Nhân một bữa tiệc nơi nhà của một thủ lãnh người Biệt phái, nhận thấy có nhiều khách mời tranh giành những chỗ trên trước, Chúa Giêsu liền đưa ra những hướng dẫn đúng đắn, cần thiết, hợp với tinh thần Phúc Am. Qua đó, thái độ khiêm nhường và vô vị lợi được đề cao, khi được mời dự tiệc và khi đứng ra tổ chức bữa tiệc.
Trong cuộc sống thường ngày, ai ai cũng mong muốn được thành công, đạt được những kết quả tốt đẹp, được nhiều người trọng vọng, được giàu có, thế lực, đứng trên hoặc đứng trước người khác. Vì thế, mới nảy sinh những cuộc tranh đấu quyết liệt dành những chỗ nhất trong mọi lãnh vực, trong mọi khía cạnh, từ gia đình cho đến xã hội. Chẳng hạn như việc chọn chỗ nhất trong các bữa tiệc.
Khi đưa ra tiêu chuẩn, “ ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”, Chúa Giêsu không nhằm chỉ dạy một cách thế xử sự khéo léo để được người khác ngợi khen. Ngài cũng không đưa ra một mánh khoé giả bộ tự hạ, để được người khác nâng lên. Mà chỉ muốn mỗi người hãy thành thật nhìn lại chính mình; hãy bình tâm chân nhận mình như thế nào, giá trị ra sao.
Thực ra, tự thâm tâm, con người có một nỗi lo thầm kín là sợ không được chỗ tốt, sợ bị thua thiệt trong cuộc đời. Nỗi lo sợ nầy làm cho mối tương quan giữa con người với nhau trở nên khó khăn. Vì không thể, hay không muốn nhìn nhận sự thực về chính mình, con người thường trông đợi vào sự đánh giá của người khác. Do đó mà phải cố gắng tìm cách “ đánh bóng” con người của mình, hoặc khoe khoang những gì mình không có, hoặc đóng kịch, phóng đại một vài khả năng nhỏ bé của mình để loè thiên hạ.
Chọn chỗ nhất, chủ yếu là vì chỗ đó danh dự hơn. Tự chọn chỗ danh dự là tự tô vẽ danh dự cho chính mình. Khi tự tô vẽ cho chính mình thì thường là chủ quan, sai lạc, không chính xác. Thực ra đó cũng là một hình thái của tính kiêu ngạo. Mà, kiêu ngạo là thái độ tự đánh giá mình một cách thái quá. Người kiêu ngạo che giấu những khiếm khuyết của mình và phóng đại những tính tốt. Cũng giống như trường hợp của người Biệt phái cầu nguyện trong đền thờ cùng với người thu thuế; người kiêu ngạo chỉ thấy những khuyết điểm của người khác, mà không nhìn thấy những bất toàn của mình. Tất cả những yếu đuối, ích kỷ, gian dối, thù hận… đều phát xuất từ kiêu ngạo.
Dĩ nhiên, con người không phải chỉ có toàn là những khuyết điểm. Con người cũng có những đức tính tốt. Thế nhưng, tính kiêu ngạo làm cho con người đi quá trớn. Cứ nghĩ là mình hoàn toàn, trọn hảo. Mà không nhớ là, tất cả những gì mình có đều được lãnh nhận từ Thiên Chúa. Một khi nhận ra chính Chúa là tác giả của moị việc tốt lành, thiện hảo, thì thái độ đúng đắn là khiêm nhường cảm tạ những ơn lành của Chúa.
Do đó, suy cho cùng, điều quan trọng không phải là sự thổi phồng chính mình, càng không phải là sự đánh giá của người khác, bởi vì họ cũng bất toàn, yếu đưối như mọi người. Điều cần phải quan tâm nhất, chính là con người phải nhận ra mình thế nào trước mặt Chúa. Thiên Chúa có tiêu chuẩn và thước đo thật khác với loài người. Trước mặt Chúa, con người không cần phải cậy dựa vào những sự tốt đẹp bề ngoài như y phục, địa vị, chức quyền, danh vọng… Chúa biết rõ từng người, từng chi tiết, từ tư tưởng, lời nói, việc làm. Chúa biết con người là không trước mặt Chúa. Nếu con người biết thành thật, khiêm nhường nhìn nhận thân phận của mình, thì Thiên Chúa sẽ nâng con người lên. Và như thế, mới thật là danh dự, hạnh phúc cho con người.
** Chúa Giêsu chẳng những yêu thích sự khiêm nhường, mà còn làm gương cho chúng ta. Là một Thiên Chúa quyền năng, nhưng ngài đã tự hạ mình làm kiếp phàm nhân. Là Chúa và Thầy của tất cả, nhưng ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Chỗ của ngài là chỗ nhất trên trời, mà ngài lại chọn chỗ cuối hết trong nhân loại. Là Đấng bất tử, mà ngài đã sẵn sàng chịu chết để cứu độ muôn người. Đó là một mẫu gương tuyệt hảo cho mỗi người chúng ta. Biết tự nhận mình không là gì trước mặt Chúa, chúng ta hãy trông cậy vào Chúa, phó thác vào tình yêu của Chúa, sẵn sàng hy sinh phục vụ Chúa trong anh em.
Sống được như thế, chúng ta sẽ được Chúa nâng lên, chung hưởng hạnh phúc với Chúa trong vinh quang của ngài.