Phúc Âm hôm nay đưa ra Tôma ra sân khấu. Đây là vị tông đồ được coi là cứng lòng tin. Với khoảng cách sau hơn hai ngàn năm, Tôma có thể là người đương thời của chúng ta với trạng thái tinh thần của ông: “ Nếu tôi không thấy.. tôi sẽ không tin !”. Những hoài nghi được khẳng định của ông, cuộc gặp gỡ của ông với Đức Kitô, rồi sự tán thành hoàn toàn của ông có thể dùng làm những điểm mốc cho một con đường đức tin đích thực.
Sau một lời mời gọi bên trong và sáng kiến tự do của Thiên Chúa, giai đoạn thứ nhất không thể lẩn tránh của hành trình đức tin là đón nhận lời của một nhân chứng đáng tin cậy. Thực vậy, trước tiên Tôma đã lắng nghe câu chuyện hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh, vào chiều lễ Phục Sinh, khi ông vắng mặt. Ông không khẳng định là các tông đồ khác nói dối, hay nhầm lẫn; thế nhưng, những lời nói của họ không đủ để lôi kéo sự tán thành của ông. Ông cần một sự tiếp xúc bản thân trực tiếp: ông cần những bằng chứng hiển nhiên… Tuy nhiên, rõ ràng là những chứng từ của các môn đệ khác đã giữ một vai trò trong việc tiếp cận niềm tin của ông. Chúa Giêsu không trách móc ông về đòi hỏi của ông. Ngài yêu cầu ông phải vượt qua sự cứng lòng của ông mà thôi.
Thứ đến là cần phải tìm kiếm với những người khác. Tôma đã có thể bày tỏ sự hoài nghi của mình trong nhóm các tông đồ. Các tông đồ đã không kêu lên sự phẫn nộ; các ông đã không xua đuổi Tôma ra ngoài.. Đàng khác, vào lúc đó, càng tệ hơn chính các ông đã không tỏ ra một niềm tin vững chắc. Phúc Âm kể lại: “ Một vài người vẫn còn nghi ngờ”. Các ông chỉ chấp nhận một chút tin tưởng theo lời nói của các phụ nữ. Chúa Giêsu khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy ngài sau khi ngài phục sinh” ( Mc 16,14 ). Bởi vì Nhóm Mười Hai cởi mở, và bởi vì Tôma là một con người chân thật, rất được đón nhận trong cộng đoàn, vì thế, chính ở giữa cộng đoàn mà sau đó ông sẽ gặp được Đức Kitô.
Hơn nữa, cần phải đích thân gặp gỡ Chúa Giêsu. Đức tin chỉ trở nên sống động vào lúc mà, sớm hay muộn, nó là một cảm nghiệm của Đức Kitô hằng sống. Không có gì có thể thay thế sự tiếp xúc trực tiếp ở nơi thẩm sâu nhất của tâm hồn và cuộc sống. “ Hãy nhìn tay Thầy ! Hãy đưa tay con ra ! Hãy đặt bàn tay con vào cạnh sườn của Thầy”… Tôma chạm đến Chúa Giêsu, hay đúng hơn, ông đã được ngài chạm đến.
Người ta nói về Chúa Giêsu: “ Tất cả những ai chạm đến ngài đều đã được chữa lành.” ( Mc 6,36 ). Tất cả những ai chạm đến Chúa Giêsu Phục sinh đều được chữa lành khỏi những hoài nghi của mình, và bắt đầu thực sự sống nhờ ngài.
Sau cùng là loan báo Tin Mừng. Tôma đã kêu lên: “ Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh làm cho ông trở thành tông đồ và cùng một lúc, niềm tin đó là nội dung của đời tông đồ của ông. Ông sẽ ra đi loan báo việc phục sinh và xây dựng Giáo Hội.
*** Còn chúng ta, sự tỉnh thức đến niềm tin của chúng ta được thực hiện như thế nào ?- Đối với nhiều người và ngay cả đối với phần đông trong chúng ta, chúng ta đã được hưởng nhận chứng từ của cha mẹ, của các giáo lý viên, hay của các kitô hữu sống niềm tin của mình một cách chân thành. Không có những chứng từ này, chỉ một mình chúng ta thôi, có lẽ chúng ta rất khó mà khám phá ra Đức Kitô. Chắc chắn, chứng từ này không đủ. Cần phải thiết lập những nền tảng của một niềm tin bản thân. Thế nhưng, các chứng nhân đã giữ một vai trò quyết định. Là những người hưởng được sự trung gian này, thử hỏi đến lượt chúng ta, chúng ta có là những nhân chứng hay không ?-
Chúng ta cũng vậy, để tiến lên trong đức tin, chúng ta cần đến một cộng đoàn, một nhóm đối thoại, nơi mà mỗi người có thể báo cho biết những xác tín và những hoài nghi của mình. Các người dự tòng có kinh nghiệm với nhóm tháp tùng của họ. Chúng ta đừng có tưởng là, trên bình diện đức tin, tất cả đều ở trên cùng một làn sóng. Chúng ta cũng đừng đòi phải phủi sạch tất cả những chất vấn và hoài nghi. Sự chất vấn của chúng ta cũng có thể giúp người khác tiến lên, giống như sự hoài nghi của Tôma đã cho phép chính các tông đồ “ chạm” vào Đức Kitô Phục sinh. Chúng ta sẽ không bao giờ nói cho đủ rằng, chúng ta cùng nhau tiến triển trong đức tin, trong Giáo Hội.
Nếu chúng ta không đích thân đi đến với Đức Kitô, nếu chúng ta không chạm đến ngài trong kinh nguyện và trong các bí tích, cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ không được chữa lành, và đức tin của chúng ta sẽ mãi èo uột, không năng động. Làm thế nào trở thành người tín hữu thực sự mà không thực hành những cuộc gặp gỡ với Đức Kitô ?-
Nếu đức tin là một sự bày tỏ lòng tôn kính, thì ngay lập tức nó cũng làm cho trỗi dậy và lên đường để mang đến cho người khác chứng từ là, Đức Kitô hằng sống và làm cho sống. Người tín hữu đích thực không thể ym lặng và thụ động. Đức tin giống như ánh sáng “ người ta không thể đặt nó dưới cái thúng” ( Mt 5,15 ).
Bài đọc thứ nhất nói rằng, dân chúng khen ngợi các kitô hữu tiên khởi. Thử hỏi bây giờ trường hợp đó có còn hay không ?- Có, nếu người ta nhìn thấy nhiều người kitô hữu dấn thân, mang những giá trị Phúc Âm đến trong xã hội và Giáo hội. Không, nếu người ta phải nhận ra rằng, nhiều người được Rửa tội sống như không có niềm tin.
Chúng ta là loại tín hữu nào ?- Câu trả lời là cách sống đạo của mỗi người chúng ta.