình.

Câu hỏi đặt ra là: đối với tội nhân, như trường hợp của người phụ nữ trong câu chuyện trên đây, có phải vì yêu mến nhiều, nên tội lỗi đã được tha nhiều, hay ngược lại, vì tội lỗi đã được tha nhiều, nên yêu mến nhiều hơn. Nói khác đi, đâu là yếu tố chính yếu để lãnh nhận Ơn Tha Thứ.

Chúng ta cảm thấy có khuynh hướng muốn trả lời là: sở dĩ bà ta được tha thứ nhiều là do bà đã yêu mến nhiều, như Chúa Giêsu đã nói: “ Tội của bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”.

Tuy nhiên, có vẻ đó không phải là điều Chúa Giêsu muốn giảng dạy, nếu chúng ta suy nghĩ kỹ về dụ ngôn của ngài, khi ngài kết luận:“ Tội của bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít”.

Ở đây, lòng yêu mến không phải là nguyên nhân, mà là kết quả và là dấu chỉ: Tội lỗi của bà ta rất nhiều đã được tha thứ; và bây giờ, sau khi được tha thứ,  bà ta bày tỏ ra lòng yêu mến biết ơn lớn lao.

Như thế, điều quan trọng cần lưu ý là, giữa sự tha thứ của Chúa Giêsu và lòng yêu mến của người đàn bà tội lỗi, còn có một yếu tố thứ ba, chính yếu, đó là lòng Tin-Cậy. Chúa Giêsu nói với Chị ta: “ Đức tin của con đã cứu con”. Chính lòng tin, chứ không phải tình yêu đã cứu thoát.

Thực vậy, lúc khởi đầu, bà ta đã có một tình yêu nảy sinh; tình yêu đã thúc đẩy chị đến với Chúa Giêsu. Thế nhưng, chính sự tin cậy mãnh liệt đã làm cho bà bất chấp tất cả những lễ nghi, phép tắc, lịch sự, “đường đột” xuất hiện giữa bữa tiệc, và bày tỏ tấm lòng của mình bằng một cách có vẻ như “ điên rồ”. Và bà đã được tha thứ.

Bài học rất rõ ràng: tất cả chúng ta đều là con nợ của Thiên Chúa, nhiều hay ít, do những tội lỗi, do những xúc phạm đến Chúa và anh chị em. Chúng ta không có những phương tiện để tự cứu chúng ta, ngay cả bằng tình yêu mến nồng nàn của chúng ta. Chỉ có Lòng Tin-Cậy của chúng ta mới lôi cuốn sự tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Rồi, ngay khi chúng ta cảm nhận được tha thứ, thì tình yêu xuất hiện. Tình yêu là hoa trái của Ơn Tha Thứ, và là yếu tố biến đổi tất cả cuộc đời chúng ta.

 

Một đêm Giáng Sinh, thánh Hieronimô đang quỳ cầu nguyện bên Máng cỏ thì Chúa Hài Đồng hỏi:

-“ Này Hieronimô, con có gì để làm quà cho Ta trong ngày Giáng Sinh của Ta không ?-“

- “Lạy Chúa Hài Đồng, con xin dâng trái tim con cho Chúa.”

Chúa đáp:

- “Tốt lắm ! Vậy con còn gì khác nữa không ?-“

- “Lạy Chúa Hài Đồng ! Con xin dâng tất cả những gì con có và  những gì con có thể.”

- “Thế con còn gì nữa không ?-“

- “ Con xin dâng tất cả những việc lành, những việc thiện, những việc đạo đức mà con thực hiện vì lòng yêu mến Chúa.”

- “Thế con còn gì nữa không ?-“

- “Lạy Chúa Hài Đồng ! Chúa biết rõ con còn gì để dâng cho Chúa nữa đâu !-“

- “ Còn chứ ! Con hãy dâng cho Ta tất cả tội lỗi của con, để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta mong đợi. Vì Ta sinh xuống trần gian là để tha tội cho những ai có lòng ăn năn sám hối, và sửa đổi đời sống cho tốt lành hơn.”

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com