Lễ Chúa Thăng Thiên, thực ra là kỷ niệm việc Chúa hiện ra một cách hữu hình trước mặt các môn đệ lần cuối cùng, sau khi sống lại từ cõi chết. Sau khi hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại bằng cuộc Thương Khó, cái chết và sự sống lại vinh quang. Ngài ra đi, nhưng vẫn hiện diện một cách vô hình trên thế giới, trong mỗi tâm hồn. Ngài chuyển giao cho các người thân yêu sứ mạng cao quí là loan truyền Tin Mừng Tình Yêu cho đến tận cùng thế giới… Tuy nhiên, suy cho cùng, chúng ta có thể nói, lễ Chúa về trời phải được sống như là ngày lễ của sự tin cậy, tín nhiệm mà Thiên Chúa trao cho chúng ta.
Thực vậy ngay từ đầu, trình thuật sáng tạo đã chỉ cho thấy mối liên hệ giữa Thiên Chúa và tổ tông loài người. Ngài đã tín nhiệm, ủy thác cho hai ông bà nguyên tổ công trình tạo dựng. Trước tiên, ngài đã trao ban điều quí giá nhất, là tạo dựng con người giống hình ảnh ngài. Tổ tông trở nên những thành viên trong gia đình Thiên Chúa.
Lệnh cấm không được ăn trái cấm cũng là một dấu chỉ đáng kể của sự tin cậy, tín nhiệm. Trái cây thực ra luôn ở trong tầm tay của con người. Lệnh cấm chỉ cho biết là có sự nguy hiểm. Một khi lệnh cấm được diễn tả bằng một lời nói, thì điều đó có nghĩa là, lệnh cấm không dựa trên sức mạnh, nhưng hoàn toàn dựa trên sự tin cậy, tín nhiệm mà Thiên Chúa đặt nơi con người. Đáng tiếc là con người đã không tin Thiên Chúa bằng lời nói. Con người muốn nhìn xem, sờ mó và ăn trái cấm. Đó là tội lỗi đầu tiên của nhân loại.
Sau đó, Thiên Chúa cũng muốn lặp lại sự tin cậy, tín nhiệm nơi con người. Khi hứa ban Đấng Cứu Thế, ngài nói với con rắn: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ, giữa con cháu mi và con cháu người nữ..” Qua đó, ngài sẽ không cứu chuộc nhân loại bằng một trò ảo thuật, như chiếc đũa thần. Ngài muốn liên kết con người vào trong công trình của ngài. Nếu sức mạnh của Thiên Chúa sẽ cứu con người, thì sức mạnh đó sẽ được thực hiện qua khả năng cộng tác phong phú của con người. Đấng Cứu Thế sẽ là con của một người phụ nữ, được phú bẩm sức mạnh của Thiên Chúa.
Sự liên kết kỳ diệu nầy cho thấy rất rõ sự tín nhiệm của Thiên Chúa. Thực hiện công cuộc cứu chuộc cần nhiều thế kỷ thời gian. Không phải là Thiên Chúa cần thời gian để thực hiện điều ngài muốn làm, mà là chính con người cần rất nhiều thời gian để tìm thấy những con đường tín nhiệm của Thiên Chúa. Bắt đầu từ Abraham, được gọi là Cha của các kẻ tin, ngài dạy cho biết phải tin cậy vào lời Chúa để nhận được ơn cứu độ.
Hoa trái tốt đẹp nhất của sự tin cậy nầy chính là Đức Maria. Ngài trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu vừa là con của người phụ nữ, vừa là Con Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã tìm thấy con người hoàn hảo của thời Sáng Tạo: vừa đón nhận trọn vẹn sự tín nhiệm của Thiên Chúa, vừa có thể dâng lên Thiên Chúa tất cả sự tin cậy của mình. Bởi vì, ngay cả trong bóng đen đêm tối của thập giá, ngài vẫn có thể nói lên niềm tín thác: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha”.
Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, trong suốt cuộc đời trần gian của mình, nhất trong ba năm rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã không ngừng dạy cho các môn đệ và những ai muốn lắng nghe ngài, con đường tin cậy, tín thác. Ngài đã đến trần gian với thân phận con người để có thể thực sự nói với con người bằng ngôn ngữ con người. Ngài đã cảm nghiệm tất cả những khó khăn mà con người gặp phải trong cuộc sống như những cơn cám dỗ, đau khổ và cái chết, để tin cậy, tín thác vào Thiên Chúa.
Hôm nay, lễ Thăng Thiên, chúng ta đụng chạm đến đỉnh điểm cao nhất của sự tín nhiệm mà Thiên Chúa muốn dành cho chúng ta. Chúa Giêsu đã trải qua tất cả những khó khăn của chúng ta. Trong ngày Phục Sinh, ngài đã tỏ cho thấy, bằng sự tín thác vào Thiên Chúa Cha, ngài đã vượt thắng tất cả những khó khăn đó. Hôm nay đây, ngài cũng nói với chúng ta là, bây giờ đến lượt chúng ta. Chúng ta đã đủ trưởng thành để có thể đảm đương cuộc đời của chúng ta. Ngài để lại Thánh Thần của ngài, sức mạnh và sự sống của ngài. Thế nhưng, chúng ta chỉ có thể lãnh nhận Thánh Thần Chúa, sức mạnh và sự sống của ngài, nếu chúng ta thực sự tin cậy và tín nhiệm vào Lời của ngài.
Và đó là đức tin của chúng ta.
*** Cho Chúa mượn đôi tay ( Hồng Phúc )
Sau thế chiến thứ hai, tại một ngôi làng bên Đức, một toán binh sĩ Hoa Kỳ tình nguyện đến giúp gầy dựng lại cuộc sống. Thế nhưng, dân chúng ở đây lại không xin thực phẩm, thuốc men hay nông cụ, mà chỉ xin tái thiết pho tượng Chúa đã bị bom đạn phá huỷ.
Qua bao ngày nỗ lực tìm tòi, nhặt nhạnh các mảnh vụn trong đống gạch vữa của ngôi thánh đường đã bị đổ nát, các binh sĩ Mỹ đã dần dần tái tạo lại được pho tượng, trong một nhà kho.
Tuy nhiên, có một sự thật mà họ không muốn cho dân chúng biết. Đó là, họ không tài nào hoàn chỉnh được, vì pho tượng vẫn còn thiếu mất đôi tay. Viên sĩ quan người công giáo liền nảy ra một ý, và họ vẫn tiếp tục âm thầm, lặng lẽ làm việc.
Thế rồi, ngày khánh thành đã đến. Các binh sĩ Mỹ phủ lên pho tượng một tấm vải lụa lớn, rồi di chuyển ra giữa quảng trường. Nghi thức khánh thành sẽ do ông thị trưởng tận tay cắt băng và rút tấm lụa xuống.
Khi dân chúng trong thị xã đã tề tựu đông đủ, tấm vải lụa được lấy đi, thì mọi người đều buột miệng ồ lên một tiếng trầm trồ thán phục. Pho tượng Chúa được tái tạo thật tuyệt vời, nhưng lại thiếu mất đôi cánh tay. Mọi người tò mò tiến lại gần chân pho tượng, để đọc một tấm biển lớn bằng đồng với hàng chữ được khắc trang trọng như sau: “ Thầy không có tay. Anh em có thể cho Thầy muợn đôi tay của anh em không ?-“
Trong khi tất cả còn đang ngơ ngác, vị linh mục cất tiếng nói:
“ Ngày nay Chúa vẫn tiếp tục quảng đại thi ân giáng phúc để cứu giúp nhân loại. Thế nhưng, Chúa không còn hiện diện bằng xương bằng thịt như cách đây hơn 2 000 năm;vì thế, Chúa muốn nhờ đến mỗi người chúng ta.
Chúa muốn mượn đôi chân của chúng ta để đi khắp nơi, đến tận hang cùng ngõ hẻm, những xó xỉnh thảm hại nhất… để đem tình yêu Chúa cho mọi người.
Chúa muốn mượn đôi mắt của chúng ta, để nhìn thấy những cảnh tang thương, thảm hại, những mảnh đời đau khổ, thất vọng, bế tắc… để thương cảm và chia sẻ.
Chúa muốn mượn đôi tai của chúng ta, để lắng nghe tiếng reo cười vui tươi, nhưng cả những tiếng rên xiết, khóc lóc, than thở, tức tưởi, nghẹn ngào… của người cùng khổ, để có thể hiểu biết và thông cảm.
Chúa muốn mượn con tim của chúng ta để có thể yêu thương, đồng cảm, thương cảm… với tất cả mọi người.
Chúa muốn mượn đôi tay của chúng ta, để thực hiện những việc thiện, việc lành, việc tốt… để làm vơi nhẹ những khổ đau đoạn trường của những anh em chung quanh.
Thật vậy, Chúa nhờ chúng ta, thay mặt Chúa, cộng tác với Chúa để đem lại hạnh phúc đích thực và sung mãn cho mọi người”.