Thứ Bảy, 09 Tháng Giêng, 2016 00:00
Chúa Giêsu chịu phép rửa C ( Lc 3, 15-16, 21-22 )

Chúa Giêsu lãnh nhận phép Rửa Thống Hối. Biến cố này rất quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu. Quan trọng không phải là do phép Rửa, mà là những gì xảy ra tiếp theo sau đó: Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, thì Thánh Thần Chúa ngự xuống trên ngài dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán: “ Con là Con yếu dấu của Cha. Con đẹp lòng Cha”.

Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu. Đây không phải là lần đầu tiên, bởi vì ngay khi thụ thai, ngài đã được trao ban Thánh Thần. Thế nhưng ở đây, ngài lại được trao ban, bởi vì môt giai đoạn mới đã bắt đầu: Ngài bắt đầu rao giảng Nước Thiên Chúa. Như vậy, ở đây được xem như là một lễ tấn phong, công bố Chúa Giêsu là ai, và chính thức thiết lập tư cách chu toàn sứ mạng. Chúa Giêsu là Đấng đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng đã được Chúa Thánh Thần xức dầu. Ngài đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Ngài là Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa, lãnh nhận trách nhiệm trở thành tiên tri của Thiên Chúa và mang đến cho thế giới ơn cứu độ hồng phúc.

Chúng ta nhìn thấy, trong ngày chịu phép Rửa Thống Hối của Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã sống một thời điểm đặc biệt trong cuộc đời, đến nỗi chúng ta có thể chia cuộc đời của ngài thành hai giai đoạn: trước, và sau khi chịu phép Rửa. Trước khi chịu phép Rửa, ngài sống một cuộc sống ẩn dật. Sau khi chịu phép Rửa, là cuộc sống công khai.

Chúng ta là những người chịu phép Rửa tội nhân danh Chúa Giêsu. Phép Rửa tội của chúng ta chắc chắn không giống phép Rửa Thống Hối của Chúa Giêsu: không có chim bồ câu đến đậu trên đầu, không có tiếng nói từ trời vang xuống. Phép Rửa của Chúa Giêsu và khung cảnh diễn ra sau đó là những biến cố độc nhất.

Thế nhưng, chúng ta đã được chịu phép Rửa tội đã được Gioan Tẩy Giả loan báo: “ Ngài sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa”.

Chúa Thánh Thần được hứa ở đây không khác với Chúa Thánh Thần đã xuống trên Chúa Giêsu. Chỉ là một. Còn lửa nói ở đây, chính là lửa trong ngày lễ Ngũ Tuần được trao ban cho các tông đồ, bốn mươi ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đã đem lại một hiệu quả thật tuyệt vời. Theo thánh Phaolô, nhờ phép Rửa tội, Thiên Chúa đã làm chúng ta sinh ra lại, và đã đổi mới chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Sinh ra lại và đổi mới, đó là giá trị chính yếu.

Chúng ta đã được sinh ra trong thế giới loài người. Phép Rửa tội làm cho chúng ta sinh ra lại trong thế giới của Thiên Chúa. Chúng ta đã con cái loài người và là những tạo vật được Thiên Chúa yêu mến. Phép Rửa tội đã làm chúng ta giờ đây trở thành những nghĩa tử của Thiên Chúa. Phép Rửa tội tinh luyện chúng ta, kéo chúng ta ra khỏi thế giới của sự dữ, giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc của thế giới tội lỗi; đồng thời, biến đổi chúng ta nên mới, thuộc về Dân Thiên Chúa, được dành riêng cho cuộc sống vĩnh cửu.

Tuy nhiên nên nhớ rằng, phép Rửa tội làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, nhưng chúng ta có thể trở nên con cái bất xứng. Phép Rửa tội ban Thánh Thần, và với Thánh Thần, chúng ta có thể làm việc thiện, việc lành. Thế nhưng, bởi vì chúng ta có tự do, chúng ta có thể chọn sự dữ. Phép Rửa tội làm cho chúng ta trở nên công chính, nhưng điều đó đòi hỏi chúng ta mỗi ngày phải công chính hơn. Là con cái Thiên Chúa, phép Rửa tội đòi chúng ta mỗi ngày phải lớn lên và trưởng thành, có trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa.

Vấn đề là làm thế nào chúng ta biết sống trọn vẹn ơn gọi làm con Chúa một cách xứng đáng theo gương Chúa Giêsu. Và trong suốt cuộc đời, chúng ta hãy biết cảm tạ Chúa, vì ơn huệ quí báu này, bằng một cuộc sống yêu thương, phục vụ và hy sinh, theo gương của Chúa Giêsu, để đem lại ơn cứu độ cho những anh em chúng quanh chúng ta.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com