Thứ Ba, 29 Tháng Tám, 2017 00:00
Chúa nhật XXII Quanh năm A ( Mt 16, 21-27 )

Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ về lý lịch của ngài, thì chính Phêrô đã trả lời: “ Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Một câu trả lời tuyệt vời. Chữ “ Đức Kitô” chỉ một người được tuyển chọn và được Thiên Chúa xức dầu để trở thành người cứu độ dân tộc. Đó chính là vai trò của Chúa Giêsu. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là khi khẳng định Chúa Giêsu là Đức Kitô, là Đấng Cứu Thế, thì Phêrô đã suy nghĩ trong đầu như thế nào ?- Ông quan niệm Đấng Cứu Thế ra sao ?- Có phải đúng như Chúa Giêsu quan niệm hay không ?-

Chắc chắn là không. Ông nghĩ đến một Đấng Cứu Thế sẽ giải phóng người Do Thái thoát khỏi ách thống trị của người Roma. Ông mơ đến một Đấng Cứu Thế vinh quang và hùng mạnh như những vị quân vương vĩ đại. Vì thế, Chúa Giêsu mới bắt đầu soi sáng và điều chỉnh cho đúng. Ngài sẽ phải đi Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ do các kỳ lão, các thượng tế và luật sĩ, sẽ bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.

Hoàn toàn ngược lại với hình ảnh Đấng Cứu Thế đang được mong đợi. Không phải là một Đấng Cứu Thê uy quyền, mà là một con người yếu đuối. Không phải một Đấng Cứu Thế thống trị, mà là một con người dễ bị bắt giữ và đem đi giết. Không phải là một Đấng Cứu Thế mà mọi người ca tụng và hoan hô như những “ siêu sao”, mà là một con người bị hành hạ và đóng đinh vào thập giá. Vì thế, chúng ta dễ hiểu phản ứng của Phêrô. Ông phản đối và can ngăn Thầy. Câu trả lời của Chúa Giêsu như tát vào mặt ông. Ông bị xem như là Satan, làm cản trở con đường của Chúa. Ý nghĩ của ông không phải là ý nghĩ của Thiên Chúa, mà là của loài người.

Phải cần có thời gian cho Phêrô, và cho tất cả các môn đệ khác để hiểu rằng, ơn cứu độ được Chúa Giêsu mang đến nhất thiết phải trải qua trong đau khổ, loại trừ và giết chết. Điều đó sẽ được hiểu rõ vào sáng hôm sau ngày Chúa sống lại, khi Đức Kitô hiện ra cho các người thân của ngài. Bấy giờ, họ sẽ hiểu rằng, những đau khổ và ngọn núi sọ của người mà họ yêu mến không phải là vô ích, và đã không dẫn đến thất bại, mà là một con đường ngài phải đi qua để trở thành người đem sự sống Thiên Chúa cho nhân loại.

Nếu chỉ có thế, thì chắc chắn chúng ta không gặp khó khăn mấy để hiểu và chấp nhận. Chúa Giêsu phải đau khổ và chết đi để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Điều đó cho thấy và chứng minh quyền năng tình yêu của ngài và sự trung tín với số phận của ngài. Và điều đó mời gọi chúng ta qui hướng về ngài, để cám ơn ngài về những ơn lành ngài đã thực hiện cho chúng ta.

Tuy nhiên, ngài tiếp tục những huấn dụ liên quan đến chúng ta ở một đỉnh điểm cao nhất. Ngài nhắc nhở, ai muốn theo ngài, phải từ bỏ mình, vác thập già của mình. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai mất mạng sống vì ngài thì sẽ giữ lại được sự sống. Như thế, không chỉ đón nhận và trân trọng những gì mà Đức Kitô đã sống cho chúng ta, mà chúng ta còn phải dấn thân trọn vẹn bước theo ngài, trên một con đường giống như ngài đã đi qua. Phúc Âm và cuộc sống của Đức Kitô không phải chỉ là để chiêm ngưỡng, mà là để noi theo, bắt chước.

Rõ ràng là, chính Đức Kitô và chỉ có ngài đã cứu độ chúng ta. Không ai trong chúng ta có thể đạt được ơn cứu độ do sự trong sạch và hành động ngay thẳng của chính mình. Và rõ ràng là ơn cứu độ được trao ban cho những ai đã trở nên môn đệ của ngài. Trở thành môn đệ, nghĩa là đi theo con đường đã được ngài vạch ra. Nghĩa là phải đồng ý đón nhận thập giá của chính mình để trở nên người tham dự vào chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi, hận thù, bất công và sự chết.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com