Thứ Tư, 05 Tháng Tư, 2017 00:00
Chúa nhật Lễ Lá A ( Mt 26,14-27.66 )

Đọc bài Thương Khó theo thánh Matthêu, chúng ta rất ngạc nhiên khi nhận thấy rằng, trong suốt thời gian những gì xảy ra cho chính mình, Chúa Giêsu vẫn luôn luôn giữ thinh lặng. Người ta cố công vô ích tố cáo ngài một cách công khai và sai trái.

Sự thinh lặng này được giải thích là, bởi vì lúc bấy giờ, một sự mở lời cũng rất vô ích. Những sức mạnh của hận thù và bạo lực được tuôn trào chống lại Đấng được Thiên Chúa sai đến đã đến hồi kịch liệt. Chúng trở thành điên dại và không thể kiểm soát được. Chúng ta thấy ở đây, cơn giận dữ và sự điên cuồng, ngu ngốc của dân chúng đang hận thù dính chặt trong tim sẽ có thể đi đến đâu.

Sự thinh lặng của Chúa Giêsu còn là dấu chỉ của một tình yêu cao quý. Trong hoàn cảnh này, sự thinh lặng có giá trị nhiều hơn và cao quý hơn những gì mà ngài có thể nói. Chúa Giêsu bày tỏ sự sâu thẩm của sự gắn bó của ngài đối với những người mà ngài thương mến, đến độ bằng lòng chịu đau khổ và chịu chết thay cho họ. Kinh nghiệm cho thấy, có biết bao cha mẹ đã sống và đang sống cái cách yêu thương rất đáng trân trọng này. Những lời nói sẽ trở nên vô ích. Những lời nói có lẽ sẽ gây nên nhiều điều xấu hơn là điều tốt. Vì thế, hãy yêu mến trong sự thinh lặng.

Tuy nhiên, có một vài lần, Chúa Giêsu cất tiếng nói. Những lời nói của ngài rất ngắn, nhưng đã bày tỏ rất nhiều những gì đang ở trong nội tâm sâu xa của ngài vào cái lúc mà ngài sống cái thời điểm tuyệt vời “ Giờ của ngài ”. Chính vì Giờ Này mà ngài đã đến trần gian.

Trước hết là những lời trên bánh và rượu. “ Anh em hãy cầm lấy mà ăn; này là mình Thầy” – “ Tất cả anh em hãy uống, đây là máu Thầy”. Những lời này diễn tả sự tự hiến chính mình mà Chúa Giêsu thực hiện vì chiếu cố đến những người mà ngài yêu mến. Cử chỉ ngài thực hiện khi dâng bánh và rượu, là cử chỉ của một người chỉ muốn sống cho những người mà Thiên Chúa đã ủy thác cho mình. Cử chỉ này được thúc đẩy do tình yêu. Được thực hiện mà không có tình yêu, thì nó sẽ không thể hiểu được. Tình yêu được bày tỏ thì toàn diện, và được cụ thể hóa trong những đau đớn của cuộc Thương Khó. Những đau đớn của cuộc Thương Khó không phải là tình yêu, nhưng chúng chứng thực tình yêu. Chính ngài đã từng nói:“ Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người trao hiến mạng sống của chính mình.” ( Jn 15 )

Thứ đến là lời nói với những người phản bội. Khi đến giờ của cuộc Thương khó, Chúa Giêsu đã bị bỏ rơi bởi những người thân yêu. Thật là một cảnh tượng rất đáng buồn. Ba lần, ngài bị chối bỏ bởi một người thân yêu mà, ba lần, đã vênh vang tự đắc tuyên bố: “ Có thể tất cả những người khác sẽ bỏ rơi thầy. Còn con, không bao giờ ! Nếu cần, con sẽ liều chết để ở với Thầy.” ( 26 ).

Và còn có Giuda mà người ta không buồn nhắc đến. Và, Chúa Giêsu đã đối xử với Giuda thế nào ?- Đứng trước những sự hèn nhát như thế, có phải chăng là chuyện bình thường khi người ta phẫn nộ, lên giọng, lớn tiếng và buộc tên phản bội phải nhìn thẳng vào cái cử chỉ đê tiện của hắn ?- Thực tế, không có gì xảy ra cho hắn. Đơn giản chỉ là một lời gây chưng hửng: “ Này anh bạn, hãy làm công việc của anh đi !” ( 26,50 ).

“ Hỡi bạn !” Ngài phải nói “ Hỡi bạn !”, bởi vì tình yêu của ngài là vĩnh viễn. Ngài cũng xử y như thế, đối với chúng ta.

Rôi, những lời với Thiên Chúa Cha. Một vài lời nói với Thiên Chúa Cha trong cuộc Thương Khó là những lời bày tỏ nhiều hơn hết những gì động viên, khích lệ ngài.

Bắt đầu cơn hấp hối, ngài thưa với Chúa Cha: “ Lạy Cha, nếu có thể, thì xin cho chén này xa khỏi con ! Tuy nhiên, không phải như con muốn, nhưng xin theo như ý Cha.” Chúng ta sẽ không có lý do gì để làm nhẹ đi tính chất sâu sắc của đau khổ mà Chúa Giêsu cảm thấy. Thánh Matthêu không ngần ngại nói về “ sự lo lắng”“ buồn phiền đến chết đi được”. Tuy nhiên, sự buồn phiền cùng cực này và sự lo lắng khủng khiếp này sẽ không làm Chúa Giêsu quay lưng lại với sứ mạng của ngài. Ngài phục vụ Thiên Chúa Cha từ buổi sáng nhập thể. Ngài đã đến không phải để làm theo ý riêng của ngài, nhưng là ý muốn của Đấng đã sai ngài đến trên trần gian. Ngài sẽ trung thành với chính mình và trung thành với Chúa Cha cho đến cùng. Điều đó không ngăn cản ngài hết lòng van nài với Chúa Cha: “ Nếu có thể được…”. Thế nhưng, điều đó không thể được. Và, ngài đã vâng theo.

Một lời khác của Chúa Giêsu lôi cuốn sự chú ý của chúng ta. Nó được thốt ra trên thập giá: “ Lạy Chúa của con, sao Chúa đã bỏ con ?-“ Những lời này diễn tả một sự cô đơn nặng nề và đau khổ da diết, vào lúc Đức Kitô đang sắp chết. Chúa Cha đang ở đó, nhưng ngài không tỏ mình ra. Cũng vậy đối với chúng ta, rất nhiều lần. Chúng ta thấy Thiên Chúa mà chúng ta đưa tay ra hướng về, dường như rất kín đáo, rất xa xôi và rất thinh lặng.

Cần phải có đau khổ, loại bỏ, cô đơn và chết đi, để Đức Kitô sinh ra trong sự Phục Sinh. Con đường Phục Sinh này cũng là con đường của chúng ta. Chúng ta đã được báo trước: Trước khi chia sẻ vinh quang của Đấng Phục Sinh, chúng ta sẽ phải tham dự vào sự tự hạ mình xuống. Bởi vì, “ Môn đệ không hơn Thầy”.

Mầu nhiệm này thật lớn lao ! Phúc cho chúng ta hiểu biết được điều đó, tin vào nó và có thể sống nhờ nó, ngay từ bây giờ.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com