Theo thống kê mới nhất tại các nước Au Châu, trung bình cứ ba đôi vợ chồng thì có hai đôi ly dị. Còn tại các thành phố lớn, như Paris chẳng hạn, thì cứ hai đôi, lại có một đôi bỏ nhau. Câu hỏi đặt ra: đâu là lý do gây ra sự đổ vỡ của các gia đình như thế ?-
Thực ra, trong một xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, cuộc sống càng trở nên phức tạp và đa dạng, thì có nhiều nguyên cớ tác động đến quyết định chia tay giữa hai người. Thế nhưng, những lý do chính yếu thiết tưởng là những lý do sau đây:
Trước hết, những đổ vỡ hạnh phúc gia đình phải chăng phần lớn phát xuất từ một quan niệm sai lầm về tình yêu ?- Bởi vì tình yêu là một dâng hiến hoàn toàn, trọn vẹn, cả tâm hồn lẩn thân xác, chứ không phải là một sự kết hợp tạm bợ, manh múng, có điều kiện. Tình yêu thì truờng cửu, bền bỉ, chứ không phải là một cuộc tiếp xúc nhất thời, có tính cách giai đoạn. Vì thế, đó không phải chỉ là tình cảm, mà là một quyết định hoàn toàn tự do. Tình yêu đó là tình yêu phục vụ và hy sinh cho người khác; nhờ đó, giúp triển nở chính mình. Chính ở giữa gia đình nhân loại và kitô giáo, mà mỗi người học hỏi một cách tốt nhất thế nào là yêu thương. Sự học hỏi nầy còn được bổ túc bởi những trường lớp khác như: dự bị hôn nhân, thăng tiến gia đình..
Một lý do khác giải thích một phần nào sự chia tay nầy, đó là xem hôn nhân chỉ là chuyện riêng tư giữa hai người. Xã hội không được phép xen vào, cũng không được quyền áp đặt những đòi hỏi, mà chỉ tự giới hạn trong việc bảo đảm quyền lợi cho hai người mà thôi. Thực tế cho thấy, khi một người nam và một người nữ kết hôn, thì điều đó không chỉ là chuyện riêng của hai người. Bởi vì, qua sự kết hợp nầy, có một cái gì đó đã thay đổi trong mối liên hệ giữa họ và tất cả những người khác, dù xa hay gần. Hơn nữa, cộng đoàn giáo xứ, thay mặt Giáo Hội sẽ là chứng nhân nâng đỡ tình yêu của họ. Cũng như một thân cây cô đơn sẽ không thể nào đứng vững trước những cơn bão táp, đôi vợ chồng công giáo cô lập sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm. Thế mà, điều rất đáng ngạc nhiên và mâu thuẩn là, hiện nay người ta quá tôn trọng luật lệ xã hội như là phần chủ chốt của luân lý. Thế giới trở thành một ngôi làng nhỏ, nhưng người ta lại kết hôn như ở trên một hòn đảo hoang vắng.
Lý do sau cùng của sự mỏng manh trong đời sống lứa đôi là, rất nhiều kitô hữu đã không quan tâm đến tính cách bí tích của hôn nhân. Đây không phải đơn thuần là chuyện của con người, mà là công việc của Thiên Chúa. Ngài đã tạo dựng người nam và người nữ, và đã trao họ cho nhau, trong sự tôn trọng tự do của họ. Từ khi nâng hôn nhân lên thành bí tích, Đức Kitô đã trao ban cho đời sống vợ chồng tất cả những đặc tính tình yêu của ngài đối với Giáo Hội: một tình yêu trao hiến và phục vụ, sức mạnh và quyền năng, một tình yêu mạnh mẻ, nhưng dịu dàng và bền vững. Ngài trao ban Chúa Thánh Thần, để hướng dẫn, nâng đỡ, tăng cường sức mạnh và nghị lực, giúp đôi bạn vượt qua những thử thách trên đường tiến về Nhà Chúa.
Thực vậy, khi thiết lập bí tích hôn phối, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa: họ không còn là hai nữa, mà đã trở nên một. Rõ ràng là thánh ý Chúa muốn hôn nhân phải là đơn nhất và bất khả phân ly. Tình yêu của hai người, chỉ hai người mà thôi. Bình đẳng và hỗ tương. Mãi mãi trọn cuộc đời. Người nam và người nữ sẽ được hạnh phúc, khi con người không phân ly sự gì Thiên Chúa đã kết hợp.
Điều kiện cần thiết là, mỗi người phải biết cộng tác với ơn thánh Chúa, để tình yêu có thể được vun trồng, phát triển và sinh hoa kết quả là hạnh phúc thiên đàng mong ước.