Đức Kitô đã chết, nhưng đã sống lại. Đó là nền tảng căn bản của niềm tin kitô giáo. Ngài sống lại để minh chứng ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, đã hy sinh mạng sống để đem lại sự sống viên mãn và hạnh phúc đích thực cho con người. Thế nhưng căn cứ vào đâu để có thể khẳng định ngài đã sống lại ?
Trước hết là chứng tá của các tông đồ. Là những người đã sống đồng thời với Đức Kitô, bên cạnh Đức Kitô, các tông đồ đã rao giảng, làm chứng trong suốt cả cuộc đời của mình là, Đức Kitô đã chết, sau ba ngày đã sống lại, và đã hiện ra với các ông. Các ông đã sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết vì lời chứng đó. Chắc chắn các ông không ngu dại gì để sẵn sàng hy sinh cả đời mình để làm chứng cho một người nói dối, hay nói sai.
Chúng ta cũng đã biết, các tông đồ rất nhút nhát, nếu không nói là hèn nhát. Bằng chứng cụ thể là, khi Chúa Giêsu bị bắt, các ông đã trốn chạy tất cả. Sở dĩ có những phản ứng như thế, là vì các ông chưa xác tín đủ rằng: ngài là Con Thiên Chúa. Chỉ có sự sống lại đích thực của Đức Kitô mới có thể giải thích việc các ông trở nên can đảm một cách nhanh chóng và phi thường như thế
Các ông cũng không thể nào ngụy tạo việc Chúa sống lại. Bởi vì hầu hết các ông đều là những người bình dân, không có trình độ, cho nên không thể nào qua mặt được các luật sĩ, biệt phái là những người trí thức và khôn ngoan. Vả lại, nếu đã là ngụy tạo thì truớc sau gì cũng sẽ bị bại lộ chân tướng. Ay thế mà, trong suốt hai ngàn năm qua, niềm tin nầy vẫn được lưu truyền trên khắp thế giới, và vẫn còn có nhiều người sẵn sàng hy sinh mạng sống cho niềm tin ấy.
Đàng khác, đã được thông tin về việc Chúa Giêsu tuyên bố trước ngài sẽ sống lại, các thượng tế, luật sĩ và biệt phái đã cẩn thận xin Philatô cho niêm phong ngôi mộ và đặt binh lính canh gác nghiêm ngặt, đề phòng các môn đệ của ngài đến ăn cắp xác, rồi phao tin, ngài đã sống lại. Mà các tông đồ vốn đã quá nhút nhát, đã trốn chạy khi Chúa bị bắt, đã đóng kín cửa không dám ra ngoài vì sợ bị liên lụy, thậm chí khi nghe các người phụ nữ loan báo Chúa đã sống lại, các ông cũng không hề nhúc nhích. Thì làm sao các ông dám làm một việc kinh thiên động địa là tổ chức ăn cắp xác Chúa.
Hơn nữa, sự kiện mồ trống chứng tỏ, xác Chúa Giêsu không còn ở đó chỉ có thể giải thích được, hoặc là do có người đem đi, hoặc là do một trận động đất nào đó đã nuốt mất xác Chúa, hoặc là vì ngài đã sống lại, ra khỏi mồ. Thế nhưng, sự kiện khăn liệm, vải liệm vẫn còn để lại đã bác bỏ hai giả thuyết đầu tiên. Nếu có ai đem xác ngài đi trong hoàn cảnh lén lút và gấp rút, chắc chắn sẽ phải đem theo cả khăn liệm, vải liệm của ngài. Còn nếu có trận động đất, thì thật là khó hiểu, nếu đất nuốt mất thân xác, mà còn để lại những băng vải và khăn liệm ở chỗ cũ.
Ngoài ra, sự thành thật và kín đáo của các nhân chứng càng làm cho sự kiện Chúa Sống Lại thêm mạnh mẽ. Sự ngay thật của những người viết Tin Mừng được bộc lộ qua sự kín đáo, khi nói về sự Chúa Sống Lại và các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, rất ít và rất ngắn gọn, không vẻ vời, thêm thắt. Các thánh sử cũng không đá động gì đến thời điểm và cách thế ngài sống lại, và ra khỏi mồ. Lý do đơn giản là vì các ông không được chứng kiến tại chỗ sự kiện có một không hai nầy. Nếu là ngụy tạo, chắc chắn sẽ không để cho người làm chứng đầu tiên là một phụ nữ như Maria Madalena. Thời đó, chứng từ của phụ nữ gần như không có giá trị. Thêm vào đó, nếu là ngụy tạo, số lần hiện ra, chắc chắn sẽ được kể ra rất nhiều, chứ không phải chỉ có năm lần trong thời gian bốn mươi đêm ngày, từ lúc sống lại cho đến khi lên trời.
Chúa Phục Sinh là nền tảng đức tin của chúng ta. Nền tảng nầy thật vững chắc. Chúa Giêsu thực là Con Thiên Chúa, và giáo huấn của ngài là thánh thiêng. Việc phục sinh của ngài là bảo chứng cho sự sống lại của chúng ta. Phép Rửa tội đã trao ban cho chúng ta sự sống của Đấng Phục Sinh. Sự sống nầy tiềm ẩn, nhưng sẽ bừng nở trong vinh quang trong ngày sau hết của chúng ta. Sự sống mới nầy, là sống theo gương của Đức Kitô đã đến phục vụ và làm việc lành, để xây dựng và phát triển cuộc sống, trong công bình, hòa bình, tình yêu và hạnh phúc.
Tin vào thiên tính của Chúa Giêsu và sống theo lời giảng dạy của ngài cũng như theo gương của ngài, để sống lại vinh quang và đời đời trong hạnh phúc thiên đàng: đó là điều mà lễ Phục Sinh muốn nhắn nhủ chúng ta, đó cũng là điều chúng ta phải làm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.