Thứ Năm, 08 Tháng Mười, 2015 00:00
Chúa Nhật XXVIII Quanh Năm B ( Mc 10, 17-30 )

Sống trong xã hội, giữa trần gian, với những nhu cầu cần thiết cho thân xác và tinh thần, chúng ta cũng xác tín vững vàng là, chúng ta còn có đời sống vĩnh cữu, còn có hạnh phúc viên mãn trong Nước Chúa. Câu hỏi đặt ra: đâu là giá trị của của cải vật chất, cụ thể là tiền bạc mà con người đang sử dụng ?-

                        ** Điều rõ ràng là, tiền bạc cũng có giá trị tích cực của nó. Người ta cần có tiền bạc để trao đổi những huê lợi, những sản phẩm, để có thể sinh sống, tồn tại.

Trong ba mươi năm sống ở Nagiaret, Chúa Giêsu đã sinh hoạt như một con người bình thường. Ngoài nghề thợ mộc, chắc chắn ngài cũng đã vun trồng những cây ô-liu, nuôi một vài con chiên và dê… để nuôi sống. Chắc chắn ngài đã nhận trong đôi tay thánh thiện của ngài những đồng tiền của các khách hàng. Ngài biết rõ giá trị của lao động. Ngài biết rõ, tiền bạc là cần thiết.

Hơn nũa, là một con người đơn giản, Chúa Giêsu vẫn sống tự nhiên, thoải mái khắp nơi, ngay cả nơi nhà một số người giàu có. Chẳng hạn ngài yêu mến lòng hiếu khách của gia đình Bêtania, với Matta, Maria và Lagiarô; ngài đã không phiền trách Maria về sự giàu có, và vì đã “ hoang phí ” một chai dầu thơm trị giá ba trăm quan, tức là gần sáu chục triệu đồng Việt Nam, để xức vào chân ngài…

Cũng vậy, trong các dụ ngôn, ngài yêu cầu chúng ta không được bủn xỉn và lười biếng, nhưng phải biết khôn ngoan quản lý và làm sinh lợi vốn liếng nhận được.

Tuy nhiên, tiền bạc, của cải cũng thường rất nguy hiểm, đáng bị lên án. Bởi vì, từ chỗ cần tiền, người ta có thể đi đến chỗ tham lam, quá ham muốn và trở thành nô lệ cho tiền bạc.

Tiền bạc chỉ là phương tiện để con người sinh sống, tồn tại. Giá trị của nó có mức độ, rất giới hạn. Thế nhưng, điều nguy hiểm là khi quá dính bén, đam mê, con người cứ mải miết tìm kiếm, càng nhiều càng tốt, với bất cứ giá nào, cho dù phải bất lương, gian dối, phạm tội ác… Cứ như thế, con người dần dần trở thành nô lệ lúc nào không hay biết. Kinh nghiệm cho thấy, càng có nhiều, thì càng muốn có nhiều thêm, không bao giờ chấm dứt, không bao giờ thỏa mãn. Một khi để cho tiền bạc thống trị, điều khiển, con người không còn được tự do và hạnh phúc. Vì quá bận tâm, lo lắng, con người không còn thì giờ nghĩ đến cuộc sống đời đời, hạnh phúc thiên đàng. Không còn chỗ cho Chúa trong cuộc sống, cho nên cũng không sẵn sàng đón tiếp Chúa. Không nhớ đến Chúa, cũng không quan tâm gì đến anh em đang găp khó khăn chung quanh. Con người tự cô lập, và tự kết án chính mình.

** Theo quan niệm Do Thái ngày xưa, giàu sang, có nhiều của cải là dấu chỉ được Chúa chúc phúc, thương yêu. Có nhiều tài sản, người ta có nhiều điều kiện để giữ đúng luật. Nhờ đó, có thể được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Thế nhưng, giáo huấn của Chúa Giêsu và kinh nghiệm cho thấy, điều đó chưa chắc đúng, và có khi còn ngược lại. Tiền bạc, của cải chỉ có thể đem lại hạnh phúc đích thực khi được đặt đúng vị trí, và được sử dụng đúng mục đích của nó. Đó chỉ là một phương tiện, không hơn không kém. Nó chỉ có ích lợi khi nó được sử dụng để đạt được hạnh phúc Nước Trời. Nó chỉ có giá trị khi được chia sẻ cho những anh em đang cần để có thể sống đúng phẩm giá con người. Bởi vì tất cả những gì chúng ta làm cho anh em là làm cho chính Chúa Giêsu. Và ngược lại, khi không làm cho anh em, là không làm cho chính Chúa. Và chúng ta biêt rằng, tất cả những gì cản trở con người đi đến với Chúa đều là xấu và đáng bị lên án.

                        Khôn ngoan, tỉnh thức trong việc sử dụng tiền bạc, của cải vật chất. Đó là điều cần phải quan tâm trong cuộc sống hiện tại, để không đánh mất hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn trong Nước Chúa. Đó cũng là sứ điệp mà Chúa muốn gởi đến cho mỗi người chúng ta hôm nay vậy.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com