“ Đối với các con, Thầy là ai ?-“ Đó là một câu hỏi xưa cũ, nhưng cũng rất thời sự. Đức Kitô không ngừng kích thích sự tò mò của mọi thời đại. Người ta còn nói rất nhiều về ngài. Người ta viết về ngài rất nhiều. Người ta phác họa về ngài bằng những chân dung khác nhau. Ngài có phải chỉ là một con người hay không ?- Ngài có thực sự là Con Thiên Chúa hay không ?- Làm thế nào ngài có thể sống cả hai cùng một lúc: vừa thuộc về trời cao, vừa thuộc về trái đất ?-
Đối với dư luận, ngài có thể là Gioan Tẩy Giả hay tiên tri Êlia. Chắc chắn là một tiên tri. Một vị tiên tri lớn nhất ?- Còn đối với các tông đồ, khi trả lời: “ Thầy là Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa”, Phêrô nhân danh nhóm Mười Hai, dùng từ ngữ mà tất cả mọi người đều biết. Đó là Đấng mà Thiên Chúa xức dầu và Chúa Thánh Thần ngự trị. Con người được mong đợi này, được cầu khẩn này, thuộc dòng dõi vua David và sẽ đến cứu thoát Israel. Cứu thoát, nghĩa là giải phóng chính trị và làm cho dân Chúa trở nên mạnh mẽ trước tất cả mọi kẻ thù.
Chúa Giêsu không chối ngài là Đấng Cứu Thế, nhưng theo một nghĩa khác, sâu xa, xác thực và chính yếu. Ngài không phải là Đấng Cứu Thế như người ta nghĩ. Ngài là Đấng Cứu Thế theo con tim và theo chương trình của Thiên Chúa. Ngài sẽ xác định rõ: “Con Người sẽ đau khổ nhiều, bị loại bỏ, và ngày thứ ba, ngài sẽ phục sinh” ( 9,22 ). Các tông đồ chắc hẳn đã không hiểu lắm. Thái độ của các ông trong cuộc khổ nạn minh chứng điều đó. Các ông phải nhìn thấy ngài vẫn sống, ba ngày sau đó, để có thể hiểu được ý nghĩa những chữ mà Phêrô dùng.
Là Đức Kitô của Thiên Chúa, tuy nhiên, ngài là Đấng không được nhìn nhận như là ngài thực sự, bởi vì qua những yếu đuối của ngài, những vết thương, gương mặt bị biến dạng, sự ym lặng của ngài trước những sự lăng nhục và roi vọt, người ta đã không nhìn thấy sức mạnh và vinh quang của Đấng Tối Cao.
Chính vì thế mà chúng ta đừng vội tự hào là biết rõ ngài. Những từ ngữ chúng ta dùng, những hình ảnh đến trong đầu chúng ta khi nghĩ đến Chúa Giêsu, Đức Kitô của Thiên Chúa, có lẽ phải được gạn lọc, tinh luyện. Đối với chúng ta, Chúa Giêsu có phải là một người mạnh mẽ, hay là một người yếu đuối ?- Ngài có phải là một con người chiến thắng, hay là một người bị khuất phục ?- Ngài có phải là một người có thể làm được tất cả, hay là một người bị tước đoạt và câm nín trước những gièm pha, nói xấu ngài mà Phúc Âm nói đến ?-
Nhưng còn nữa. Sau khi xác định rõ ngài thuộc về loại Đức Kitô nào, Chúa Giêsu nhấn mạnh với các môn đệ: “ Ai muốn đi theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình mỗi ngày.” ( 9, 23 ). Những lời này rõ ràng cho thấy là, tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô bằng môi miệng thì không đủ để trở thành người thân của ngài. Nó đòi phải đi theo con đường ngài đã đi. Nó đòi phải liều mạng sống đi theo ngài. Nó đòi không được lùi bước trước sự hiến dâng hoàn toàn cuộc sống, khi hoàn cảnh đòi hỏi.
Điều đó cho thấy, không chỉ nhìn nhận rằng, thập giá của Đức Kitô của Thiên Chúa đã cứu thoát chúng ta, nhưng còn phải nhìn nhận rằng, cần phải vác lấy thập giá của chính mình để đón nhận ơn cứu độ của ngài.
Tất cả những điều đó là rất nghiêm túc, và sự tuyên xưng đức tin phải được công bố là rất đòi hỏi. Những từ ngữ nói rằng, vẽ đẹp và sự phong phú của ơn cứu độ, mà Đức Kitô đã thực hiện, không đủ. Cần phải liên kết hành động với lời nói. Thập giá của Đức Kitô phải là thập giá của chính người môn đệ.
Thập giá này cần phải được vác lấy mỗi ngày, nghĩa là luôn luôn. Điều đó rõ ràng là không muốn nói, tất cả đều là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, là nước mắt, lo lắng, và chết chóc thảm khốc trong mỗi giây phút; nhưng, có nghĩa là, mỗi ngày, giống như Thầy mình, người môn đệ sẽ sống trong khi trao hiến mạng sống ở một mức độ nhỏ hơn, thích hợp với mỗi người.
Vác lấy thập giá, trước hết chính lả đảm đương các bổn phận một cách có trách nhiệm. Chính là từ chối không chà đạp và xua đuổi người khác để chiếm cho mình một chỗ đứng. Chính là giảm bớt những thèm khát. Là đồng ý sở hữu ít hơn một chút để người khác có nhiều hơn một chút. Là dấn thân vào cuộc tranh đấu dẫn đưa đến chỗ dám lãnh nhận những xúc phạm, thiệt thòi: đấu tranh cho chân lý, cho công bình, cho quyền lợi của tất cả mọi người.
Bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành mời gọi chúng ta công bố rằng, Chúa Giêsu là Đức Kitô: Đức Kitô chiến thắng, nhưng cũng là Đức Kitô hy sinh chịu chết, để đem lại sự sống đích thực, sung mãn, vĩnh viễn.
Khi tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô, khi nhận lãnh Bánh Thánh mà Đức Kitô của Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, chúng ta hãy chấp nhận đi theo ngài, mỗi ngày, đến nơi nào ngài đưa chúng ta đến. Chắc chắn ở đó, chúng ta sẽ được cùng sống lại vinh quang với ngài.