Thánh Gia Thất ! Vào thời Chúa Giêsu, từ ngữ này chưa có để chỉ Đức Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu. Hơn nữa, lễ Thánh Gia Thất chỉ được thiết lập mừng kính vào năm 1921, do Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XV mà thôi. Tuy nhiên, Phúc Âm thánh Luca muốn nhấn mạnh một vài thực tại quan trọng liên hệ đến Chúa Giêsu và Đức Maria, Mẹ ngài.
Trước hết, chính trong dịp lễ Vượt qua mà Chúa Giêsu có mặt trong Đền thờ. Chi tiết này có một ý nghĩa sâu xa, bởi vì, vào cuối đời của ngài ở trần gian, cũng chính vào dịp lễ Vượt qua mà Chúa Giêsu lên Đền thờ, làm một hành động vừa ngoạn mục, vừa khiêu khích và vừa tiên tri. Ngài xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ ( Lc 19,45 ); đồng thới, ngài tuyên bố: “ Hãy phá hủy Đền thờ này đi, trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại” ( Gn 2 ). Khi nói như thế, ngài muốn nói về “ Đền thờ thân xác ngài”. Ngài gợi lên sự hủy diệt của riêng ngài, tức cái chết, và báo trước sự sống lại của ngài, ba ngày sau đó.
Ở đây, khi nhắc đến việc, sau ba ngày, Đức Maria và thánh Giuse tìm lại được đứa con trong Đền thờ, phải chăng ngay từ đầu, điều đó báo trước cái chết, ba ngày trong mồ và sự chỗi dậy trong vinh quang của ngài.
Còn về Đức Maria. Như các bậc cha mẹ khác trong hoàn cảnh như thế, Đức Maria và thánh Giuse đang ở trong hoàn cảnh hoảng hốt, tuyệt vọng khi lạc mất con. Thế nên, khi tìm gặp được, câu hỏi của ngài cũng là bình thường và êm dịu: “ Hỡi con ! Tại sao con làm cho cha mẹ như thế ?- Kìa cha con và mẹ đây, đã đau khổ tìm con”.
Tuy nhiên, câu trả lời làm chúng ta ngạc nhiên và có vẻ không có gì là êm dịu cả: “ Cha mẹ không biết rằng, con phải lo công việc của Cha con sao ?-.
Không khác gì một lời trách móc. Giống như khi ngài trách móc các môn đệ đã không hiểu ngài là ai, và sứ mạng ngài là gì. Câu trả lời đó còn có tính cách ẩn dụ, như khi ngài tuyên bố với đám đông: “ Ai là mẹ Ta và ai là anh em Ta ?- kẻ nào làm theo ý Cha Ta ở trên trời, thì kẻ ấy là anh, là chị và là mẹ Ta” ( Mt 12 ).
Như thế, điều ưu tiên trong cuộc đời của ngài, không phải là mối liên hệ giữa ngài với Đức Maria và thánh Giuse, mà chính là mối liên kết thân thiết với Đấng mà ngài gọi là Cha, như khi ngài cầu nguyện trong cơn hấp hối: “ Xin đừng theo như ý con, nhưng xin vâng theo ý Cha”.
Chính trong suốt cuộc đời, nhất là ở giữa gia đình, mà Chúa Giêsu dần dần khám phá ra căn tính của mình và sự hiện hữu của Thiên Chúa Cha. Cũng giống như vậy, đối với tất cả những ai lãnh nhận bí tích rửa tội khi còn bé. Chính ở giữa gia đình mà bình thường họ khám phá ra họ là ai trước mặt Thiên Chúa và đối với Thiên Chúa. Cái trách nhiệm giáo dục con cái để chúng khám phá ra Thiên Chúa là Cha, tất cả các cha mẹ phải đảm nhận khi đến xin Giáo Hội rửa tội cho con mình.
Chắc chắn là Đức Maria không lĩnh hội ngay tức khắc tất cả sự thâm sâu của lời mà Chúa Giêsu nói với ngài. Nhưng, ngài đã không để qua một bên. Ngài gìn giữ nó trong tận đáy tâm hồn và suy nghĩ, nghiền ngẫm, nhắc đi nhắc lại, chắc chắn là cho đến ngày ngài ở dưới chân thập giá, nơi con yêu dấu của ngài chịu một cái chết thê thảm. Và lời này của Chúa Giêsu: “ Con phải lo công việc của Cha con” chỉ trở nên đầy đủ ý nghĩa và thông suốt vào ngày Phục sinh. Ngày đó, Đức Maria nhận thức rõ ràng rằng, con của ngài, sinh bởi Chúa Thánh Thần, được đầy tràn Chúa Thánh Thần, đến nỗi giờ đây sống lại từ cõi chết.
Trên con đường thiêng liêng của mình, trong cái khám phá dần dần về nhân tính của người con Giêsu, Đức Maria là gương mẫu của Giáo Hội và của tất cả mọi tín hữu. Cũng giống như ngài và với sự nâng đỡ của ngài, chúng ta phải tiến triển trong sự hiểu biết Đức Kitô. Giống như ngài, trong suốt cuộc sống của mình, chúng ta được mời gọi thăm dò và tìm hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa và của những người mà chúng ta cùng sống chung với nhau.
Điều đó có thể được thực hiện trong niềm vui và hạnh phúc. Điều đó cũng thường được thực hiện trong nỗi buồn và sự không được hiểu biết. Về phương diện này, Đức Maria, và cả thánh Giuse kêu mời tất cả những bậc cha mẹ tìm hiểu mầu nhiệm của con cái mà họ yêu mến.
Chúa Giêsu, một ngày nào đó, đã làm thất vọng và gây đau khổ cho cha và mẹ ngài. Làm thế nào mà có thể nghĩ rằng, con cái ngày nay không bao giờ làm như thế. Về sau này, Đức Maria đã hiểu biết. Về sau này, chúng ta hãy hy vọng, hãy cầu xin điều đó, nhiều cha mẹ sẽ hiểu rõ con cái mình hơn.