Mỗi lần nghe dụ ngôn kỳ diệu này, chúng ta ngỡ ngàng do tính cách quảng đại bao la của sự tha thứ đến từ con tim Thiên Chúa. Bởi vì người cha trong dụ ngôn, chính là Thiên Chúa, rất buồn lòng khi một trong hai đứa con rời xa mái ấm gia đình mà nó biết là rất an bình, âu yếm, êm đềm và có dư thừa lương thực. Người cha sẵn sàng làm tất cả để trông thấy đứa con út trở về, và làm cho nó trở thành một con người mới, một tạo vật mới, sau khi đã giao hoà lại với Cha trên trời.
Chúng ta hãy xem vài chi tiết của dụ ngôn để soi sáng con đường đi đến sự hoà giải này.
Trước hết, đó là một người Cha trao ban mà không kêu nài gì cả. Ông là người luôn luôn cho đi với một sự quảng đại. Với người con đòi hỏi gia tài, ông không yêu cầu một sư giải thích nào. Ông không nói rằng, thời điểm thiết lập sự phân chia gia tài của ông chưa đến. Ông cũng không hỏi nó xem nó sẽ sử dụng gia tài như thế nào. Ông để cho nó hoàn toàn tự do ra đi.
Ông cũng không đòi hỏi nó thêm những lời giải thích, khi nhìn thấy nó trở về, mặc dù nó hoàn toàn xấu hổ, đói khát, sẵn sàng được đối xử như một người giúp việc bình thường. Tuy nhiên, nhất là cái điều cần phải để ý trong câu chuyện, đó là sự vội vã của người cha khi gặp lại đứa con, ông ôm nó trong vòng tay. Điều gây ấn tượng khi thấy, người cha “ chạy đến” để ôm choàng lấy cổ nó ( người cha không còn tuổi để chạy ). Trong khi đó, chúng ta dễ dàng hình dung ra, đứa con khốn khổ, vừa bước đi từng bước chậm rãi và nặng nề, vừa đắn đo, do dự tự hỏi, sẽ dùng những từ ngữ nào để bày tỏ sự hối hận.
Thứ đến là, đứa con út, người tội nhân được tha thứ, trở thành tạo vật mới. Một lần nữa, người cha không đòi hỏi lời giải thích và thậm chí không để cho nó nói. Đối với ông, có đứa con bên cạnh ông, chính sự hiện diện của nó mới đáng kể, cùng với mối liên hệ tình yêu và âu yếm cha con sẽ lại được nối kết. Đứa con hối hận sẽ thực sự trở thành một “ tạo vật mới”. Chiếc áo đẹp giúp liên tưởng đến lời của thánh Phaolô: “ Anh em hãy mặc lấy con người mới, con người mà Đấng Tạo hóa luôn luôn làm lại mới theo hình ảnh ngài…” (Col 3,10 ). Chúng ta hãy nhớ chiếc áo trắng của người mới được Rửa tội. Và, trong khi đặt thực đơn bữa tiệc, người cha trao ban ý nghĩa của lễ mừng: “ Con ta đã chết, nay sống lại”.
Đồng thời, đây là ngày lễ hội của cả gia đình. Thế nhưng, chúng ta đừng quên đứa con khác. Đứa con trưởng, đứa con đã không bỏ nhà ra đi, cũng không lìa bỏ sự thân mật với người cha. Tuy nhiên, khi từ ngoài đồng trở về, anh ta tự do quyết định không vào trong nhà. Rõ ràng là, người anh cả này xa rời cha mình hơn người em út, và nhất là, anh ta trở nên có tội hơn, khi dứt khoát từ chối tham dự vào bữa tiệc mừng người em của anh ta. Anh ta làm hỏng niềm vui.
Dụ ngôn này có phải được gọi tên là “ lễ mừng bất tận” không ?- Thực ra, khi đưá con út trở về, người cha sai mặc đồ mới cho nó, và sai chuẩn bị con bê béo để “ ăn mừng và tiếp đón long trọng”. Anh ta đã mất, anh ta được tìm thấy lại, và “ họ đã bắt đầu ăn mừng”. Bình thường, vào đoạn cuối của dụ ngôn, câu chuyện lẽ ra phải có câu kết thúc là: và họ tiếp tục ăn uống linh đình. Thế nhưng, câu chuyện lại được kết thúc trên một ghi nhận là: đứa con cả từ chối hoà nhập với niềm vui chung, viện cớ là, đứa em của anh ta đã tiêu xài hết tất cả tiền bạc của nó với bọn gái điếm.
Sau cùng, cũng nên lưu ý là, mỗi người chúng ta lần lượt là người con cả và người con út. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, người cha này có hai đứa con, và chúng ta khi thì giống đứa này, khi thì giống đứa kia, có khi giống cả hai cùng một lúc. Chúng ta là đứa con út do những sai lầm và lệch lạc rất nhiều của chúng ta; chúng ta là đứa con cả, khi chúng ta có những xét đoán nghiêm khắc và kết án trước những người ăn ở tồi tệ. Chúng ta quên lời Chúa: “ Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” ( Mt 7,1 ). Và đôi khi nặng nề hơn, khi là người anh cả từ chối, không đón nhật đứa em tội lỗi sẵn sàng trở về mái ấm gia đình. Người cha đầy tình âu yếm chạy về phía tất cả các con của ông, và những cánh tay của ông giang ra rất muốn xiết chặt cả đứa này và cả đứa khác, không một sự ngoại lệ nào.
Quả thật, đây là một dụ ngôn của kinh Lạy Cha. Chúng ta hãy là những anh em yêu thương của tất cả những người tội lỗi, ngay cả những người xa cách tình yêu Thiên Chúa nhất. Cha trên trời sẵn sàng tha thứ cho tất cả, và quy tụ tất cả các con cái của ngài, trong cũng chính một tình yêu. Khi sẵn sàng tha thứ cho tất cả, chúng ta sống trọn vẹn lời cầu của kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc mỗi ngày: “ Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha những kẻ có nợ chúng con”.