Chúng ta là người Công giáo, hay Kitô hữu. Điều đó có nghĩa là, thuộc về Đức Kitô, thuộc về Chúa Giêsu, chúng ta nỗ lực sống theo sứ điệp yêu thương của ngài. Công giáo có nghĩa là phổ quát, chung cho tất cả mọi người, bởi vì sứ điệp tình yêu của Chúa Giêsu không phải chỉ liên hệ đến một nhóm, một giáo phái, mà là tất cả mọi dân nước, mọi nòi giống.
Thực ra ngay từ đầu, thời Giáo Hội sơ khai, các tông đồ cũng chưa hiểu được chân lý đó. Vì thế, thánh Phêrô chỉ lo rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu cho những người Do thái mà thôi. Đến khi Chúa Thánh Thần thúc đẩy, và hoàn cảnh bắt buộc, ông mới mở ra với thế giới dân ngoại. Bấy giờ, ông mới ngạc nhiên, khám phá ra, sứ điệp của Chúa Giêsu không chỉ dành cho những người Do Thái, mà còn cho cả dân ngoại nữa. Còn thánh Phaolô thì về sau đã hãnh diện, vui mừng rao giảng Phúc Am cho những người không phải là Do Thái.
Dần dần, sứ điệp của Đức Kitô trở thành phổ quát. Trong suốt lịch sử của Giáo Hội, các nhà truyền giáo đã lên đường loan truyền ơn cứu độ khắp năm châu bốn biển. Đức tin Kitô giáo như thế đã cộng tác xây dựng một sự hiệp thông huynh đệ rộng lớn giữa các dân tộc khác nhau. Sự kiện đó giờ đây được thấy rõ nét qua hình ảnh của hiện tượng “ toàn cầu hoá “ trên thế giới. Thế giới càng ngày càng trở nên như một ngôi làng lớn, nơi mà mỗi người chúng ta tập sống chung với những người khác, tập hiểu biết nhau hơn và trân trọng nhau hơn.
Dĩ nhiên, điều đó tự nhiên không dễ dàng chút nào. Cần phải có thiện chí và một chút hiểu biết để tránh những xung đột do khác biệt, để biết mở lòng ra với người khác. Cần phải ý thức và nỗ lực sống giới răn yêu thương của Chúa Giêsu. Điều đó có nghĩa là, hãy biết thương yêu nhau như chính ngài đã yêu thương chúng ta thì mới có thể đạt được điều mong ước. Bởi vì, ai yêu mến Thiên Chúa thực sự thì cũng phải yêu thương anh em thật lòng. Ai nói mình yêu mến Chúa, mà lại không yêu thương anh em là kẻ nói dối.
Mà, anh em tha nhân là tất cả mọi người. Dĩ nhiên là phải có một thứ tự trong tình yêu. Chúng ta phải yêu thương những người trong gia đình trước hết, những người giúp đỡ chúng ta, những đồng bào, cũng như tất cả những ai đang cần được yêu thương: những người yếu đuối, bị bỏ rơi, bệnh hoạn đau ốm, nghèo túng, bị bách hại, nạn nhân của bất công và bạo lực, thiên tai… Chúng ta không được loại trừ ai ra khỏi tình yêu của chúng ta. Cả những người ác cảm, hay thù địch. Đừng lấy ác báo ác, nhưng hãy làm phúc cho những kẻ bách hại chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Ngài vẫn đón tiếp chúng ta, dù chúng ta yếu đuối, lỡ lầm, khuyết điểm, bất toàn…
Tình yêu thương đó phải cụ thể và có hiệu quả. Không phải chỉ bằng lời nói suông, mà là bằng hành động, bằng việc làm. Dù chúng ta nghèo túng và bất hạnh, nhưng vẫn có những người đau khổ hơn chúng ta. Hãy giúp đỡ họ theo những cách thế của chúng ta. Đừng ngại hy sinh thì giờ, sức lực, tài năng, kể cả tiền bạc, vật chất, để nâng đỡ anh em. Bởi vì đó là làm cho chính Chúa.
Và hãy bắt đầu bằng những công việc nhỏ, bình thường, trong cuộc sống hằng ngày. Một nụ cười tươi tắn đón tiếp, một cái nhìn thân ái, thiện cảm, một cái bắt tay thân mật, một lời nói dễ thương, xây dựng, một sự giúp đỡ thân tình, một sự hy sinh nhỏ bé, một sự chia sẻ thật lòng, một chút thời giờ, công sức, tiền bạc… Tất cả đều có một ý nghĩa rất sâu xa, vì được thực hiện với tình yêu dâng hiến. Tất cả đều có một giá trị rất lớn lao không thể nào sánh được, vì sẽ đem lại hạnh phúc đích thực cho chính mình và cho anh em.
Vấn đề còn lại là chúng ta ý thức và thực hiện, nếu chúng ta là môn đệ đích thực Chúa Giêsu.