Thứ Sáu, 19 Tháng Hai, 2016 00:00
Chúa nhật II Mùa Chay C ( Lc 9, 28b-36 )

Chúa Giêsu biến hình. Chúa Giêsu hiển dung. Thánh Luca xác định rõ ràng: đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện. Biến cố độc đáo này đã gây một ấn tượng hết sức đặc biệt nơi ba tông đồ thân tín và đã củng cố niềm tin của các ông trước cái viễn tượng Cuộc Thương Khó của Vị Thày Chí Thánh. Phêrô, quá hạnh phúc, hầu như mê sảng, đòi xin dựng ba lều để lưu lại cái thị kiến này, để chính ông cũng ở lại tại đó.

Luồng ánh sáng tỏa chiếu tràn ngập khiến diện mạo của Chúa Giêsu biến đổi khác thường, và áo của ngài trở nên trắng tinh sáng láng. Sự cầu nguyện này là một cuộc gặp gỡ tỏa sáng, với những nét chính yếu sau đây:

1) Gặp gỡ Thiên Chúa Cha. Trong khi cầu nguyện, Chúa Giêsu gặp gỡ Thiên Chúa Cha, mà theo như truyền thống Kinh Thánh, đám mây đang bao phủ chỉ rõ sự hiện diện của ngài. Sự cầu nguyện đích thực là một cuộc hẹn hò với Thiên Chúa hằng sống, trong một cuộc đối thoại đôi khi không lời, trong sự đơn giản; ở đó, Thiên Chúa tự tỏ mình cho những người khiêm nhu và nghèo khó trong tâm hồn.

Khi chiêm ngưỡng dung mạo của Chúa Giêsu được biến đổi tỏa sáng, Đấng mà Thiên Chúa Cha đã âu yếm gọi là “ Con Ta yêu dấu”, ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã khám phá ra phản ánh gương mặt của Thiên Chúa hằng sống.

2) Gặp gỡ Anh em. Sự biến hình của Chúa Giêsu cũng là một cuộc đàm đạo của những người cầu nguyện. “ Môisen và Elia cùng đàm đạo với ngài”. Ở sa mạc, Môisen đã nhận lãnh sự bày tỏ Danh thánh của Thiên Chúa trong một cuộc đàm đạo kỳ lạ với Đấng Tối Cao, nơi bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi; và trên núi Sinai, ông đã gặp gỡ Thiên Chúa của Giao Ước, trong 40 ngày, “ đến nỗi gương mặt của ông tỏa sáng”. Còn Elia, vị ngôn sứ dày dạn, kẻ chiến đấu đơn độc và chiến thắng vẻ vang trên các tà thần, nhờ sức mạnh thần thiêng từ trời cao, cũng đã gặp gỡ Thiên Chúa khi ông ở trên núi Horeb. Trong cuộc đàm đạo này, các ngài đã nói đến chương trình cứu chuộc mà Chúa Giêsu sắp thực hiện.

3) Sau cùng, Cầu Nguyện là gặp gỡ chính mình trong sự thật. Trên núi Taborê, ánh sáng của sự Phục Sinh đã nổi bật trên gương mặt của Đấng đang tiến trên con đường bị biến dạng của cuộc Khổ Nạn. Lúc bấy giờ, Chúa Giêsu ý thức rõ ràng: sứ mạng cao quý được trao ban, trách nhiệm cao trọng phải chu toàn, con đường đích thực phải hướng tới, điểm kết thúc của sự hy sinh dâng hiến là Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và sự Phục Sinh vinh quang, và hiệu quả vô cùng lớn lao sẽ đạt được là Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Chấp nhận đau khổ, ngài sẵn sàng tự nguyện dấn thân để thánh ý Chúa Cha được trọn vẹn.

*** Cầu nguyện là gặp gỡ. Gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ anh em và gặp gỡ chính mình. Không cần phải lưu lại trên núi Taborê, cũng không cần phải có những cuộc thị kiến để gặp gỡ Chúa trong khi cầu nguyện. Chúng ta được mời cầu nguyện trong cuộc sống như chúng ta đang sống, với những sinh hoạt hằng ngày, với những thời điểm hồi tâm và chia sẻ với các người tín hữu khác. Trong thời gian Mùa Chay, cầu nguyện là một trong những trục nổi bật, để sống thời điểm mạnh mẽ trên con đường tiến về lễ Phục sinh của chúng ta. 

Thực vậy, một người cầu nguyện đích thực không bao giờ là một mình. Sự cầu nguyện giúp con người thông hiệp với Đức Kitô, và với những người khác cũng đang cầu nguyện. Cầu nguyện biến đổi cái nhìn, để đi đến chỗ yêu mến người khác bên kia những gì làm biến dạng họ. Nó mang theo, một cách kín đáo, những người hiện diện và những người vắng mặt, và liên kết họ trong con tim của Thiên Chúa. Nói khác đi, cầu nguyện là một sự dấn thân, quyết tâm yêu mến, trao ban và cứu độ anh em. Người cầu nguyện là một trạng sư cho anh em mình.

Đồng thời, người cầu nguyện bước vào một cuộc thử thách của sự thật. Ở đó, cuộc đời riêng tư được phơi bày trần trụi, bởi vì không thể nào giữ mãi những cái mặt nạ đã mang trong cuộc sống thường ngày. Bấy giờ, khi trút bỏ hết những cái vẻ giả tạo bề ngoài, người cầu nguyện khám phá ra cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa đối với chính mình. Mình được đón nhận như người thu thuế trong dụ ngôn. Cầu nguyện soi sáng ơn gọi làm Con Cái Thiên Chúa. Người cầu nguyện còn cảm nhận được thân phận lữ hành trên đường dương thế, đang tiến về sự biến đổi thân xác theo hình ảnh thân xác vinh quang của Chúa Giêsu, như ngài đã xuất hiện biến hình trên núi ngày xưa. Và như thế, người cầu nguyện cảm nhận được sự yếu đuối, mỏng dòn, nhiều giới hạn … của thân phận con người, cần đến lòng thương xót và ơn cứu độ của Chúa. Tin cậy và phó thác trong tình yêu Thiên Chúa.

  Cầu nguyện bấy giờ trở thành một nguồn sức mạnh, bình an và tình yêu. Nó trở nên kỳ diệu, gây ngỡ ngàng, khi chúng ta nhận thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, gặp gỡ. Cầu nguyện trong chân lý biến đổi cái đơn điệu của cuộc sống đời thường, và giúp chúng ta nhìn một cách khác những lo lắng, những công việc, những hạnh phúc, những thử thách, những sự vĩ đại và những yếu đuối của chúng ta. Người cầu nguyện sẽ nhìn thấy cuộc đời mình khác đi...trong niềm tin yêu, hy vọng và cậy trông, phó thác.

Vấn đề là, có phải tất cả sự cầu nguyện của chúng ta đều thực sự là gặp gỡ hay không ?-  Bởi vì nếu không khéo, cầu nguyện dễ trở thành cuộc nói chuyện ba hoa với ít nhiều lơ đãng, lo ra, chia trí, hay chỉ là những lời cầu xin đơn điệu, nhàm chán, lặp đi lặp lại những công thức được thực hiện một cách máy móc… Chúng ta hãy coi chừng những thứ cầu nguyện giả mạo, giả tạo, hình thức…không chất lượng, vẫn thường xảy ra trong cuộc sống chúng ta.

Và nếu hiểu được như thế, phải chăng chúng ta đang thiếu cầu nguyện ?

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com