Thứ Sáu, 15 Tháng Tư, 2016 00:00
Chúa nhật IV Phục sinh C - Chúa nhật Chúa Chiên Lành- Cầu cho Ơn Thiên Triệu Linh mục-Tu sĩ. ( Ga 10, 27-30 )

Trong ngày cầu nguyện cho Ơn Gọi Linh Mục và Tu Sĩ, chúng ta cùng nhìn lại mong ước của Chúa Giêsu về những người cộng tác đắc lực, mà ngài gọi là những Thợ Gặt Lành Nghề trên cánh đồng truyền giáo, và những điều kiện tác động tích cực đến Ơn Gọi cao quý này.

Thực vậy, điều đầu tiên cần phải xác định là, tại một số nơi, một số vùng miền, những người trẻ có ước vọng bước theo Chúa Giêsu trong sứ mạng Loan Báo Tin Mừng Tình Yêu của Chúa cho những người chung quanh, không được nhiều, nếu không nói là rất ít. Có rất nhiều nguyên do gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, chính yếu hơn hết vẫn là vì chúng ta không quan tâm cho đủ cái nhu cầu bức thiết, không ý thức đủ giá trị và tầm quan trọng của Ơn gọi đặc biệt này, và cũng từ đó, không nỗ lực gầy dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho Hạt giống Ơn Gọi được vun trồng, nẩy mầm và phát triển, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho Nước Trời.

Trước tình hình này, chúng ta phải xác tín điều căn bản là: Thiên Chúa không ngừng kêu gọi “ những người thợ cho mùa màng của ngài”. Đức Kitô không quên Giáo Hội của ngài; ngài biết Giáo Hội rất cần những chủ chăn. Thánh Thần sẽ tạo ra những những tông đồ thích hợp cho mỗi thời đại. Vấn đề là xem chúng ta có biết đón tiếp, cộng tác, cùng làm việc, để thánh ý Chúa sớm được thực hiện hay không.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng, những khó khăn hiện tại đối với Ơn gọi Linh mục và Tu sĩ là một tín hiệu báo động, một đèn đỏ nhấp nháy dồn dập để cảnh báo chúng ta. Một trong những khó khăn căn bản là, từ trước đến giờ, chúng ta có thói quen quan niệm là: đó là chuyện của Chúa, của Giáo hội, của người khác, chứ không phải của chúng ta. Thực vậy, hầu hết các giáo xứ chúng ta, không lúc nào không có linh mục. Chưa bao giờ chúng ta gặp phải hoàn cảnh khó khăn, về đức tin, về nếp sống đạo, về các bí tích, về giáo lý… do thiếu vắng những vị có chức thánh được sai đến với chúng ta. Chúng ta xem đó như là một chuyện bình thường, không có gì đáng quan tâm, để ý. Nên không cần phải nỗ lực, phấn đấu, làm việc.

Ay thế mà giữa lòng Giáo Hội, cổ động, nuôi dưỡng và phát triển ơn gọi là công việc của tất cả mọi người: bản thân người tín hữu, các gia đình, các giáo xứ, các phong trào, các hội đoàn… Thật là sai lầm khi nghĩ rằng, đó là công việc của Hàng Giáo phẩm, của các kitô hữu khác, chứ không phải của mình. Chúng ta đã biết, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, là đã lãnh nhận sứ mạng truyền giáo, sứ mạng loan báo Tin Mừng Ơn Cứu Độ cho đến tận cùng thế giới. Vì thế, là kitô hữu là đã có sứ mạng cao quý này.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô, trong một bức thư gởi nhân Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn gọi, chỉ rõ những điều kiện nào để Ơn gọi có thể phát triển:

Trước hết giáo xứ phải là một cộng đoàn sống động. Sự nảy sinh và phát triển các Ơn gọi khác nhau là dấu chỉ chắc chắn của tính cách sống động của một Giáo hội địa phương. Một cộng đoàn không có Ơn gọi giống như một gia đình không có con cái. Nhận xét này phải chất vấn và động viên chúng ta, trong suốt cuộc đời chúng ta.

Thứ đến, đó là một cộng đoàn cầu nguyện. Chúa Giêsu đã nói: “ Các chiên Ta thì nghe tiếng Ta”. Cầu nguyện là lắng nghe. Không có sự đón nhận Lời Chúa và tình yêu của Chúa, thì sự liên lạc, hiệp thông không thể thực hiện được. Trong trường hợp đó, không chỉ là lời mời gọi không được lắng nghe, mà sự nâng đỡ vững chắc của Chúa Chiên Lành cũng không được cảm nhận. Mà, những người dấn thân bước theo Đức Kitô chỉ có thể thực hiện được điều đó khi nương tựa trên sự chắc chắn không lay chuyển này là“ không có gì có thể cướp giật họ ra khỏi bàn tay của ngài”. Do đó, đáp lời “ xin vâng” với Chúa là một hành động của đức tin, và đức tin được nuôi dưỡng ở nguồn cầu nguyện của gia đình và cộng đoàn, giáo xứ.

Ngoài ra, đó là một cộng đoàn mời gọi: Giáo hội ý thức rằng, mình cần phải chuyển đi từ thứ mục vụ chờ đón sang mục vụ đề nghị, mời gọi, khuyến khích. Điều đó thật đúng với việc rao giảng Phúc Âm, và cũng rất đúng với các Ơn gọi. Cơn khủng hoảng Ơn gọi linh mục và tu sĩ phát xuất từ chủ nghĩa duy vật và cá nhân. Vì thế, cần phải đưa ra lời kêu gọi, khuyến khích, nhất là với những người trẻ. Cần phải nhấn mạnh nỗ lực này và mở ra cho giáo dân những trách nhiệm cộng đoàn. Mỗi người phải tự hỏi xem, mình có phải là người được mời gọi hay không ?-

Sau cùng, đó là một cộng đoàn truyền giáo: một cộng đoàn kitô hữu chỉ qui về chính mình, tự khép mình trong bốn bức tường nhà thờ, và tự giới hạn trong sinh hoạt nội bộ, sẽ không cho phép các Ơn gọi được gieo trồng và lớn lên. Lệnh truyền của Chúa: “Hãy rao giảng cho đến tận cùng trái đất”, không chỉ hiểu theo nghĩa điạ lý, mà còn theo nghĩa xã hội học. Vấn đề không còn phải là: tôi phải đi đâu ?-, mà là: tôi có thể làm gì nơi tôi đang sinh sống ?-

Hội đủ những điều kiện trên đây, cộng đoàn giáo xứ sẽ là môi trường thích hợp cho ơn gọi linh mục và tu sĩ nảy sinh và phát triển dồi dào.

Ngày xưa, khi nghe tiếng Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đi ?-“, Isaia đã trả lời: “ Này tôi đây, xin hãy sai tôi ( Is 6,8 ). Còn chúng ta ngày nay, đâu là câu trả lời của chúng ta hôm nay, trước lời mời gọi của Chúa ?

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com