Bài Thương Khó chúng ta vừa nghe cho thấy những gì ?- Tổng trấn Philatô không thấy nơi Chúa Giêsu có gì đáng phải chết. Các thủ lãnh Do Thái thì tố cáo ngài đã xúi giục và xách động dân chúng. Và người ta đã phóng thích Baraba là một tên đang bị giam cầm vì nổi loạn, cướp phá. Philatô thoái thác giải quyết vụ án Chúa Giêsu, bằng cách đẩy ngài sang Toà án Do Thái. Những người nầy chộp lấy cơ hội để giết ngài.
Chúa Giêsu thực sự là một người quấy rối. Ngài quấy rầy tất cả mọi người. Ngài làm xáo trộn trật tự công cộng, một thứ trật tự dựa trên sự rối loạn đã được thiết lập từ trước. Qua cách hành xử của mình, ngài tố giác thói giả hình của những người tự phụ đạo đức. Qua việc lui tới với những hạng đĩ điếm, những người tội lỗi, những dân ngoại, ngài đã thực sự làm thay đổi một quan niệm nào đó về luân lý, bởi vì ngài đã đem lại cho những người nầy niềm hy vọng mà những người quyền thế lúc bấy giờ đã thu hồi, chiếm đoạt. Không những ngài đã trao cho những người bị loại trừ một lý do để hy vọng, mà ngài còn khẳng định rõ ràng là, những người cùng khổ sẽ vào thiên đàng trước những người Do Thái tuân giữ luật lệ một cách nghiêm ngặt, hình thức, mà không có hồn…
Cần phải loại trừ Chúa Giêsu, bởi vì ngài làm đảo lộn trật tự các giá trị. Ngài không suy nghĩ như tất cả những người khác. Ngài phá đổ những truyền thống đã tồn tại từ lâu đời. Ngài đã đi quá xa. Và sau cùng, trừ khử ngài trở thành một việc tốt, giống như là vì lợi ích quốc gia. Điều đó đã được thực hiện trọn vẹn. Và Chúa Giêsu đã không lẩn tránh. Ngài đã đi đến cùng con đường tình yêu của ngài, để cứu độ chúng ta. Cuối con đường tình yêu đó, chính là thập giá, rất tủi nhục, nhưng rất vinh quang.
Hai ngàn năm sau biến cố thập giá đau thương, giờ đây chúng ta lại cử hành cuộc Thương khó của Chúa. Những ngày trong Tuần Thánh sẽ giúp chúng ta suy gẫm tất cả sự ghê tởm của bản án bất công. Và một cách không ý thức, chúng ta đặf mình vào vị trí những người công chính. Chúng ta nghĩ rằng, những người thuộc tòa án Do thái là những kẻ sát nhân, và tội ác của họ thật là bỉ ổi. Chúng ta cho rằng, Philatô là một người hèn nhát; đáng lẽ ông ta phải biết sử dụng quyền hành một cách chính đáng, để cứu thoát một người vô tội khỏi phải chết. Còn đám đông quần chúng thì bạc bẽo, vô ơn; vừa mới tung hô, ca tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, đã quay lưng lại, hò reo đòi lên án tử Đấng Thiên Sai. Các môn đệ thân yêu thì tan tác, kẻ thì bỏ trốn, người thì chối thầy, người khác lại phản nộp thầy để lấy ba chục đồng bạc… Thật là bi đát và bỉ ổi.
Hai ngàn năm sau nhìn lại, chúng ta thấy rằng, cuộc Thương khó của Chúa chưa chấm dứt, mà vẫn còn tiếp tục, vẫn còn tính cách thời sự, ngay tại địa phương thân yêu nầy. Biết bao bất công vẫn còn đầy dẫy trước mắt chúng ta. Biết bao người thấp cổ, bé miệng vẫn còn bị áp bức, bóc lột, khinh bỉ, loại trừ. Biết bao những người cùng khổ, đau ốm, bệnh tật, cô đơn… vẫn còn bị bỏ rơi, không được ai đoái hoài đến. Biết bao những người chán nản, thất vọng, không tìm đuợc lẽ sống … đang chờ được an ủi, đỡ nâng.
Vì thế, vấn đề là mỗi người chúng ta sẽ đóng vai trò nào trong đó ?- Là Philatô hèn nhát chỉ xem Chúa Giêsu như một người làm vướng bận ?- Là những người thuộc tòa án Do Thái đã dã tâm giết chết Chúa Giêsu, chỉ vì ngài rao giảng và sống cho tình yêu ?- Là thành phần của đám đông quần chúng hò reo, la hét, không một chút suy nghĩ, theo hùa kẻ gian ác để hãm hại người lành ?- hay là những môn đệ nhút nhát đã trốn chạy, chối bỏ thầy, tham lam bán nộp thầy ?- Hoặc là vai trò của Đức Maria, Gioan và một vài tín hữu trung thành can đảm đi theo Chúa đến cùng dưới chân thập giá ?-
Mỗi người trong chúng ta phải trả lời với Chúa, chúng ta là ai trong cuộc thương khó của ngài. Đó là vấn đề của chúng ta, trước lương tâm và trước mặt Chúa.