Thứ Tư, 27 Tháng Tư, 2016 00:00
Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C ( Ga 14, 23-29 )

Khi ngồi vào bàn cùng các môn đệ vào chiều thứ năm Tuần Thánh, biết trước những gì sẽ xảy đến, và bữa tiệc nầy là bữa tiệc ly biệt, Chúa Giêsu đã tâm sự với những người thân yêu về việc ngài sẽ ra đi. Ra đi, nhưng ngài vẫn hiện diện giữa các ông. Một sự hiện diện vô hình; tuy không trông thấy, nhưng lại rất gần gũi; tuy có vẻ xa cách, nhưng lại rất thân tình, yêu mến.

Thực vậy, rõ ràng là các môn đệ sẽ không còn nhìn thấy ngài nữa. Họ phải sống mà không có sự hiện diện hữu hình của ngài. Từ nay trở đi, các ông đừng có vội vàng tin tưởng những ngưới lớn tiếng tự cho mình là Đức Kitô tái nhập thể, bởi vì ngài ra đi thực sự.

Rõ ràng là các môn đệ cảm nghiệm được sự thiếu vắng ngài thực sụ. Các ông mong muốn lại được nhìn thấy ngài, chiêm ngưỡng trong đôi mắt ngài tất cả tình yêu của Thiên Chúa Cha. Nhưng đó là chuyện của đời sau.

Rõ ràng là Chúa ra đi thực sự. Ngài nhường chỗ cho các môn đệ. Những gì mà các ông phải làm, ngài sẽ không đến làm thay các ông. Ngài tín nhiệm các ông, và tôn trọng sự tự lập của mỗi người trong các ông. Là người đầu tiên trong cộng đoàn nhân loại trở về cùng Thiên Chúa Cha, ngài vạch mở con đường, chuẩn bị chỗ ở vĩnh viễn cho các môn đệ. Rồi ngài sẽ trở lại đưa dẫn tất cả vào Nước Trời trong niềm vui bất tận, vô biên. Lúc bấy giờ, tất cả sẽ vui hưởng hạnh phúc với ngài.

Ngài ra đi, thế nhưng, đồng thời rõ ràng là ngài vẫn ở lại bên cạnh các môn đệ. Một sự có mặt vô hình, nhưng rất sâu sắc, do tình yêu. Ngài hiện diện trong tâm hồn những ai tin tưởng và đón tiếp ngài. Nói khác đi, ngài luôn luôn có mặt với những ai yêu mến ngài. Tình yêu không bao giờ ép buộc, không bao giờ cưỡng chế, ngăn cách. Đó là một kinh nghiệm mà chúng ta vẫn thường thấy trong tình yêu nhân loại đời thường. Luôn luôn có một thứ hiện diện huyền nhiệm, rất nội tâm, của một con người được yêu mến, mặc dù “vắng mặt” một cách thể lý. Những ai làm cha làm mẹ, làm con cái trong gia đình, là bạn hữu, là người yêu, là vợ chồng của nhau… chắc chắn đã cảm nghiệm được sự hiện diện rất thân thương nầy, cho dù phải xa cách nhau nghìn trùng, dịu vợi. Như thế, khi than phiền về sự vắng mặt và sự thinh lặng của Thiên Chúa, biết đâu đó lại là dấu chỉ cho thấy, chúng ta thiếu tình yêu đối với ngài ?-

Đồng thời, Chúa còn hiện diện đối với những ai trung thành với Lời Chúa. Đó là cách hiện diện vô hình thứ hai của Chúa. Kinh nghiệm trong cuộc sống cho thấy điều đó là rất thực. Bởi vì, làm thế nào mà những người yêu thương nhau thực sự lại không lắng nghe nhau, không có đối thoại, không có hiệp thông với nhau. Không có gì tồi tệ hơn khi không biết nghe nhau, khi không biết nói với nhau. Vì thế, một trong những mấu chốt chính yếu  của đời sống người kitô hữu, chính là việc suy gẫm Lời Chúa, như là một thứ bí tích, một dấu chỉ sự hiện diện của Chúa. Chúng ta không thể gặp gỡ Chúa Giêsu bằng xương, bằng thịt, không có thể tiếp xúc đụng chạm bằng giác quan. Thế nhưng, đối với những ai yêu mến ngài, thì rõ ràng là có thể học biết tư tưởng của ngài được viết trong Phúc Am, có thể hiệp thông với những công trình của ngài, khi láng nghe tiếng ngài nói trong Tin Mừng.

Thiết tưởng cũng nên nhớ rằng, Chúa Giêsu không chỉ nói những lời để được tiếp thu một cách trí thức suông, nhưng là những lời mà chúng ta sống trung thành, nghĩa là những lời được đem ra thực hành, những lời một khi được sống cụ thể sẽ làm cho người khác nhận ra sự hiện diện của ngài. Mà trung thành với Lời của Chúa, cụ thể là tuân giữ điều răn mới là: “các con hãy yêu thương yêu nhau như chính Thầy đã yêu thương các con”. Nói khác đi, dấu chỉ đầu tiên về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người, chính là tình yêu huynh đệ cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Như thế, Chúa vẫn hiện diện một cách sống động qua Hội Thánh, qua những ai luôn biết thực hành Lời Chúa.

Ngoài ra, Chúa còn hiện diện một cách vô hình qua bí tích Mình Máu Thánh Chúa. Với lời truyền phép, dưới hình bánh và hình rượu, Chúa Giêsu thực sự ở giữa chúng ta, làm lương thực nâng đỡ, bổ dưỡng trên đường về Nước Trời. Đó là một sự hiện diện biểu tượng, nhưng rất thực, rất cụ thể cho con người chúng ta.

Hơn nữa, Chúa Giêsu còn hiện diện nơi những con người cùng sống với chúng ta trong cuộc sống, nhất là những người nghèo khó, túng thiếu, đau khổ, bất hạnh. Những người đói khát, bé mọn, bệnh hoạn đau ốm, tù đày, cô đơn, bị bách hại, bỏ rơi, loại trừ… tất cả đều là hiện thân của Chúa. Đối xử với họ như thế nào, là đối xử với Chúa như thế ấy.

** Chúa Giêsu đã ra đi, nhưng Chúa Giêsu vẫn còn ở lại. Bởi vì ngài yêu thương chúng ta. Tình yêu thương thì tự do, và người ta chỉ yêu thương thật sự khi có tự do. Ngài ẩn mặt đi. Ngài giữ một khoảng cách để chúng ta có thể tìm kiếm ngài một cách tự do, để chúng ta có thể yêu mến ngài mà không bị ép buộc, gò bó. Nhưng đồng thời, ngài vẫn ở gần chúng ta, bên cạnh chúng ta, trong chúng ta. Một sự hiện diện vô hình. Bởi vì tình yêu không bao giờ chấp nhận một sự vắng mặt thực thụ, dứt khoát và vĩnh viễn.

Vấn đề là chúng ta có nhận ra được sự hiện diện thân thương của ngài trong cuộc đời chúng ta hay không, để có thể sẵn sàng đón nhận những ơn lành của ngài. Tất cả đều tùy thuộc vào tình yêu của chúng ta đối với ngài.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com