Buổi chiều tiệc ly, với tất cả những phương tiện đang có, Chúa Giêsu đã cố gắng tâm sự với các môn đệ ngài yêu thương họ đến đâu và như thế nào.
Thánh Phaolô nhắc lại, ngài cầm lấy bánh, ruọu, trao cho các môn đệ và nói: “ Bánh này là mình Thầy.. cho các con. Rượu này.. chén rượu này… rượu này là máu Thấy, dành cho các con. Thầy trao ban cho các con như một Giao ước mới. Thầy đặt vào trong bàn tay các con để các con có thể đi vào giao ước với Thiên Chúa, để các con trở nên những đồng minh của ngài, để các con trở thành bạn hữu, con cái của ngài”.
Khi trao ban cho các môn đệ bánh là thân thể ngài và rượu là máu ngài, thì đó chính là tất cả con người của ngài mà Đức Kitô trao nộp cho họ. Ngài thực hiện điều đó một cách triệt để, đến độ để cho người khác ăn uống chính ngài. Ngài tự trao hiến. Ngài trao ban cuộc sống của ngài cho các môn đệ để họ sống bằng sự sống của ngài. Hôm nay đây, ngài tiếp tục tự trao hiến để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sống bằng sự sống của ngài.
Cũng trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cũng đã làm một cử chỉ rất đáng khâm phục. Ngài rửa chân các môn đệ. Cách diễn tả thì khác, nhưng sứ điệp căn bản vẫn là một.
Vào thời Chúa Giêsu, rửa chân là một cử chỉ thân tình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã thực hiện một cách bất ngờ và gây ngạc nhiên: Bất ngờ và ngạc nhiên đến nỗi các môn đệ lấy làm chướng tai gai mắt. Chúng ta đã biết phản ứng của Phêrô: “ Thưa Thầy, Thầy muốn rửa chân cho con sao ! Không thể được ! Điều đó không bình thường ! Không được làm như thế !”.
Bình thường là Chúa Giêsu để người khác rửa chân cho ngài. Ở đây, ngài làm ngược lại. Ngài rửa chân cho các môn đệ. Như thế, ngài muốn làm cho các ông hiểu tình yêu ngài đi đến đâu. Ngài muốn làm cho các ông hiểu rằng, ngài yêu họ đến nỗi hạ mình phục vụ các ông.
Một cử chỉ gây ngạc nhiên. Một cử chỉ gây xúc động. Bởi vì chúng ta khó lòng mà hình dung một người có thể yêu mến như thế… tự hạ mình xuống như thế để yêu thương…tự hiến như thế để yêu thương. Thế nhưng rõ ràng là Chúa Giêsu đã làm như thế. Ngài đã yêu thương chúng ta khi trở thành đầy tớ của chúng ta.
Một khi đã hiểu rõ ý nghĩa của việc làm của Chúa Giêsu, một khi đã hiểu rằng, cử chỉ của ngài là sự diễn tả một tình yêu không mức độ, một tình yêu thần thiêng, các tông đồ đã hoàn toàn bỡ ngỡ. Phản ứng thứ hai của Phêrô đã nói lên điều đó: “ Như thế, thưa Thầy, không những đôi chân mà thôi, xin cũng hãy rửa cả tay và đầu nữa !”. Điều đó có nghĩa là, vâng, con bằng lòng chấp nhận được yêu thương như Thầy muốn, được yêu thương đến độ nhìn thấy Thầy trao ban sự sống cho con, đến độ nhìn thấy Thầy trở nên người đầy tớ của con.
Tất cả có thể dừng lại ở đấy. Thế nhưng, tất cả không dừng lại ở đấy. Chúa Giêsu kết thúc khi nói với các ông: “ Đó là một mẫu gương Thầy làm cho các con, để chính các con, các con cũng làm cho nhau, như chính Thầy đã làm cho các con”.
Ngay tức thời, có thể các tông đồ không hiểu rõ tất cả sự sâu sắc của những lời trên đây. Chúa Giêsu yêu cầu các ông không những thán phục, mà phải thực hiện điều đó giống như ngài. Ngài yêu cầu các ông không những để ngài yêu mến, nhưng cũng hãy yêu mến như chính ngài. Với cũng một sự triệt để như thế, với cũng một sự tuyệt đối như thế.
Đó chính là sứ điệp chính yếu của Thứ Năm Tuần Thánh. Chúng ta được yêu thương do một Thiên Chúa trở thành người đầy tớ chúng ta. Chúng ta được mời gọi yêu thương giống như ngài. Yêu thương nhiều như chính ngài. Sâu đậm như chính ngài.
Chúng ta đừng có nói rằng, Thiên Chúa đòi hỏi quá đáng. Theo một nghĩa nào đó, thực ra ngài đòi hỏi quá đáng. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn thấy vẻ đẹp của lý tưởng được đề ra cho chúng ta; lý tưởng mà chúng ta được mời gọi hướng về mỗi ngày trong cuộc sống, cho đến những ngày sau cùng của chúng ta.
Lý tưởng, không phải chỉ là để mình được Đức Kitô yêu mến, không phải chỉ là yêu mến Đức Kitô như ngài đã yêu mến chúng ta, mà là chúng ta hãy yêu thương nhau như chính ngài đã yêu thương chúng ta. Như thế, đừng bao giờ ngừng yêu thương. Hãy yêu thương cho đến cùng.