Một Thiên Chúa muốn sự sống. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được giới thiệu như một Đấng ưu tiên cho sự sống vô điều kiện. Ngài là tác giả của sự sống, ngài muốn bảo trì sự sống. Ngài không bao giờ vui khi một người sống phải chết. Ngài rất mong muốn sự sống đến nỗi ngài kêu gọi tất cả mọi người đến sự sống vĩnh cửu. Số phận của chúng ta là sống.
Thiên Chúa mong muốn sự sống, thế nhưng, điều đó không ngăn cản cái chết hiện diện, và làm công việc của nó. Mỗi ngày, trước mắt chúng ta, những thảo mộc, chim chóc, thú vật chết. Mỗi ngày, đàn ông chết, đàn bà chết. Sự chết luôn luôn đặt dấu chấm hỏi. Khi cái chết đánh gục một em bé, một thanh niên hai mươi tuổi, một bà mẹ trẻ trong gia đình, thì nó có vẻ như là một cú xốc, một cái gì không thể chấp nhận. Mà thật như thế. Tại sao Thiên Chúa lại mong muốn điều đó ?- Tại sao ngài cho phép điều đó xảy ra ?-
Đặt ra những câu hỏi này, cũng có nghĩa là đã tố cáo Thiên Chúa, và đặt trên lưng ngài tất cả trách nhiệm về sự dữ và cái chết. Vấn đề được trình bày sáng tỏ hơn, nếu chúng ta tự hỏi: Tại sao con người chết ?- Tại sao trong thế giới, có sự dữ, bệnh tật, và sự sống bị tiêu diệt ?- Chúng ta có thể trả lời ở hai mức độ.
Trước hết, sự chết, đau khổ và bệnh tật hiện hữu là vì bản tính con người yếu đuối, mỏng dòn, có thể bị thương tổn, và hay chết. Sinh ra, phát triển, đạt đến đỉnh điểm của sức mạnh, bị thương tổn trên đường, tàn lụi dần dần, rồi một ngày nào đó chết đi. Đó là lộ trình bình thường và tự nhiên của tất cả mọi tạo vật, của tất cả sinh vật trên trần gian. Bởi vì“ Con là bụi đất, và con sẽ trở về bụi đất”.
Đồng thời, chúng ta cũng phải nói rằng, sự chết và những thương tổn đến sự sống hiện hữu là vì chúng ta. Rõ ràng hơn, là vì tội lỗi trong chúng ta, hay, nếu chúng ta thích hơn, vì sự đồi bại của con tim chúng ta. Chính chúng ta trao ban sự chết. Chúng ta hãy nghĩ đến sự ô nhiểm nguồn nước, và không khí. Ai chịu trách nhiệm về điều đó ?- Chính chúng ta! Chúng ta hãy nghĩ đến những người thiếu cơm bánh, thiếu sự chăm sóc sơ đẳng. Ai là người chịu trách nhiệm về điều đó ?- Chính là những hệ thống kinh tế bất công của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến những người bị sỉ nhục, hành hạ, tấn công thể lý, bị bóc lột luân lý, bị làm hư hỏng tâm lý. Ai chịu trách nhiệm về sự xuống cấp sự sống này, nếu không phải là những con người không hề có một sự kính trọng, và nhất là không có một chút tình yêu nào đối với những người chung quanh ?- Chúng ta phải nhìn nhận điều đó: chúng ta, những con người, chúng ta gieo rắc sự đau khổ và sự chết. Không có thể chối bỏ điều đó. Có thể cần phải nói thêm rằng, không ai trong chúng ta có những bàn tay hoàn toàn tinh sạch. Thử hỏi, có ai đã chưa bao giờ làm tổn thương anh em, chị em, người láng giềng của mình ?-
Thiên Chúa luôn luôn mong muốn sự sống Và ngài làm việc không mệt mỏi để trao ban và xây dựng sự sống. Đó là sứ điệp của Phúc Âm. Thêm một lần nữa, Chúa Giêsu xuất hiện ở đó như là Đấng, nhân danh Chúa Cha, gieo mầm sự sống một cách dồi dào. Ngài chữa lành người đàn bà bị loạn huyết mười hai năm. Ngài đem con gái ông Giai rô trở về sự sống.
“ Hỡi cô bé, hãy chỗi dậy”. Những lời này có sức mạnh biết bao ! Chúa Con nói nhân danh Chúa Cha. Chúng ta nhớ lại, trong ngày tạo dựng, Thiên Chúa phán: “ Hãy có ánh sáng ! tức thì liền có ánh sáng”.
Quyền năng của sự sống đến từ Thiên Chúa tiếp tục hoạt động nơi Chúa Giêsu. Ngày nay cũng còn như thế, Đức Kitô vẫn có thể chữa lành tất cả những thương tích: những vết thương thể lý ( không thường xuyên, nhưng có thể ), những vết thương tâm lý và luân lý ( điều đó xảy ra mỗi ngày ). Ngài có thể lại trao ban sự sống. Đôi khi, ngài trao ban những dấu chỉ chữa lành và tìm lại được sự sống rõ ràng. Tuy nhiên, cần phải có đức tin, để có thể đọc được chúng một cách đúng đắn.
Hoạt động đã qua và hiện tại của Đức Kitô là bảo chứng của một hành động triệt để hơn, nhờ đó, một ngày kia, cái chết của chúng ta, cũng như cái chết của ngài, sẽ trở thành một chặng đường đi đến với Thiên Chúa, một sự bước vào đời sống vĩnh cửu. Chúng ta tin điều đó. Việc chữa lành con gái ông Giairô loan báo điều đó.
Sự sống vĩnh cửu, đối tượng của niềm hy vọng của chúng ta, đã được tặng ban cho chúng ta trong mầm giống, mỗi khi chúng ta rước lễ. Bánh thánh này là một bảo chứng của sự vĩnh cửu, bởi vì nó mang chính Đấng Phục Sinh.
Chúng ta có ý thức điều đó không ?- Tất cả bí tích Thánh Thể mở ra cho chúng ta chính sự sống của Thiên Chúa. Tất cả bí tích Thánh Thể nhấn mạnh trong chúng ta tiến trình thần thánh hoá được bắt đầu trong bí tích rửa tội. Tất cả bí tích Thánh Thể lôi cuốn chúng ta trong lễ vượt qua của Đức Kitô, là chiến thắng của sự sống thần linh trên sự chết của con người. Sự sống vĩnh cửu được lãnh nhận trong bí tích Thánh Thể.
Hiểu được như thế, giờ đây chúng ta hãy tiếp tục sốt sắng dâng thánh lễ, để đón nhận sự sống vĩnh cửu mà Chúa thương ban cho chúng ta.