Khi Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng đến, chúng ta bắt đầu nghĩ đến lễ Giáng Sinh. Phụng vụ hướng cái nhìn về lễ Giáng Sinh. Thế nhưng, cái nhìn này không dừng ở ngày 25 tháng 12, mà kéo dài rất xa trước. Nó đi đến tận cùng của tương lai thế giới. Nó thăm dò ngày tận thế để nói về ngày Chúa Kitô trở lại. Ngày này được diễn tả bằng một thể văn “ Khải huyền”, dùng những hình ảnh mạnh mẽ và chói lọi, không phải để làm thế giới kinh sợ, những để báo cho biết tầm quan trọng những gì sắp xảy đến.
Chúa Giêsu cho biết:“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Dưới đất các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời rung chuyển”. Nhưng tại sao lại có tất cả những sự đó ?- Thực ra, không phải là để báo trước một thiên tai, nhưng rõ ràng là nhấn mạnh một ngày hạnh phúc: một ngày giải thoát và cứu độ. “ Khi những biến cố này bắt đầu, thì các con hãy ngẫng đầu lên, vì ngày cứu độ của các con đã đến gần”.
Nên nhớ rằng, Ơn cứu độ, đó là từ ngữ chính yếu. Nó nhắc chúng ta nhớ rằng, chúng ta không được tạo dựng để đi đến sự hủy diệt và chết chóc, mà là để được sống. Không phải là bất cứ sự sống nào, mà là sự sống bên cạnh Thiên Chúa, trong Thiên Chúa, với Đức Kitô Phục sinh. Điều đó, Thiên Chúa đã hứa. Điều ngài đã hứa, thì ngài sẽ thực hiện. Ngài đã thực hiện trong Chúa Giêsu, là Đấng đã sinh ra giữa loài người và chết giữa loài người. Ngài đã chỗi dậy và hằng sống, bây giờ và cho đến mãi mãi. Bên cạnh Thiên Chúa Cha, đang khi chờ đợi liên kết tất cả những ai mà ngài yêu mến đến nỗi đã hy sinh mạng sống chính mình.
Điều quan trọng là, chúng ta không được phép không biết ngày trở lại của Chúa Giêsu, hoặc là không được giảm nhẹ tầm quan trọng đó, bởi vì thấy nó có vẻ xa xôi với chúng ta, hay bởi vì chúng ta không thể xác định được ngày giờ năm tháng của nó. Ngược lại, điều không kém quan trọng là, phải lượng định tất cả tác động của nó ngay từ bây giờ trên cuộc đời chúng ta.
Định mệnh của chúng ta là một ngày nào đó xuất hiện diện đối diện trước Đấng đã muốn đưa dẫn chúng ta đến với Cha ngài. Thế nhưng, chỉ những ai đã biến đổi đời mình trở thành một hành trình dài đi đến mục đích tối hậu là Thiên Chúa và Vương quốc của ngài, thì mới được đưa dẫn đến Thiên Chúa mà thôi.
Từ đó, lời khuyên nhủ này được nhắc lại cho chúng ta năm này qua năm khác, vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng. Chúng ta hãy cảnh giác, sợ rằng tâm hồn chúng ta trở nên nặng nề trong chè chén, say sưa, phóng đãng và quá lo lắng việc đời. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn luôn. Vấn đề là hãy sống ngày hôm nay như thế nào, để khi ngày cuối cùng đến, chúng ta có thể đứng thẳng trước Con Người.
Đứng thẳng, có nghĩa là khi làm chứng rằng, chúng ta quyết tâm biến đổi tất cả cuộc đời chúng ta trở nên một cuộc tìm kiếm Đức Kitô, và chúng ta đã biết tận dụng mỗi ngày trong cuộc sống để học biết càng ngày ngày càng yêu mến hơn.
Thánh Phaolô khuyên mời chúng ta hãy tràn đầy lòng yêu thương nhau, và thương yêu mọi người. Bởi vì, trên trần gian, ai biết yêu mến thì sẽ có thể đứng vững, không sợ hãi, khi Đức Kitô lại đến lần cuối cùng. Đến lần cuối cùng. Bởi vì chúng ta biết điều đó, và lễ Giáng sinh nhắc đi nhắc lại, năm này qua năm khác, rằng, Đấng sẽ đến và đã đến, đang đến với chúng ta mỗi ngày. Đó là việc ngài trở lại mỗi ngày với chúng ta. Đó chính là sự hiện diện của ngài mà vẻ huy hoàng sẽ được tỏ lộ ra vào ngày tận thế, sự hiện diện mà chúng ta được mời gọi mừng kính trong lễ Giáng Sinh sắp tới.
Vấn đề còn lại là, chúng ta có ý thức, khao khát, mong muốn một cách mãnh liệt, và luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng, để đón nhận ngài vào trong cuộc sống đời thường của chúng ta hay không. Bởi vì, đón nhận ngài trong giây phút hiện tại là chuẩn bị để được hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn, trong Vương quốc tình yêu của ngài, khi ngài đến với chúng ta lần thứ hai vậy.