Khi đến viếng ngôi mộ của một người thân yêu, chúng ta đụng phải đất và đá nhốt kín .. Ở đây, chúng ta hãy cố gắng hình dung những gì là kinh nghiệm gây kinh ngạc của các nhân chứng đầu tiên về sự Phục Sinh của Đức Kitô, khi khám phá ra ngôi mộ mở rộng và trống rỗng.
Người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến, thánh Gioan, là người trước tiên đến ngôi mộ, nơi đặt thân xác của Chúa Giêsu. Ông không vào, mà nhường bước cho người mà Chúa muốn xây dựng Hội thánh trên đó. Phêrô có một nhận xét đầu tiên về hiện trạng ngôi mộ: thân xác của Chúa Giêsu không còn ở đó nữa; khăn liệm vẫn còn lại đó; tấm khăn bao phủ đầu thì được “ cuộn lại để riêng một chỗ”…
Gioan bước vào sau đó. Ông đi xa hơn là một cuộc kiểm kê đơn giản. Chỉ một vài từ diễn tả niềm tin của ông: “ Ông đã thấy và ông đã tin”. Vậy thì ông nhìn thấy điều gì hơn Phêrô ?- Chúng ta còn nhớ, chính ông đã tham gia vào cuộc tẩn liệm trước đó hai ngày, ông nhận thấy rằng, những khăn vải bao bọc thân xác Chúa Giêsu không có xê dịch. Không có vết tích gì về sự lộn xộn do các tên trộm mộ gây nên. Dưới đôi mắt của ông, tất cả đã được diễn ra như là thân xác của Chúa đã “ được bốc hơi” để mặc lấy vinh quang Chúa Cha. Bấy giờ Gioan tin rằng, Chúa Giêsu hằng sống theo như Thánh Kinh.
Tiến trình niềm tin của Gioan, và của cả chúng ta nữa, đuợc đặt hoàn toàn giữa “ Anh em hãy đến và xem” ( Jn 1, 39 ) của lời kêu gọi hai môn đệ đầu tiên và “ Ông đã thấy và ông đã tin” của ngày Phục Sinh hôm nay.
Kinh nghiệm này của Gioan nhắc chúng ta nhớ sự quan trọng của những dấu chỉ để tin. Đàng khác, ông đã thảo Phúc Âm như là “ sách của những dấu chỉ” để “ anh em tin rằng, Chúa Giêsu là Đức Kitô và để, nhờ tin, mà anh em có sự sống nhân danh ngài” (Ga 20,31 ).
Để tin vào sự Phục sinh, chúng ta cần đến những dấu chỉ. Những dấu chỉ đó ở đâu, bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ là những chứng nhân của ngôi mộ trống rỗng vào buổi sáng Phục Sinh ?-
Bí tích Thánh Thể, bánh ban sự sống, giúp chúng ta nhận ra Chúa hằng sống dưới dấu chỉ của sự chia sẻ. Mỗi lần sự sống mạnh mẽ nhất, mỗi lần mà tình yêu vượt thắng trên hận thù, mỗi lần mà sự ăn năn thống hối biến đổi rạng rỡ một cuộc đời, mỗi lần mà niềm hy vọng tái sinh, thì những dấu chỉ Phục Sinh được trao ban cho chúng ta.
Thánh Phaolô đã viết: “ Anh em đã sống lại cùng Đức Kitô” ( Col 3,1 ). Theo gương của Chúa và nhờ quyền lực của sự Phục Sinh mà ngài chuyển thông cho chúng ta, chúng ta đã thực hiện cuộc vượt qua của chúng ta, tiến về sự sống nhờ đức tin và phép Rửa tội. Điều quan trọng là, đó không phải là một lời hứa cho tương lai, mà là một thực tại đã hiện diện trong đời sống kitô hữu chúng ta.
Và chính ở đó, chúng ta được kêu gọi nhìn thấy và trao ban cho thấy những dấu chỉ của sự Phục Sinh. Thử hỏi chúng ta đã sống một “ cuộc phục sinh” của đức tin nhờ một sự đổi mới của lời cầu nguyện, một niềm vui khám phá và sống Phúc Âm, và hạnh phúc được tin vào Thiên Chúa, là Đấng yêu thương chúng ta hay không ?-
Thử hỏi chúng ta đã thành công ra khỏi “ nấm mồ” của tính ích kỷ của chúng ta để sống bằng tình yêu đích thực hay không ?-
Thử hỏi chúng ta đã lăn hòn đá chán nản đang cầm tù chúng ta, và khép kín chúng ta với tương lai và những sự bắt đầu lại hay không ?-
Thử hỏi sự tha thứ và lòng nhân từ có chiến thắng những mối liên hệ chết người của sự ghen tương và báo thù, làm cản trở chúng ta đến với ánh sáng hoà bình không ?-
Thử hỏi chúng ta có ra khỏi tấm khăn liệm của sự dửng dưng, thờ ơ trước những vất vả và đau khổ của người khác, có ra khỏi nấm mồ của tính thụ động hay vô cảm làm chúng ta bất động hay không ?-
Thử hỏi việc ăn năn thống hối của tâm hồn và của cách ứng xử sau cùng có giải thoát chúng ta khỏi một tình trạng tội lỗi đang giam hãm chúng ta hay không ?-
Có biết bao sự phục sinh hằng ngày đang chờ đợi chúng ta trong các đôi vợ chồng, các gia đình, nơi làm việc, nơi giải trí, trong những mối tương quan giữa chúng ta với nhau. Tất cả là những dấu chỉ cho thấy Đức Kitô hằng sống và biến đổi thành rạng rỡ những ai đón nhận sức mạnh tình yêu và sự sống của ngài.
Thật vậy, thật là tốt đẹp khi khẳng định: “ Đức Kitô đã phục sinh”. Tuy nhiên, thử hỏi như thế đã đủ để thuyết phục rằng, ngày nay ngài đang sống hay không ?-
Nếu Chúa Giêsu, Đấng hằng sống, làm cho chúng ta sống, chúng ta là những người được Rửa tội, “ những người sống lại với ngài”, thì chúng ta phải là những người mang sự sống đến cho người khác, bằng đời sống yêu thương, vui tươi, an bình và hạnh phúc, được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, việc làm, cách tiếp xúc trong đời thương. Nói khác đi, người ta sẽ nhìn vào cách sống của chúng ta để có thể nhận ra Chúa Phục Sinh, đem lại ơn cứu độ cho mọi người hay không mà thôi ?-.
Vấn đề còn lại là của chúng ta.