Thứ Năm, 27 Tháng Tư, 2017 00:00
Chúa Nhật III Phục Sinh Năm A ( Lc 24, 13-25 )

Tâm trạng của hai môn đệ trên đường Emmaus vào buổi chiều Phục Sinh thật bi đát. Cả hai hoàn toàn thất vọng. Các ông đã nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thoát Israel và đặt trọn niềm tin nơi ngài. Thế nhưng, niềm hy vọng đó bỗng chốc tan thành mây khói: Chúa Giêsu bị bắt, bị đối xử một cách tồi tệ, bị đóng đinh vào thập giá, và chịu chết như một tên tội phạm tầm thường. Niềm hy vọng của các ông bị chôn vùi với ngài trong ngôi mộ vắng. Buổi sáng sớm, một tia hy vọng lóe lên: các phụ nữ trong nhóm đã nhin thấy ngôi mộ trống không, thân xác của Chúa Giêsu đã biến mất; Phêrô và Gioan cũng xác nhận sự việc đó; sau đó, các bà còn khẳng định là đã gặp Chúa Giêsu Phục Sinh. Các ông chờ đợi đến chiều, nhưng vẫn không thấy ngài đâu cả. Thế là hết. Mất tất cả. Từ bỏ tất cả, rời xa Giêrusalem, họ ủ rũ trở về làng quê.

                        Dọc đường, một người khách lạ nhập đoàn. Qua trao đổi, nhờ người khách lạ giải thích Kinh Thánh, tim các ông rực sáng; sau đó, ngồi vào bàn ăn, qua nghi thức Bẻ Bánh, tức cử hành Thánh Thể, người khách cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông; các ông liền nhận ra chính là Chúa Giêsu hằng sống, phục sinh với những cử chỉ quen thuộc. Đó cũng chính là lúc ngài biến mất. Vui mừng khôn tả, các ông vội vàng trở lại Giêrusalem, báo tin mừng cho các tông đồ.

                        Câu chuyện nầy có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau.

                        Trước hết, đó là một bằng chứng xác nhận Chúa Giêsu đã sống lại. Bởi vì, những người biết ngài, nhìn thấy ngài đã chết, bây giờ đã nhận ra ngài hằng sống. Các ông đã tiếp xúc, chuyện trò, ăn uống với ngài như với một con người bình thường.

                        Đồng thời, đó cũng là tiến trình biến đổi, sám hối, ăn năn. Bắt đầu là cảm giác thât vọng, chán nản, hụt hẫng: Chúa Giêsu đã chết. Ảo tưởng về một Đấng giải thoát Israel cũng đã vụt tắt. Sau đó, nhờ được Lời Chúa giải thích, tinh thần các ông được củng cố, an ủi; tâm hồn các ông cảm thấy nhẹ nhàng, hy vọng. Khi nhận ra người khách lạ là Chúa Giêsu Phục Sinh, các ông vui mừng quay trở lại Giêrusalem, loan báo Tin Mừng cho anh em. Đó là sự trở lại, quay về với niềm tin, hy vọng và sự sống.

                        Điều đáng để ý ở đây là cách thức từng bước một Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các ông. Các ông đang buồn bã bước đi, Chúa Giêsu tiến đến gần. Đó là cử chỉ đầu tiên của Đấng Phục Sinh. Ngài đến gần các ông lúc các ông đang nói về ngài. Phải chăng có một sự tương quan nào đó giữa việc nói về ngài và việc ngài đến, giữa Lời Chúa và chính Chúa Giêsu Phục Sinh.

                        Ngài giúp các ông dần dần nhận ra ngài. Lúc đầu, đối với các ông, ngài chỉ là: Ong Giêsu Nagiaret. Sau đó, đi xa hơn, các ông nhận ngài là Đức Kitô, Đấng Cứu Thế. Sau cùng, với cộng đoàn ở Giêrusalem, các ông tuyên xưng ngài là Chúa. Cũng tiến trình đó, các ông nhận ra căn tính của Chúa Giêsu từng bước một. Lúc đầu là, ngài hằng sống; sau đó, ngài bước vào vinh quang của ngài; và sau cùng trong cộng đoàn: « ngài đã phục sinh ».

                        *** Như các môn đệ Emmaus, nhiều lúc chúng ta cũng dễ dàng rơi vào chỗ hoang mang, bối rối do chương trình kỳ lạ của Thiên Chúa mà không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu thấu. Trong những cơn thử thách và thất bại, chúng ta dễ dàng buông xuôi, chán nản, rồi đi đến chỗ nghi ngờ Thiên Chúa, nghi ngờ tình yêu của ngài. Trong những trường hợp như thế, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ trên đây. Hãy thổ lộ tất cả những khó khăn, uẩn khúc của chúng ta cho ngài, và lắng nghe ngài nói với chúng ta. Bấy giờ, chúng ta sẽ tìm thấy lại sự bình an và niềm tin; chúng ta sẽ hiểu Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu thương yêu chúng ta dường nào.

                        Hai môn đệ trên đây đã nhận ra Chúa Phục Sinh nhờ ở Kinh Thánh và Tiệc Thánh Thể. Cũng vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh ở lại với chúng ta trong Kinh Thánh, trong Lời Chúa mà chúng ta lắng nghe, suy gẫm trong thánh lễ mỗi ngày. Ngài ở lại với chúng ta trong tiệc Thánh Thể mà ngài trao ban cho chúng ta bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Chính Lời Chúa và Tiệc Thánh Thể sẽ củng cố nơi chúng ta niềm tin vào sự phục sinh của chúng ta, sẽ trao ban cho chúng ta sức mạnh và can đảm chu toàn sứ mạng được trao phó, trên đường tiến về quê trời. Chúng ta hãy biết tận dụng những phương thế quý giá đó để có thể đón nhận Đấng Cứu Độ chúng ta.

                        Và sở dĩ chúng ta có mặt ở đây là vì, vào một lúc quyết định nào đó trong cuộc đời, đã có ai đó cùng đi đường với chúng ta, đã giúp chúng ta gặp gỡ Đức Kitô hằng sống. Đó là cha mẹ, là bạn bè, là người thân...Dĩ nhiên chúng ta phải cám ơn các vị ấy rất nhiều. Thế nhưng, về phía chúng ta, chúng ta cũng phải tự hỏi: chúng ta phải chọn con đường nào để có thể có cơ may được gặp Đấng Phục Sinh đang đến với chúng ta ?- Đối với những người cùng đi với chúng ta trên đường đời, chúng ta là ai ?- là những người qua đường dửng dưng, hay là những người biết giúp họ khám phá ra niềm tin ?- Trên đường Emmaus, hai người bộ hành bước đi buồn bã, Chúa Giêsu đã đến với các ông, giúp đỡ các ông. Còn với những người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống, ai trong chúng ta sẽ là người nói cho họ biết Đức Kitô đã sống lại, ngài là ơn cứu độ của mọi người ?-

                        Câu trả lời chính là chúng ta có sống bác ái yêu thương, bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày hay không vậy.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com