Chữ Ngũ Tuần do tiếng Hy lạp và có nghĩa là thứ năm mươi. Từ ngữ này trước hết được dùng để chỉ tất cả thời gian Phục sinh, nghĩa là năm mươi ngày, từ Chúa nhật Phục sinh cho đến Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Vào thế kỷ thứ tư, từ ngữ này còn có một ý nghĩa thu hẹp hơn. Nó không còn chỉ ngày thứ năm mươi phục sinh nữa, mà còn là kết thúc Mùa Phục Sinh.
Tất cả chúng ta đều biết, Lễ Ngũ Tuần là ngày lễ của Chúa Thánh Thần. Theo sách Tông Đồ Công Vụ, khi đến ngày ngày lễ Ngũ Tuần, tức là năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua, Chúa Thánh Thần được trao ban cho các Tông đồ đang hội họp chung với nhau.
Biến cố được diễn tả một cách đầy màu sắc: một luồng gió mạnh thổi đến, rồi đến ngọn lửa dưới hình cái lưỡi đi đến đậu trên từng người. Nên nhớ là, Chúa Thánh Thần được trao ban không phải chỉ cho một vài người, mà là cho tất cả. Và những ơn huệ được ủy thác cho mỗi người thì khác biệt nhau. Các môn đệ nói những tiếng khác nhau, tùy theo ơn đã nhận được. Đó cũng chính là điều mà thánh Phaolô sau này đã nhấn mạnh, chỉ có một Chúa Thánh Thần, nhưng các ơn huệ thì khác nhau.
Chúng ta cũng vậy. Chúng ta được liên kết bởi Chúa Thánh Thần, mặc dù bằng những cách nhau. Tất cả chúng ta đều được Chúa Thánh Thần cư ngụ. Nhờ Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa. Nếu không tin điều đó, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa Giêsu, và không còn lý do gì để mà mừng lễ Hiện Xuống, bởi vì, lễ Ngũ Tuần, chính là ngày lễ của Chúa Thánh Thần được trao ban cho tất cả những ai tin vào Đức Kitô.
Đàng khác, từ lúc mà nhóm Mười Một nhận lấy Chúa Thánh Thần, thì các ông không còn như cũ nữa. Chúa Thánh Thần đã biến đổi các ông nên mới. Sức mạnh Thánh Thần sẽ làm cho các ông trở thành những người gan dạ, can đảm. Các ông đến giữa công trường, rao giảng Đức Giêsu Kitô đã chịu Khổ Nạn, chịu chết và sống lại vinh quang. Các ông đã liều mạng sống để làm chứng sự phục sinh của Đức Kitô.
Chúng ta cũng vậy. Không ai trong chúng ta đã lãnh nhận và còn lãnh nhận Chúa Thánh Thần chỉ để riêng cho mình mà thôi, chỉ để sống đời sống kitô hữu một cách ích kỷ, chỉ để hưởng thụ Thiên Chúa và sự bình an của ngài cho chính mình mà thôi. Thánh Thần được trao ban cho mỗi người luôn luôn là để xây dựng Gíáo Hội, và thực hiện sứ mạng của Giáo Hội. Đó là sứ mạng của tất cả mọi người. Tuy nhiên, có một số người có ơn gọi đặc biệt hơn để sống trong đời sống tận hiến của linh mục và tu sĩ.
Ngoài ra, Thánh Thần được trao ban để yêu mến. Để yêu mến và để đem ra thực hành giới răn yêu thương. Chúa Giêsu đã không bao giờ rao giảng một tình yêu theo cảm tính, mơ hồ, màu mè, ngây thơ. Ngài đã rao giảng một tình yêu có trách nhiệm, và dấn thân thực hiện chương trình của Thiên Chúa trên nhân loại.
Yêu thương, theo Chúa Giêsu và cách thế của ngài, chính là đón nhận người khác, cho dù họ có thế nào đi nữa, chính là cùng với họ chia sẻ, gánh vác nỗi khổ cực, gánh nặng của họ, chính là chia sẻ cho họ một ít cơm gạo, tình bạn; chính làm cho họ tự do... Được giải thoát nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng phải giúp người mà chúng ta gặp gỡ được tự do.
Yêu thương, theo Chúa Giêsu và cách thế của ngài, chính là kiên quyết đấu tranh, là từ chối tất cả những hình thức nô lệ, là phản kháng tất cả những gì làm cản trở tình yêu, tất cả những gì làm mất nhân tính con người.
Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động mạnh mẽ trên thế giới, và nơi mỗi người chúng ta. Thế nhưng, làm thế nào để nhận ra ngài ?- Thánh Kinh cho chúng ta những dấu chỉ này là: ơn huệ, tình yêu, công bình, sự nhiệt tình, lửa sốt mến, sự tha thứ, chân lý…
Những kitô hữu buồn rầu, không tin vào tương lai của Giáo Hội nữa, thì không được Chúa Thánh Thần ngự trị. Những kitô hữu chỉ thích chỉ trích tất cả mọi sự, không dám làm gì cả, cho rằng không còn gì để làm nữa, thì không được Chúa Thánh Thần tác động. Những kitô hữu không có niềm vui cũng vậy. Bởi vì Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, đó là lý do thứ nhất của một niềm vui vô biên, sung mãn.
Xin Chúa Thánh Thần ngự đến. Xin ngài đến trên chúng ta một cách dồi dào, và biến đổi chúng ta nên mới. Để chúng ta trở thành chứng nhân anh dũng trong cuộc sống đời thường. Đưa dẫn mọi người đến Ơn Cứu Độ muôn đời.