Trong phép lạ Chúa Giêsu biến bánh và cá hóa ra nhiều để nuôi sống hơn năm ngàn người nơi hoang vắng, có ba nét đặc biệt sau đây:
Trước hết đó là cách thức Chúa Giêsu thực hiện để trao gởi giáo huấn về bánh ban sự sống. Lời giáo huấn này, đối với chúng ta thì quá quen thuộc đến độ thấy bình thường; thế nhưng, đối với người đương thời, thì quả là một điều hoàn toàn mới lạ. Cần phải tránh việc không được chấp nhận ngay tức khắc, và gây nên nhiều phản ứng dữ dội. Và điều đó đã xảy ra. Vì thế, Chúa Giêsu đã hành động một cách rất khôn khéo. Trước khi nói về bánh từ trên cao ( bánh từ trời ), ngài sẽ nói về bánh từ bên dưới ( bánh của trái đất ).
Thật là khôn khéo tuyệt vời, rất đúng với câu ngạn ngữ vẫn thường được nhắc đến, khẳng định: “ có thực mới vực được đạo”. Trước mặt những người không có gì để ăn, không có gì để mặc và không có một mái nhà để nghỉ ngơi, trú ngụ, thì không phải là lúc thích hợp để đưa ra những lời nói cao siêu về Thiên Chúa, về Nước Trời, về sự nhân lành và sự phong phú mà ngài phân phối cho những ai yêu mến ngài. Tốt hơn hết là bắt đầu ở nơi cần phải bắt đầu, đó là: cho họ cái ăn, cho họ cái mặc, cho họ một mái nhà.
Đó là điều Chúa Giêsu đã làm và chúng ta phải bắt chước ngài. Tất cả những công trình mục vụ của chúng ta, cũng như những nỗ lực của Giáo Hội để rao giảng Tin Mừng cho thế giới có thể rơi vào hư không, nếu trước hết, một sự quan tâm nghiêm túc và một sự giúp đỡ cụ thể không được mang đến cho những ai đang sống trong bất hạnh, nghéo đói và cùng quẫn. Trước khi lời nói có thể giúp tìm thấy một con đường của con tim và tâm hồn, phải có một bàn tay chăm sóc thân xác.
Nét đặc biệt thứ hai lôi kéo sự chú ý của chúng ta là, Chúa Giêsu đã có thể thực hiện phép lạ biến bánh và cá hóa ra nhiều mà không cần đến sự giúp đỡ của bất kỳ một ai khác; thế nhưng, ngài đã không làm như thế. Ngài thích trông cậy vào sự cộng tác của một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá, và sự cộng tác của các tông đồ mà ngài đã ủy thác trách nhiệm ổn định đám đông, phân phát lương thực và thu gom những gì con dư lại.
Luôn luôn là như thế. Chúa Giêsu phục sinh, cũng như Thiên Chúa Cha toàn năng, và Chúa Thánh Thần mà không có gì có thể đương đầu nỗi, rất họa hiếm hành động độc lập với con người chúng ta. Các ngài thích cần đến chúng ta, đến nỗi thường tùy thuộc chúng ta. Sự ngập ngừng cộng tác của chúng ta với các ngài đã trói buộc hành động của các ngài.
Chỉ nói “ Lạy Chúa, lạy Chúa” mà thôi, thì không đủ để chiến thắng nghèo khổ, không đủ để chấm dứt nạn đói, không đủ để xây dựng hòa bình và khuyến khích công bình. Cần phải làm theo ý Chúa Cha. Rất cần. Nghĩa là phải làm việc để thực hiện điều mà chúng ta van xin trong khi cầu nguyện ( Mt 7,21 ).
Nét đặc biệt thứ ba làm nỗi bật việc Chúa Giêsu đã nuôi sống đám đông đang khi ngài nhận bánh và cá của một em bé. Năm chiếc bánh và hai con cá, coi “ như không là gì cả” để đáp ứng nhu cầu bao la của đám đông. Tuy nhiên, chính từ cái được xem “như không là gi cả”này, mà Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ. Từ cử chỉ nhỏ này sang cử chỉ nhỏ khác, tử cái bẻ bánh này sang cái bẻ bánh khác, tất cả mọi người đã được nuôi ăn no thỏa. Tất cả còn dư được mười hai thúc đầy.
Cách làm của Chúa Giêsu có thể giúp chúng ta đặt mình trước những vấn đề mà chúng ta phải đương đầu, cho cá nhân, hay cho tập thể. Những vấn đề này có vẻ rất bao la, rất sâu xa, rất phức tạp. Chẳng hạn như vấn đề nạn đói trên thế giới, bạo lực, chiến tranh, tội phạm, mại dâm, ma túy… Trước những vấn đề này, không có một giải pháp nào toàn diện, đơn giản và nhanh chóng. Chúng ta cảm thấy bị chìm ngập, chán ngán. Từ đó sinh ra cơn cám dỗ buông xuôi, tiếp tục sống mà không cần nhớ đến chúng, hay suy nghĩ đến chúng càng ít càng tốt.
Tin Mừng mời gọi chúng ta một thái độ khác. Tin Mừng từ chối sự buông xuôi. Nhưng đề nghị hành động, làm một cử chỉ nhỏ thôi, bước một bước nhỏ thôi trên hướng đi đúng đắn. Không có gì phi thường cả. Một cái gì đó đơn giản thôi. Nằm trong tầm tay chúng ta. Trước những vấn đề bao la, mênh mông, rõ ràng là có vẻ “như không là gì cả”; thế nhưng, chính từ chỗ “như không là gì cả” mà một tiến trình sẽ có thể được tiếp nối.
Năm chiếc bánh và hai con cá cho hơn năm ngàn người, không kể đàn bà con trẻ ! Coi như không là gì cả. Thế nhưng, trong tay Chúa Giêsu, như thế đủ để nuôi sống tất cả những người đang đói.
Có phải là điên rồ khi nghĩ rằng, những phép lạ tương tự có thể được thực hiện hay không ?- Thế nhưng, làm sao có thể có phép lạ, nếu mỗi người cứ giữ cho mình những gì mình có thể để cho người khác sử dụng cho nhu cầu bức thiết sống còn của họ ?-
Ngày kia có một phụ nữ trung niên đến với những người nghèo khổ tại Ấn Độ. Nhìn thấy tình cảnh bi đát của họ, bà tự nhủ: Mình phải làm một điều gì đó mới được. Thế rồi bà dồn tất cả tiền bạc thuê một căn nhà cũ với chiếc sàn dơ dáy. Ngày hôm sau, bà đi khắp vùng lân cận tìm đám con nít đem về dạy dỗ chúng. Bà dùng căn nhà cũ ấy làm phòng học, dù không có lấy một chiếc bàn, một chiếc ghế. Bà dùng sàn nhà làm bảng viết. Đó là phương thế bà đã sử dụng để chiến đấu chống lại sự nghèo dốt. Và đó cũng là câu trả lời cảm động nhất mà bà có thể thực hiện. Thế rồi điều gì đã xảy ra cho người phụ nữ và công việc của bà?
Hiện nay, bà đã có tám mươi trường học được trang bị đầy đủ. Năm trăm nhà phát chẩn lưu động hiện đại. Bảy mươi bệnh viện cho người cùi. Ba mươi nhà chăm sóc kẻ hấp hối. Ba mươi viện chăm sóc những trẻ em bị bỏ rơi và hơn bốn mươi ngàn người người tình nguyện trên khắp thế giới sẵn sáng giúp đỡ bà. Người phụ nữ đó không ai khác hơn là chính mẹ Têrêxa thành Calcutta.