Kinh nghiệm của các tông đồ cho thấy, lúc đầu các ông không tin vào sự phục sinh của Thầy mình. Các phụ nữ khẳng định là đã nhìn thấy ngôi mộ trống, và đã gặp ngài đang sống. Nhưng các ông cũng không tin. Các ông hoài nghi. Các ông không mong đợi được nhìn thấy Đấng đã chết trên thập giá còn sống. Thế nhưng, dần dần về sau, nhờ những dấu chỉ về sự hiện diện của ngài, đức tin của các ông bắt đầu nảy sinh, phát triển và trở thành xác tín vững vàng. Tất cả đã đem lại cho cuộc đời các ông một lẽ sống, và biến các ông trở thành những nhân chứng kiên cường, không gì có thể lay chuyển được, kể cả cái chết, bởi vì các ông đã gặp được Chúa Phục Sinh.
Còn chúng ta, chúng ta không được diễm phúc như các tông đồ ngày xưa đã trực tiếp cảm nhận, nắm bắt những dấu chỉ về sự hiện diện của Đấng Sống Lại từ cõi chết, chẳng hạn như: khi hiện ra, Đức Kitô phục sinh đã đưa chân tay ngài ra với những dấu đinh, ngài mời gọi hãy đụng chạm kiểm chứng…
Thế nhưng, chúng ta cũng có thể hưởng nhờ những dấu chỉ khác như các tông đồ, để nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong cuộc sống.
Trước hết là dấu chỉ của nghi thức bẻ bánh, tức bí tích Thánh Thể. Hai môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra ngài khi ngài cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ bánh, và trao cho các ông. Một tấm bánh giống như thế được bẻ ra trước mắt chúng ta trong mỗi thánh lễ. Đó chính là dấu chỉ mà Thiên Chúa trao ban để chúng ta nhận ra Con ngài đã phục sinh, hiện diện giữa lòng cộng đồng tín hữu. Sự nhận biết này, dĩ nhiên, không phải là tự động, máy móc. Cũng giống như hai môn đệ ngày xưa, nó bao hàm một cái nhìn của đức tin của chúng ta, trên tấm bánh được bẻ ra, được trao ban.
Thứ đến là dấu chỉ của Kinh Thánh. Chúa Giêsu mở lòng trí họ ra để hiểu biết Kinh Thánh. Sau đó, ngài giải thích cho các ông biết, đó là những điều đã được báo trước trong Kinh Thánh: “Cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Thế, sự phục sinh của ngài từ trong cõi chết vào ngày thứ ba”. Như thế, Kinh Thánh đánh thức và khơi dậy niềm tin. Kinh Thánh mở ra con đường dẫn đến sự nhận biết Đức Kitô hiện diện trong thế giới và trong cuộc đời chúng ta.
Đồng thời, qua đó chúng ta cũng nhận được sứ điệp của ngài là sự bình an. Lời chúc của ngài: “ Bình an cho các con !” không ngừng được lặp đi lặp lại cho chúng ta. Sự bình an đích thực mà chúng ta rất cần, nhất là trong thời buổi đầy biến động, bất ổn như hiện nay. Nếu Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta sự bình an, thì điều đó có nghĩa là, trong những xung đột, bạo lực và hận thù, không có sự hiện diện của Chúa Phục sinh.
Một dấu chỉ khác không kém phần quan trọng, đó là tuân giữ các giới răn của ngài. Câu hỏi đặt ra là, làm sao có thể biết là chúng ta chúng ta biết Đức Kitô phục sinh ?- Làm thế nào có thể biết được ngài đang sống giữa chúng ta, và chúng ta cùng sống với ngài ?- Câu trả lời của thánh Gioan rất đơn sơ và rất cụ thể: “ Chính khi tuân giữ các giới răn của ngài mà chúng ta có thể biết ngài, có thể nhận ra ngài”. Sống theo những lời giáo huấn của Đức Kitô, nhất là Giới răn Yêu Thương, để cảm nghiệm sự hiện diện của ngài, là một lời khuyên chắc chắn phải giữ lấy. Nếu đang khi làm công việc rèn các vật dụng kim khí, chúng ta trở thành thợ rèn, thì chính đang khi sống Tin Mừng Phúc Âm, mà chúng ta gặp được Chúa Giêsu đang sống.
Ngoài ra, sự hiện diện của Chúa còn được nhận biết qua sự hiện diện của anh chị em chung quanh, cách riêng là những người bất hạnh, khổ đau. Khi nhắn nhủ, “Sự gì anh em làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là anh em làm cho chính Ta”, là Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình nơi những con người bằng xương, bằng thịt, cùng sống với chúng ta. Đây là một sự hiện diện sống động, cụ thể và dễ tiếp cận trong cuộc sống.
Như thế, không phải chúng ta thiếu những phương thế nhận biết Đức Kitô phục sinh, mà là thiếu niềm tin. Chính đức tin sống động và sốt mến giúp chúng ta có thể đọc chính xác những dấu chỉ được trao ban, để nhận ra sự hiện diện vô hình, nhưng rất thực và mãnh liệt của Chúa. Với đức tin, mắt chúng ta mở ra, và nhìn thấy Đấng vô hình.
Vấn đề còn lại là, Chúa Phục Sinh đang hiện diện có tác động gì đến cuộc sống của chúng ta không ?- Có làm chúng ta nên tốt hơn, mới hơn, nhân bản hơn không ?- Và chúng ta có phải là những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho những người chung quanh bằng chính cuộc sống đầy tình yêu thương, tràn ngập bình an, chan chứa niềm hy vọng và vui mừng không ?-
Trả lời được những câu hỏi đó là dấu chứng tỏ chúng ta thực sự là môn đệ Đức Kitô, Đấng đã dùng Cuộc Khổ Nạn, cái chết và sự Phục sinh vinh quang để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta.