Tin vào Chúa Phục sinh. Thế nhưng đức tin đó không phải chỉ là lớp sơn bên ngoài, bề mặt. Chúng ta cần phải nhìn lại xem, trong mức độ nào, với chiều sâu nào, đức tin đó thấm nhập vào con người chúng ta, để đem lại hiệu quả thiết thực cho chúng ta.
Tiêu chuẩn thứ nhất: Đức tin đích thực phải biến đổi con người chúng ta. Nhìn vào cuộc đời của thánh Phaolô, chúng ta thấy: Là một người trở lại, Phaolô hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Đức Kitô phục sinh đối với ông không phải là một Đấng nào đó mơ hồ và xa cách. Ông đã lãnh nhận một cú sét bất ngờ. Ông đã cảm nghiệm sâu sắc sự hiện diện của Chúa. Ông không thể nào quên được cái cảm nghiệm này đã biến đổi cuộc đời ông. Vì thế, ông đã không ngần ngại nói về Chúa Giêsu, loan báo giáo huấn của ngài, dù gặp thời thuận tiện hay không, không sợ hãi, cho dù phải bị hành hạ, tra tấn.
Do đó, nếu đức tin vào Đức Kitô phục sinh không làm thay đổi gì quan trọng nơi chúng ta, nếu chúng ta trước sau vẫn như thế, nếu cuộc sống chúng ta không ghi một ấn dấu gì đặc biệt nơi những người chung quanh, nếu chúng ta không bao giờ nói về Chúa Giêsu, Đấng đang làm chúng ta sống, và nếu chúng ta không bao giờ tìm cách để giải thích hay bảo vệ một đường hướng sống được Giáo Hội đề xuất… thì chúng ta hãy tự hỏi xem, có phải đức tin chúng ta đang ngủ yên, hoặc trở thành máy móc, nhàm chán, cho dù đôi khi chúng ta có đến nhà thờ, và thầm thỉ đọc một vài kinh cầu nguyện.
Tiêu chuẩn thứ hai là hãy nhìn xem có một sự ăn khớp giữa lời nói và hành động của chúng ta hay không ?- Có một sự ăn khớp giữa ý hướng tốt đẹp và những việc làm của chúng ta hay không ?- Ảo tưởng thì rất dễ dàng và thường xuyên. Không ai có thể cho rằng, mình không bao giờ lừa dối chính mình. Trên trần gian, chỉ có Đức Kitô, trong tất cả mọi thời điểm, có một sự trùng khớp hoàn toàn giữa lời nói và việc làm của ngài mà thôi.
Đối với chúng ta lại là một chuyện khác. Có khi thì có, có khi thì không. Đó là vì bản tính chúng ta đã bị thương tổn. Đó là vì chúng ta đang trên đường đi đến sự triển nở hoàn toàn mà chúng ta đang nhắm tới. Nhận xét này không làm chúng ta buồn rầu. Đây là một dịp rất tốt để chúng ta đặt lại trước mắt chúng ta cái lý tưởng cao quí mà Phúc Âm mời gọi chúng ta không ngừng tiến tới.
Thực tế là chúng ta chưa đi đến mục đích. Đó không phải là một bất hạnh. Cái bất hạnh là không còn tiến tới, không còn vươn lên nữa. Nếu chúng ta không luôn luôn là những chứng nhân gương mẫu, thì điều đó không phải là lý do để chúng ta thất vọng là không thể nào đạt được. Nếu không phải lúc nào cũng có sự hòa điệu giữa những gì chúng ta mạnh mẽ loan báo và những gì chúng ta thực hiện, thì đó không phải là lý do để chúng ta nản lòng về chính mình. Trong hoàn cảnh hiện tại, điều quan trọng không phải là đã đến đích, mà là vươn lên phía trước, với một sự kiên nhẫn, can đảm và bền bĩ.
Theo gương của thánh Phaolô, hãy xem lại đức tin của chúng ta vào Đức Kitô ?- Làm thế nào, theo lời mời gọi của thánh Gioan, đi đến chỗ yêu nhau không phải chỉ bằng lời nói suông hay những mỹ từ đẹp đẽ, mà bằng hành động và sự chân thật ?- Chỉ có một cách thế để đạt được là, gắn bó vào Đức Kitô một cách chắc chắn, và đừng bao giờ tách rời ra khỏi ngài, rồi từ đó, chia sẻ, chuyển thông cho anh em chung quanh. Chính ở điểm này sẽ làm cho chúng ta trở nên Biển Hồ Galilê, thay vì là Biển Chết.
Bởi vì, Chúa Giêsu là vườn nho, là thân cây, là suối nguồn. Nơi ngài, Thánh Thần làm cho chúng ta sống động. Sức mạnh của chúng ta, chính là ngài. Sự vững chắc của chúng ta, chính là ngài. Không có ngài, chúng ta không thể làm gì được. Với ngài và trong ngài, chúng ta có thể sinh nhiều hoa trái.
Ở lại trong ngài, đó là một đòi hỏi nghiêm túc, gắt gao. Để có thể ở trong Đức Kitô, phải thường xuyên xa lìa khỏi những nơi ở khác làm chúng ta xa cách ngài, hay làm chúng ta quên ngài. Chẳng hạn như: lo lắng đến tiền bạc, danh vọng, chức quyền thái quá, quá quan tâm đến chính mình, chỉ nghĩ đến mình, hay hoạt động bên ngoài quá nhiều, mà quên đi đời sống nội tâm của linh hồn.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha ban ơn, rồi cầu khẩn với Đấng phục sinh mà chúng ta sắp được kết hợp trong bí tích Thánh Thể; xin ngài quan tâm biến đổi con tim và con người chúng ta. Chính nhờ bí tích Thánh Thể mà chúng ta có thể liên kết chúng ta với thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, Chúa chúng ta.
*** Palestine có 2 biển hồ. Biển hồ thứ nhất gọi là Biển Chết. Đúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào bên trong cũng như chung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi, mà người uống cũng phải bị bệnh. Ai ai cũng đều không muốn sống gần đó.
Biển hồ thứ hai là Biển Hồ Galilê. Đây là biển hồ thu hút nhiều du khách nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh tươi mát; con người có thể uống được, mà các loài cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở đây. Vườn cây chung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước của nó.
Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Giodan. Nước sông Giodan chảy vào Biển Chết. Biển chết đón nhận và giữ riêng lại cho mình, mà không chia sẻ, nên nước trong Biển Chết trở nên mặn chát. Biển Hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Giodan, rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch; nhờ vậy mà nước trong biển hồ này luôn sạch trong, và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
Một định lý trong cuộc sống mà ai ai cũng phải đồng tình, đó là: một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan toả. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng.
Thật bất hạnh cho những ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình. Sự sống trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng Biển Chết.