Trong tâm thức của nhìều người, hôm nay không phải là một ngày thứ sáu như những ngày thứ sáu khác. Đó là một ngày gợi lên sự đau khổ và chết chóc. Đau khổ và chết chóc là những thực tại thuộc về con người. Đó là những thử thách khắc nghiệt cho tất cả mọi người. Thế nhưng, con người này của đồi Calvê, như lời của một trong hai tên trộm cướp cùng chịu đóng đinh đã nói: “ Ong ta không làm gì cả. Ong ta vô tội”. Cũng chính vì thế mà ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đặt lên hàng đầu một sự thật đau lòng là: người ta ra sức chống lại một người vô tội, chống lại một người chỉ muốn phục vụ, chữa lành và yêu thương.
Tiên tri Isaia đã phác họa lên chân dung cảm động của người tôi tớ đau khổ, bị khinh khi, bị mọi người bỏ rơi, giống như người phong cùi mà người ta quay lưng lại, xem như không là gì cả, trong khi ngài đã không làm gì bất công, không nói lời gian dối.
Quả thật là hết sức tương phản giữa con người bị sỉ nhục, nghiền nát này của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và công trình được thực hiện bởi Đấng công chính hóa nhiều người, nhờ sự đau khổ của ngài.
Lời kinh nguyện mà chốc nữa chúng ta sẽ đọc, sẽ liên kết với lời tiên tri Isaia do mối ưu tư về tính phổ quát của ơn cứu độ, không quên một ai, không loại trừ một ai ra khỏi sự hòa giải này trong Chúa Kitô. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi thấy trong việc cử hành nghi lễ chiều nay, không có gì cho thấy vẻ tang chế. Các linh mục mặc phẩm phục màu đỏ thẩm. Tất cả mời gọi đừng lẫn lộn giữa Thương khó và bất hạnh.
Đó cũng là một phụng vụ rất có ý nghĩa, rất phổ biến. Một khoảnh khắc quan trọng là khoảnh khắc khám phá ra cây thập giá. Dường như là người ta suýt không nắm bắt được ý nghĩa và tầm quan trọng của nó. Giáo Hội che giấu thập giá trong một lúc, để có thể lôi cuốn sự chú ý của chúng ta hơn về cây gỗ mà trên đó ơn cứu độ nhân loại được treo lên. Cây thập giá từ trước đến giờ, được treo khắp nơi, trong nhà thờ, trong gia đình.. trở thành quá quen thuộc. Thật rất đáng tiếc nếu chúng ta đánh mất ý nghĩa và quyền lực của nó. Vì thế, Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta ra khỏi những thói quen nhàm chán, và hãy nhìn thập giá với cái nhìn mới.
Thập giá nói gì với chúng ta ?- Trước hết, đó không phải là dấu chỉ của sự thất bại, hay nhẫn nhục, mà là một dấu chỉ phản kháng và chiến thắng. Chúng ta có một Thiên Chúa không đành chấp nhận những bất hạnh và đau khổ của chúng ta. Ngài đón nhận chúng và chống lại tất cả những gì làm hư hỏng con người, như: tiền bạc, kiêu ngạo, quyền lực, ham muốn thống trị, ích kỷ dưới mọi hình thức và tất cả mọi hình thái chết chóc. Tất cả những tội lỗi thế gian, ngài đã đóng đinh vào thập giá. Thử hỏi, đâu là chiến thắng của tử thần, khi mà cái chết chỉ có thể lấy đi một thân xác bầm dập, già nua, bị sự dữ gậm nhấm. Còn ngoài ra, nó không chiếm lấy được cái gì chính yếu cả.
Cuộc Thương Khó nhấn mạnh đến phẩm cách và sự tự chủ của Chúa Giêsu trong cuộc đối thoại với những người đưa ngài đến cái chết. Tất cả khiến nghĩ đến một dáng đi oai nghiêm đến chiến thắng. Và thập giá được xem là ngai vàng vinh quang.
Chiều mai, trong Canh thức Vọng Phục Sinh, chúng ta sẽ thấy, cây thập giá cũng được khắc sâu trên đó. Điều đó nhắc chúng ta nhớ, Đấng Phục Sinh, “ Anh sáng muôn dân”, cũng là Đấng chịu đóng đinh ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Không phải là đặt kề bên nhau, mà là nhân quả của nhau. Đức tin, chính là mối liên kết này. Cần phải qua thập giá để đi tới phục sinh vinh quang.