Nói một cách ngắn gọn, dễ hiểu, Truyền giáo là ra đi loan báo Tin Mừng Tình Yêu Thiên Chúa khắp nơi, đưa dẫn mọi người về với Chúa, để cùng được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Sứ mạng đó được Chúa Giêsu trao ban cho tất cả mọi người kitô hữu, những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Khi trao cây nến sáng, Giáo Hội, thay mặt Chúa, chuyển thông cho người được Rửa Tội sứ mạng cao quí nầy. Điều đó có nghĩa là, sau khi đã lãnh nhận đức tin, người tín hữu đến lượt mình, sẽ chia sẻ niềm tin ấy cho anh em chung quanh. Sau khi đã có tình yêu vô biên của Chúa làm nguồn sống, người môn đệ sẽ trở thành ánh sáng muôn dân, soi đường dẫn lối cho người khác về với nguồn sống viên mãn. Sau khi đã nhận được tình thương xót cứu độ của Chúa, lòng biết ơn yêu mến thôi thúc người tông đồ lên đường giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã truyền.
Sứ mạng đó càng cấp bách hơn, khi hiện giờ trên thế giới, vẫn còn rất nhiều người chưa biết Chúa. Theo thống kê mới nhất cho biết, với dân số khoảng bảy tỉ người, thế giới vẫn còn khoảng hai phần ba nhân loại chưa biết Chúa, chưa nghe nói về Chúa. Vấn đề Truyền Giáo là làm thế nào để tất cả mọi người đều trở thành con cái Chúa, cùng được sống trong tình yêu Chúa ?-
Trong suốt lịch sử của Giáo Hội, sứ mạng nầy được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy trường hợp cụ thể, tùy thời đại, tùy địa phương, hay dân tộc. Tuy nhiên, phương pháp hữu hiệu nhất, có giá trị nhất vẫn là làm chứng nhân niềm tin bằng chính cuộc sống của người tín hữu. Nói khác đi, người sứ giả phải sống niềm tin của mình trong cuộc sống đời thường, bằng những việc làm cụ thể. Phải sống thế nào, để cho từ lời ăn, tiếng nói, cho đến cử chỉ hành động, việc làm… có thể giúp người khác nhận ra hình ảnh dịu hiền thân thương của Chúa; để rồi từ đó, họ tin Chúa, yêu mến Chúa và đi đến với Chúa.
Một điều cần lưu ý là, trong một cuộc sống đa dạng và phức tạp như hiện nay, xã hội giới thiệu rất nhiều mặt hàng, nhiều giá trị khác nhau, trong đó có tín ngưởng, niềm tin, tôn giáo. Loại nào cũng tự quảng cáo, tự cho mình là tốt nhất, đẹp nhất, hay nhất. Để lôi cuốn người khác, loại nào cũng tự khẳng định, chỉ có mình mới có giá trị đích thực, cao quí. Thế nhưng, với đầu óc thực tế và nhạy bén, người ta chỉ đánh giá tôn giáo tốt hay xấu qua cách sống của người tín đồ. Người ta chỉ đi theo, sau khi đã kiểm nghiệm những giá trị siêu việt nơi bản thân của người sứ giả. Người ta chỉ chấp nhận là đúng, sau khi đã mắt thấy tai nghe những gì nhân chứng đã sống. Bởi vì, xem quả thì biết cây. Một tôn giáo tốt chắc chắn sẽ sản sinh ra những người tín hữu tốt.
Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt hảo của người truyền giáo. Để minh chứng tình yêu phổ quát của Thiên Chúa, là Đấng đã cho mặt trời mọc lên soi sáng cả người lành, kẻ dữ, Chúa Giêsu đã đón tiếp và nâng đỡ tất cả mọi người, không loại trừ ai, nhất là những người tội lỗi, khốn khổ, nghèo hèn, bé nhỏ. Để nói lên lòng thương xót, bao dung của Cha trên trời, Chúa Giêsu đã cảm thương và tha thứ cho những người yếu đuối, sa ngã, lỡ lầm. Để tỏ cho thấy, tình yêu Thiên Chúa là tình yêu hy sinh, phục vu, Chúa Giêsu đã mạc khải cho biết, Thiên Chúa đã hy sinh Con Một của ngài, mặc lấy thân phận con người, chịu đau khổ, chịu nạn, chịu chết và sống lại để đem lại cho thế gian sự sống muôn đời. Để cứu chuộc loài người mê đắm, trầm luân, Chúa Giêsu đã rao giảng, đã sống và đã chết cho tình yêu…
Cũng vậy, chúng ta chỉ có thể là người truyền giáo chân chính, có hiệu quả, khi chúng ta có đời sống gương mẫu tốt lành. Chúng ta chỉ có thể giúp người khác đi đến với Chúa, khi chúng ta có những cử chỉ, lời nói, việc làm đầy tình nhân ái, yêu thương. Chúng ta chỉ có thể giới thiệu gương mặt dịu hiền, nhân hậu của Chúa cho anh em, khi chúng ta biết chia sẻ, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, thử thách. Người ta chỉ tin chúng ta qua những việc chúng ta làm, chứ không phải qua những lời chúng ta nói.
Biết như thế, thì việc còn lại là, chúng ta sẽ chu toàn sứ mạng truyền giáo như thế nào trong hoàn cảnh hiện tại, ở đây, trong lúc nầy ?-
Câu chuyện xảy ra ở Đài Bắc.
Một ngày kia, tôi đón taxi ở thành phố Đài Bắc, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bên trong cửa băng ghế sau của xe, có một dòng chữ “ Bạn có thể tìm thấy một vài quyển sách nói về tôn giáo phía sau ghế bạn ngôi, trong lúc xe chạy xin mời bạn đọc chúng. Nếu bạn thích, khi rời xe, bạn có thể mang theo.”
Tôi thấy ở phía trước, bác tài cũng đặt một tượng Thánh Giá nhỏ. Tôi hỏi bác:
- “ Bác tài ơi, xin vui lòng nói cho tôi biết, các hành khách có thật sự quan tâm đến những cuốn sách đạo của bác không ?-“
- “ Ồ có chứ ! có người đọc. Có người lấy đi luôn nữa.”
Tôi hỏi tiếp: -“ Bác cảm thấy thế nào ?-“
-“ Thật sung sướng anh à ! Anh biết không, tôi không có nhiều thời giờ để đi nhà thờ. Tôi luôn chạy trên đường phố. Đây là cách làm việc tông đồ của tôi. Tôi rất sung sướng được làm hai việc cùng một luc: tài xế, và loan báo Tin Mừng. Không cần phải thêm giờ. Đây là một nghề tuyệt vời.”
Một vài người Công giáo đã phân phát cho các tài xế taxi ở Đài Bắc nhưng băng dán ở cửa xe có in hình thánh giá và những lời sau đây:
“ Chúa cùng lái xe với chúng ta.” Mặt sau là lời cầu nguyện của những bác tài xế:
“ Lạy Chúa, khi con lái xe, xin giúp con biết yêu thương tha nhân như chính mình, để con không làm gì xúc phạm, hoặc gây thiệt hại cho con cái Chúa. Xin giữ mắt con được sáng suốt, tay chân được khéo léo. Xin giúp tâm trí con được an bình, và thân xác được thư thái. Xin đừng để nhiễm thói cạnh tranh và mọi bực bội về việc làm của những người khác. Xin giúp con được thượng lộ bình an.”
( Lm Giuse Đinh Tất Quý Lời Chúa và Cuộc Sống. Mùa Thường niên 3, trg 102 )