Chúa Giêsu thăm viếng làng Nagiaret, quê hương của ngài. Mọi sự bắt đầu rất tốt đẹp. Ngài được tiếp đón niềm nở bằng việc mời đọc Kinh Thánh và phát biểu ở hội đường. Cái cảm giác đầu tiên được xác nhận là tuyệt vời: “ Họ kinh ngạc về sứ điệp ân phúc từ miệng ngài thốt ra”. Việc trở về quê hương của ngài làm vui lòng cho đồng bào của ngài và họ trân trọng ngài, bởi vì đã nghe biết danh tiếng của ngài ở Capharnum:
Tuy nhiên, các thính giả biết ngài đến mức độ nào ?- Họ ca tụng những phẩm chất diễn giả của Chúa Giêsu. Họ ngỡ ngàng về những lời mới mẻ này. Đó là một “ sứ điệp ân phúc”. Thế nhưng, đón nhận ơn phúc này trong cuộc đời của họ lại là một chuyện khác, bởi vì ơn phúc này tấn công họ trong những thói quen hình thức và những sự xác tín lệch lạc của họ…
Ngay lập tức, họ thay đổi thái độ. Sự nhiệt tình tự phát hời hợt của họ biến mất. Họ không chấp nhận sứ điệp của Chúa Giêsu chủ trương tách ra khỏi những gì mà Lề Luật Môisen hàm chứa sự loại trừ, và từ chối những người không phải là dân Do thái. Trích dẫn lời tiên tri Isaia về lòng thương xót giải thoát của Thiên Chúa, Chúa Giêsu tự ý loại bỏ câu cuối cùng: “ một ngày báo oán của Thiên Chúa chúng ta” ( Is 61 ), rõ ràng là nhắm vào những người ngoại giáo.
Thêm vào đó, hai ví dụ mà Chúa Giêsu rút ra từ đời sống của hai vị đại tiên tri trong Kinh thánh minh hoạ hoàn toàn sự mở ra đáng kinh ngạc của sứ điệp Phúc âm: Elia đã làm cho lương thực một người đàn bà goá ngoại giáo ở Sarepta không bao giờ cạn kiệt, và Elise đã chữa lành bệnh phong cùi cho viên tướng Syria, một người nước ngoài.
Tin Mừng được loan báo ở Nagiaret ngày hôm đó rõ ràng là một “ sứ điệp ân phúc”, nghĩa là sứ điệp tình yêu “ nhưng không” về phiá Thiên Chúa, được trao ban cho tất cả mọi người, kể cả người nghèo, người tội lỗi và què quặt của cuộc sống. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ sẽ không ngừng trách móc Chúa Giêsu về cái nội dung có vẻ khiêu khích của lời rao giảng của ngài: Tin Mừng không còn là sự độc quyền, không phải chỉ dành riêng cho người Do thái, cho dân làng Nagiaret, cũng không phải chỉ cho những người công chính, nhưng, được trao ban cho tất cả mọi người như là một quà tặng của Thiên Chúa, một sự giải thoát và một hạnh phúc.
Bấy giờ, họ nhắc cho Chúa Giêsu về nguồn gốc của ngài: “ Ông không phải là con của ông Giuse hay sao ?-“. Con của người thợ mộc thì chắc chắn là khéo léo trong việc làm gỗ hơn là giải thích Lề Luật của Thiên Chúa. Một người con của quê hương không được lên lớp giảng dạy. Hơn nữa, tại sao ngài không thực hiện nơi làng quê của ngài cũng chính những điềm lạ như đã làm ở Capharnaum ?- Họ khó lòng chấp nhận rằng, sở dĩ Chúa Giêsu không thực hiện nơi họ nhiều phép lạ, là bởi vì họ không tin” ( Mt 13 ).
Và từ đó, họ đi đến chỗ mưu toan sát nhân để xô Chúa Giêsu xuống trong một khe trũng “ ngoài thành phố ”. Đó có phải là điềm báo trước về những gì sẽ xảy ra khi Chúa Giêsu sẽ bị đóng đinh vào thập giá ngoài thành Giêrusalem không ?- Và hơn nữa, ngài sẽ đi con đường của ngài, con đường Phục sinh, và Phúc âm được mang đến cho tất cả mọi dân tộc nhờ làn gió mạnh của Thần Khí.
*** Tin vào Tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không bao giờ hết tin nơi lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ hiện ra nơi Đức Giêsu Kitô. “ Sứ điệp ân phúc” đề nghị chúng ta đón tiếp tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng ta. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy, khi chúng ta đo lường những sự nghèo khó của chúng ta, những nỗi khốn khổ và tội lỗi của chúng ta, chúng ta thường có khuynh hướng tự khép mình trong sự bất xứng của chúng ta, thay vì mở ra với Tin Mừng là: Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, được mong đợi và được tha thứ.
-“ Sứ điệp ân phúc” được dành cho tất cả mọi người. Cho dù chúng ta không nhận ra, nhưng nhân danh những luật lệ, những nguyên tắc và những đặc quyền có được do nguồn gốc và bảo đảm là những người siêng năng, chúng ta có thể đóng cửa Giáo hội, hay hé mở một cách dè xẻn cho những người mà chúng ta xem như là ít nhiều xa lạ với đức tin của chúng ta… Tình yêu của Thiên Chúa không biết đến những ranh giới. Những sự kỳ diệu của Phúc Âm cũng thường nở hoa ở những nơi khác với Giáo hội cơ chế đã được xếp đặt ngăn nắp, thứ tự, trên dưới.
- Thiên Chúa không hề mệt mỏi sai đến với chúng ta những vi tiên tri. Chúng ta có biết nhận ra và lắng nghe các ngài không ?-. Cuộc đời chúng ta chứa đầy những chứng từ tiên tri khiêm tốn mà chúng ta không nhìn thấy, như cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm, các linh mục tu sĩ….
- Các tiên tri nhân danh Thiên Chúa nói với chúng ta những lời làm chúng ta ngạc nhiên, làm quấy rầy chúng ta, chỉ ra những lầm lạc của chúng ta, đối lập lại với những thói quen của chúng ta, cảnh báo chúng ta, tố cáo sự gian ác đang hoành hành trên thế giới chúng ta. Chúng ta có đón nhận lời đó như “ một sứ điệp ân phúc”, một sự thay đổi thực sự cho Giáo Hội và cho cuộc đời chúng ta hay không ?-
Và khi đã biết Chúa chọn chúng ta như là tiên tri của ngài, chúng ta có dám liều mình trở nên những phát ngôn viên can đảm, ngay cả trong đất nước, địa phương và trong gia đình riêng tư của chúng ta hay không ?