Ai tuân giữ luật Chúa Giêsu truyền là dấu chỉ cho thấy người ấy yêu mến ngài. Ai yêu mến Chúa Giêsu thì sẽ được Chúa Cha yêu mến. Và như thế, chính là hạnh phúc đích thực, vĩnh cửu. Biết như thế, nhưng trong đời sống đạo thường ngày, chúng ta đã vâng giữ lệnh Chúa như thế nào ?- Nói khác đi, đâu là tinh thần của sự vâng giữ các giới luật của Chúa ?-
Trước hết, có người xem các giới luật Chúa như là cái gì hạn chế sự tự do của mình. Điều đó giống như một điều chúng ta ghét nhưng vẫn phải làm. Một điều mà chúng ta chỉ mong dẹp đi thì thích hơn. Chẳng hạn như, trước lời dạy phải yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù nghịch, chúng ta đặt câu hỏi: tại sao phải tha thứ cho kẻ thù ?- tại sao không cho kẻ làm hại chúng ta một bài học đích đáng ?- Trong trường hợp này, chúng ta thi hành lệnh của Chúa một cách “cực chẳng đã”, miễn cưỡng.
Thứ đến, có người xem các huấn lệnh của Chúa như những chỉ dẫn giúp mình thăng tiến. Chẳng hạn như các nghiên cứu y học cho biết rằng, không chịu tha thứ, giữ mối hiềm thù, hay tìm cách trả đũa… thì sẽ làm tổn hại cho chính bản thân mình trước hết. Lưỡi gươm chúng ta dùng để gây thương tích cho kẻ thù sẽ đâm vào chính chúng ta trước. Bởi vì sự lo lắng, lòng căm giận, mối thù hằn sẽ luôn ám ảnh tâm trí, gậm nhấm thân xác, khiến chúng ta luôn sống trong sự bất ổn, mất bình an. Vì thế, nếu biết tha thứ theo huấn lệnh Chúa, thì sẽ bảo đảm được sức khỏe, sống an vui, thư thái.
Sau cùng, cách thứ ba là của những người quan niệm rằng, các huấn lệnh của Chúa là những lời mời gọi yêu thương, thân mến. Sở dĩ chúng ta vâng lệnh ngài là vì chúng ta yêu mến ngài. Yêu ai là muốn làm theo ý người ấy, là sẵn sàng thực hiện những gì làm người ấy vui lòng. Chẳng hạn trong trường hợp này, có thể lúc đầu chúng ta không biết lý do tại sao chúng ta tha thứ, nhưng chúng ta cứ làm, vì Chúa Giêsu muốn chúng ta làm. Dần dần chúng ta hiểu ra là, sở dĩ Chúa muốn chúng ta tha thứ, là vì mọi người đều là anh em, có cùng một Cha trên trời, cùng được Chúa Giêsu cứu chuộc, và có cùng một định mệnh tương lai là hạnh phúc Nước Trời. Đây là cách biểu lộ tình yêu của chúng ta đối với ngài.
Đây là một dịp rất tốt để chúng ta nhìn lại chính mình. Chúng ta hãy kiểm điểm lại tại sao chúng ta vâng phục ?- Do động cơ nào ?- Tại sao chúng ta tuân theo các huấn lệnh của Chúa ?- Phải chăng vì sợ bị trừng phạt, hay vì hy vọng được tưởng thưởng, hoặc là do tình yêu của chúng ta đối với ngài ?- Tùy theo thái độ sống mà mỗi người có thể nhìn biết lý do tiềm ẩn của hành động. Tùy theo ý hướng nội tâm mà công việc mỗi người có giá trị hay không. Bởi vì, nếu không có tinh thần siêu thoát, thì con người sẽ làm việc một cách thụ động, hành động một cách tính toán, ích kỷ.
Một tôn giáo chỉ xây dựng trên sự sợ bị trừng phạt và mong được tưởng thưởng thì luôn luôn tìm kẽ hở để len lách, không sai phạm theo hình thức bên ngoài. Từ đó đưa đến những cách suy nghĩ tiêu cực. Chẳng hạn như, Chúa truyền phải giữ ngày Chúa nhật, thì, nếu giữ luật vì bị bắt buộc, chúng ta sẽ đi lễ trễ về sớm, hoặc đến cho có mặt, nhưng lòng trí để đâu đâu, không quan tâm, tha thiết. Dâng tay này, lấy lại tay kia. Trái lại, một tôn giáo được xây dựng trên tình yêu thì luôn luôn tìm cơ hội phục vụ, hy sinh, theo gương của Chúa. Tuân giữ luật là vì yêu thương. Thi hành ý Chúa với tất cả tâm hồn, với tất cả con tim. Bởi vì, những giới luật và những huấn lệnh là những con đường tình yêu chắc chắn đưa dẫn đến hạnh phúc đích thực. Không những cho riêng mình, mà còn cho cả những anh em chung quanh. Và đó là dấu chứng tỏ chúng ta yêu mến Chúa.