“ Ai là người thân cận của tôi ?-“. Đó là câu hỏi mà người thông luật đã đặt ra với Chúa Giêsu, để qua đó có thể có được cách ứng xử tốt đẹp thích hợp, bảo đảm được sự sống đời đời. Phải chăng đó cũng là câu hỏi vẫn thường ám ảnh chúng ta trong cuộc sống thường ngày, để có thể bày tỏ tình yêu mến, lòng thương xót của người con Chúa ?-
Đối với thầy tư tế và trợ tế, trung thành với Lề Luật cũ, thì “người thân cận ” là gia đình, hàng xóm láng giềng, là bạn bè thân thích, người đồng đạo, các đồng nghiệp. Tuyệt nhiên không phải là những người xa lạ, ngoại bang, càng không phải là những kẻ thù địch… Vì thế, họ đã tránh qua một bên, tiếp tục bước đi, mà không quan tâm gì đến người bị nạn đang nửa sống nửa chết bên đường.
Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu, câu hỏi trên đây lại trở thành câu hỏi ngược lại: “ Ai đã tỏ ra là người thân cận với kẻ bị rơi vào tay bọn cướp ?-“. Phải chăng chính là người đã thực thi lòng thương xót với người bị cướp ?- Phải chăng chính là người đã ra tay cứu giúp, nâng đỡ kẻ đang gặp khó khăn, khốn khổ ?- Phải chăng chính là người đã trở nên gần gũi thực sự với người đang cần được giúp đỡ ?-
Mà, để trở nên gần gũi thì không dễ dàng gì. Cần phải có một trái tim biết rung động trước những đau khổ. Cần phải biết xúc cảm trước cảnh thương tâm của con người. Cần phải biết hành động để làm vơi nhẹ những gánh nặng của anh em. Nếu không sẽ trở thành giả tạo và vô ích.
Để trở nên gần gũi cũng cần phải có một sự sáng suốt và một sự tế nhị cao độ. Bởi vì, cứu giúp chứ không phải là ban ơn. Chia sẻ chứ không phải là bố thí. Tấm lòng chứ không phải là hình thức bên ngoài. Điều đẹp đẽ nhất trong cử chỉ của người Samaritanô là tính vô vị lợi của ông. Ong không màng tới một lời cám ơn. Ong đã làm những gì cần phải làm của một con người đối với con người theo tiếng lương tâm, theo tiếng gọi của đức ái.
Người Samaritanô trong câu chuyện chính là hiện thân của mẫu người thân cận. Và, Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy làm như vậy”.
Làm như người Samaritano, có nghĩa là đừng bắt chước thầy tư tế và trợ tế. Họ là những người có trách nhiệm phục vụ để Thiên Chúa được tôn vinh và phụng thờ trên hết mọi sự. Họ có lý do chính đáng để giữ sự tinh sạnh theo luật định, bởi vì “ ai chạm vào xác chết, hoặc một người chết.. sẽ bị ô uế trong bảy ngày”. Trong trường hợp đó, là tư tế và thầy trợ tế, họ sẽ không được làm việc phượng tự. Vì thế, họ đã ngoảnh mặt làm ngơ trước người bị hại mà họ tưởng là đã chết.
Thế nhưng, khi giữ luật như thế, họ lại phản bội lề luật quan trọng nhất là luật yêu thương, bác ái. Khi tưởng rằng tôn kính Thiên Chúa khi xử sự như thế, họ lại xúc phạm đến ngài. Bởi vì, Thiên Chúa đang ẩn mình dưới dạng một người đang gặp nạn. Đây không phải là lúc tra vấn xem nạn nhân là ai, thuộc thành phần nào, giới nào, giai cấp nào. Cũng không phải là lúc nhút nhát trốn lánh sau tấm bình phong đạo đức truyền thống, hay lề luật để được an toàn. Việc đạo đức và lòng sùng kính chỉ là những phương tiện non yếu và tạm thời, phải nhường chỗ cho đức bác ái là cái chính yếu tuyệt đối. Đức ái thể hiện trong tình yêu thương người lân cận là bằng chứng cụ thể tình yêu chân thành của chúng ta đối với Chúa.
** Không phải Lề Luật có thể cứu độ, cũng không phải các nghi thức và việc tuân giữ Lề Luật có thể giải thoát, nhưng chính là việc hoán cải tâm hồn và tình yêu được phục vụ trước hết. Hiểu luật theo cách của Chúa Giêsu là, không cần tìm xem ai là người thân cận, nhưng đúng ra là “ làm thế nào để trở nên người thân cận của ai đó đang cần sự giúp đỡ ”, là biết chạnh lòng thương, biết gạt bỏ mọi thành kiến về giai cấp và chủng tộc, về địa vị và tôn giáo, để chia sẻ, nâng đỡ, hy sinh và phục vụ. Khi cử hành bí tích Thánh Thể trong nhà thờ, chúng ta đã nhận biết và đón rước Chúa, thì sau khi tan lễ, ra về, chúng ta hãy cố gắng đừng giả bộ không nhận ra, hoặc lẩn tránh Chúa khi chúng ta gặp ngài bên vệ đường, nơi những người khốn khổ, đang cần sự giúp đỡ.
Hãy làm như người Samaritanô, thì chúng ta sẽ được sự sống đời đời.