Thứ Sáu, 18 Tháng Ba, 2016 00:00
Thứ Năm Tuần Thánh ( Ga 13,1-15 )

Điều đó rất đúng. Bởi vì, trong suốt cuộc đời trần gian, Chúa Giêsu đã cố gắng bày tỏ cho biết, Thiên Chúa là tình yêu, lòng thương xót và sự tha thứ. Qua lời giảng và những dấu lạ, ngài chứng minh, ngài là Đấng Cứu Độ mà mọi người đang mong đợi. Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến, để giải thoát tất cả mọi người, chứ không phải chỉ riêng dân Do Thái. Ngài sẽ giúp mọi người phá bỏ gông cùm, xiếng xích, không phải của đế quốc Roma, mà là của tội lỗi và sự chết. Con đường thực hiện không phải là mưu mô chính trị, với binh hùng tướng mạnh, hay là tài khéo kinh tế, mà là con đường tình yêu, hy sinh và đau khổ của thập giá tủi nhục. Ngài đã hy sinh chính mạng sống mình để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Bởi vì, không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của người trao hiến mạng sống cho người mình yêu.

Và trước khi ra đi, thực hiện sứ mạng cao quí, ngài đã thực hiện một cử chỉ cao cả, đầy ấn tượng là, thiêt lập bí tích Thánh Thể, trong bữa tiệc ly và trong mỗi thánh lễ, để tiếp tục hiện diện giữa nhân loại. Ngài đã biến bánh miến và rượu nho thành Mình và Máu thánh ngài, để làm lương thực nuôi dưỡng con người trên đường lữ thứ trần gian. Khi kết hợp với ngài trong bí tích tình yêu nầy, con người có được sức sống thần thiêng và trở nên giống ngài hơn. Nói khác đi, muốn trở nên môn đệ của ngài, muốn được hưởng hạnh phúc bất diệt với ngài, nhất thiết phải tiếp nhận Mình Máu Thánh ngài.

Đồng thời, một cử chỉ khác cũng không kém phần quan trọng và ý nghĩa, đó là việc rửa chân cho các môn đệ.

Cử chỉ nầy quả thực đã gây ngạc nhiên cho những ai chứng kiến. Một đàng, đây là một cử chỉ tỏ bày lòng hiếu khách thời xưa, theo đúng lý phải được làm trước bữa ăn. Còn ở đây, Chúa Giêsu thực hiện “ giữa bữa ăn”. Đàng khác, đó là công việc của gia nhân, hiểu ngầm là của kẻ bề dưới. Hơn nữa, nô lệ Do thái không buộc phải rửa chân cho chủ. Thế mà ở đây, Chúa Giêsu, dù là Thầy và là Chúa, lại đích thân rửa chân cho các môn đệ của mình.

Như thế, để có thể chấp nhận cử chỉ nầy, phải từ bỏ cái nhìn cố hữu, xem Thiên Chúa như một vẻ vĩ đại bên ngoài, mà phải hiểu là, sự cao trọng của Thiên Chúa, chính là sự khiêm nhường và lòng bác ái của ngài, là tình yêu tuyệt đối, không giới hạn. Khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ cách thức trở thành cao trọng. Qua đó, ngài tẩy trừ tất cả mọi thứ tranh đua giữa con người với nhau. Qua đó, ngài bày tỏ mầu nhiệm thập giá. Điều quan trọng đối với Thiên Chúa, chính là tình yêu. Ngài vẫn kiên trì trong tình yêu, ngay cả khi con người bội phản ngài, chối từ ngài, bỏ rơi ngài.

Bởi thế mà, lúc đầu, Phêrô nhận thấy đây là một bài học về sự khiêm nhường, và cũng là lời mời gọi thanh tẩy, thanh tẩy khỏi những cái nhìn hạn hẹp, thiển cận, thanh tẩy khỏi những truyền thống cổ xưa, lỗi thời, chỉ có hình thức, mà không có ý nghĩa. Về sau nầy, dưới ánh sáng phục sinh, cử chỉ đó còn có ý nghĩa là, hãy sẵn sàng bước theo Chúa Giêsu trong Phép Rửa của ngài, tức trong cái chết của ngài, để được thông phần vào sự sống lại của ngài. Điều đó cũng có nghĩa là, cử chỉ rửa chân nhằm thiêt lập bản chất của người môn đệ Chúa. Cử chỉ nầy là một dấu chỉ, một mẫu gương, một thứ điều kiện không thể thiếu của người môn đệ. Người môn đệ phải sống giống như thầy, phải làm y như thầy. Do đó, giới luật chính yếu của cộng đoàn môn đệ Chúa sẽ là sự phục vụ. Bây giờ không còn là để cho Chúa Giêsu rửa chân, mà là chúng ta rửa chân cho nhau.

Như thế, chúng ta có thể nói, qua việc thiêt lập bí tích Thánh Thể và rửa chân cho các môn đệ, tình yêu cứu độ chỉ là một, nhưng được thể hiện dưới hai khía cạnh: kết hợp với Chúa trong bí tích Thánh Thể, và thông hiệp với anh em qua việc phục vụ lẫn nhau.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com