Khi đặt câu hỏi: “ Ai là người lớn nhất ?- thì người ta liên tưởng đến người làm lớn, người thủ lãnh với nhiều ưu đãi, đặc quyền, đặc lợi. Theo quan niệm thông thường, những người nầy có nhiều tiền, nhiều danh dự, nhiều phương tiện giúp cho cuộc sống được sung sướng, thoải mái. Họ không phải vất vả, cực nhọc, lam lũ như đại đa số nhân dân. Vì có nhiều của cải, vật chất, họ sẽ có thể làm được tất cả mọi sự một cách dễ dàng, cho chính mình và cho những người trong gia đình mình. Vì không thiếu thốn bất cứ thứ gì, cho nên họ không phải lo âu, tính toán, băn khoăn, khắc khoải, trong hiện tại cũng tương lai. Họ có thể ung dung hưởng thụ cuộc đời như một thứ hạnh phúc xa xỉ mà nhiều người mơ ước.
Người làm lớn cũng thường là người có nhiều quyền. Quyền hành và quyền thế. Ngoài những gì được phép trong chức vụ và địa vị, họ còn có khuynh hướng định đoạt và điều hành công việc thay cho người khác, cho cuộc sống của người khác. Vì có nhiều thế lực, với một thái độ kẻ cả, cha chú, họ thích điều khiển, thống trị và sai khiến người khác như tôi mọi đầy tớ. Để thoả mãn những dục vọng, đam mê, họ đàn áp, ép buộc, thậm chí bóc lột, chà đạp những người yếu kém, dưới quyền. Coi thường người khác, họ sử dụng anh em đồng loại như những phương tiện, đồ vật, phục vụ cho tính tham lam, ích kỷ, hẹp hòi. Thái độ sống đó dễ gây ra những bất công, áp bức, ức hiếp, phẩn nộ, phản loạn. Như thế, hình ảnh người làm lớn thường là thống trị, lạm dụng và bóc lột.
Trong khi đó, con người và cuộc đời của Chúa Giêsu đã làm thay đổi nội dung và ý nghĩa của hình ảnh người làm đầu.
Khi loan báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn và sự hy sinh tự nguyện để cứu chuộc, đem lại hạnh phúc muôn người, ngài đã điều chỉnh lại hình ảnh về sự vĩ đại, cao quí của Thiên Chúa. Khi nghĩ về Thiên Chúa, con người thường hình dung ngài như là một vị thủ lãnh, một chúa tể, một Chúa Trời toàn năng. Trong khi đó, quyền tối thượng của Thiên Chúa không phải là một uy quyền thống trị, mà là một năng lực phục vụ. Trong cuộc Thương Khó mà ngài đã tự nguyện lãnh nhận, Chúa Giêsu đã trở nên người cuối hết, người đầy tớ của tất cả. Thập giá chính là hình ảnh đích thực và duy nhất của Thiên Chúa. Thiên Chúa thực sự là Đấng Đầu Hết, Đấng Lớn Nhất, nhưng là trong sự phục vụ, trong tình thương yêu. Hơn nữa, trong kinh Tin Kính, chúng ta không tuyên xưng: tôi tin Thiên Chúa toàn năng, mà là: tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng. Sự toàn năng của Thiên Chúa là sự toàn năng của tình yêu, của tình phụ tử, của người Cha nhân từ.
Do đó, người lớn nhất trong nhân loại không còn là người có nhiều sức mạnh, để thống trị, đè bẹp, áp bức những kẻ yếu đưối, hèn kém. Đối với Chúa Giêsu, người đầu tiên phải trở nên người rốt hết, người lớn nhất phải trở nên người phục vụ anh em. Nếu không, người ta sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn: bạo lực sẽ sinh ra bạo lực, thù hận, bóc lột… Và nếu chỉ thay đổi vị trí, thì cũng không thay đổi được gì cả. Người bị áp bức trở nên người thống trị, và ngược lại, thì bạo lực, bất công, thù hận … sẽ lại tái diễn, không bao giờ chấm dứt. Vì thế, Chúa Giêsu đề nghị một giải pháp: người làm chủ phải tự nguyện trở nên đầy tớ, người làm lớn phải là người phục vụ anh em, trong tình yêu thương. Đó là một cuộc cách mạng bên trong của con người: đó là sự thay đổi con tim và tấm lòng. Yêu thương phục vụ thay vì quyền bính, thống trị .
Cuộc cách mạng đó cần phải được bắt đầu ngay bây giờ, ở đây, trong hoàn cảnh hiện tại. Cuộc cách mạng đó, chính là con đường phải theo cho những ai muốn trở thành môn đệ Chúa, muốn hưởng hạnh phúc vinh quang trong Nước Chúa.