Sứ mạng của người kitô hữu là loan báo Tin Mừng, rao giảng Phúc Âm. Thế nhưng, làm thế nào để thực hiện sứ mạng đó ?-.
Dĩ nhiên không phải là dễ dàng gì giải đáp câu hỏi đó bằng một vài chữ, bởi vì, loan báo Tin Mừng là cả một tiến trình phức tạp, đòi hỏi phải suy nghĩ chính chắn và thích nghi cẩn thận, quan tâm đến thời điểm mà người ta sống cũng như nền văn hóa mà Phúc Âm sẽ được gieo vải, vun trồng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng đưa ra những lời căn dặn, được xem là những điểm qui chiếu cần thiết, không được quên, nếu chúng ta muốn chuyển thông cho người khác đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận một cách nhưng không, đã đem lại cho đời chúng ta một ý nghĩa căn bản, sâu xa.
Một là tính cách liên đới: Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi, từng hai người một. Khi làm như thế, chắc chắn là để tương trợ lẩn nhau dọc đường, cùng vui hưởng những thành quả đạt được, cùng an ủi nhau trong những giờ phút thất vọng. Tuy nhiên, nhất là bởi vì, chứng cứ do nhiều người đứng ra thì đáng tin cậy hơn chứng cứ của một cá nhân. Nếu muốn đánh giá phẩm chất một nhân chứng của Đức Kitô, thì chúng ta hãy kiểm chứng xem người đó nói và hành động nhân danh riêng mình, hay trong tình liên đới với người khác.
Hai là xua trừ sự dữ. Trong lời căn dặn thứ hai, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ xua đuổi tà thần và trao ban cho các ngài quyền thực hiện điều đó. Theo nghĩa đen, lời căn dặn này có vẻ lỗi thời, bởi vì ngày nay người ta không còn xua đuổi tà thần như ngày xưa nữa. Tuy nhiên, nếu chú ý vào ý nghĩa sâu xa của lời dặn dò, chúng ta sẽ thấy tất cả tính cách thời sự của nó. Những tà thần mà Chúa Giêsu nói đến cư ngụ ở tận đáy tâm hồn. Ở đó, phát sinh hầu hết những tai họa của thế giới. Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ đánh động các tâm hồn để họ ăn năn thống hối. Phúc Âm hóa, chính là mời gọi những người đón nhận Tin Mừng của Phúc Âm tác tạo một con tim mới, giống như con tim của Thiên Chúa và Chúa Giêsu.
Ba là đừng có cậy dựa vào sự giàu có và quyền lực. Lời dặn dò thứ ba này nhắm về sự nghèo khó: “ Đừng mang gì theo dọc đường… Không cơm bánh, không bao bị…”. Người rao truyền Phúc Âm chân chính xuất hiện với đôi bàn tay không, hành trang mang theo chỉ là sự giàu có tình yêu và vẻ đẹp của sứ điệp mà mình công bố. Lời dặn dò này không dẫn đưa đến chỗ từ chối những phương tiện hữu ích cho việc quảng bá những sứ điệp, nhưng nó thúc bách đừng có lẫn lộn cả hai thứ khi bàn đến việc rao giảng Phúc âm. Không cần phải giàu có, không cần khoác vào những bằng cấp, hay những dụng cụ tinh vi để rao giảng Chúa Giêsu và Phúc Âm của ngài. Chính phẩm chất của con tim mới có giá trị trước hết.
Bốn là đừng cố tình lôi kéo ép uổng. Lời dặn dò này rất quan trọng và ngày nay vẫn còn giá trị. Chúa Giêsu đòi các sứ giả đừng nài nỉ quá đáng, khi người ta không muốn lắng nghe các ngài. Trong những trường hợp như thế, các ngài chỉ việc đi rao giảng nơi khác. Lời nhắn nhủ này muốn nhấn mạnh điều này là, sứ điệp Phúc Âm, là một sứ điệp của tự do, phải được đón nhận trong sự tự do hoàn toàn. Thiên Chúa không áp đặt gì cả. Ngài đề nghị rất nhiều. Các môn đệ của ngài phải bắt chước ngài.
Thứ năm là không phải chỉ bằng lời nói. Lời dặn sau cùng rất căn bản. Nó đòi hỏi các môn đệ không những chỉ rao giảng bằng lời, mà còn phải thực hiện bằng việc làm để xác nhận chân lý mà họ loan báo… “ Họ xua đuổi rất nhiều ma quỉ… chữa lành những bệnh nhân”. Đó chính là con đường hoàn hảo để rao truyền Phúc Âm. Hành vi, cử chỉ rao truyền Phúc Âm hơn là những lời nói. Điều đó không muốn nói là những rao giảng là vô ích; nhưng chỉ cho thấy giới hạn của nó mà thôi. Để rao giảng Phúc Âm, chỉ nói suông thì không đủ.
Thiên Chúa tin cậy chúng ta, trao ban sứ mạng rao giảng Phúc Âm cho thế giới. Thế nhưng trước hết, hãy rao giảng ở cái môi trường nhỏ bé mà chúng ta đang sống. Xin cám ơn Chúa đã đặt sự tín nhiệm nơi chúng ta, và xin ngài đừng để chúng ta trở thành những chứng nhân bất xứng với những gì ngài đang chờ đợi nơi chúng ta.