Trong cuộc sống thường ngày, góp ý, sửa lỗi cho nhau, là một vấn đề không đơn giản, nhiều khi rất phức tạp, gay go. Bởi vì, tự bản chất, đó là một việc lành, giúp nhau thăng tiến, xây dựng cộng đoàn, nhưng cũng rất dễ dẫn đến sự nghi kỵ, bất hoà, chia rẽ. Suy nghĩ đó cũng có thể dẫn đến những thái độ tiêu cực, thờ ơ, bàng quan, mặc kệ, dửng dưng.
Theo Chúa Giêsu, để có thể giúp người anh em lầm lạc trở về đường ngay nẻo chánh, trước hết hãy gặp riêng người anh em đó, trao đổi với tất cả sự chân thành và nhân ái, hãy tỏ ra sự kín đáo, tế nhị và tôn trọng. Nếu không thành công, hãy mời một, hai người khác đến làm chứng thuyết phục; đây không phải chỉ là gây áp lực tâm lý, mà còn cho thấy tính cách khách quan và xác thực hơn. Nếu cách nầy cũng không xong, thì mới nhờ đến cộng đoàn. Sau cùng, nếu đương sự không chịu nghe theo cộng đoàn, thì hãy kể anh ta như một người dân ngoại hay thuộc hạng thu thuế.
Như chúng ta đã biết, tất cả Lề Luật đuợc gồm tóm trong hai giới răn: kính mến Chúa và yêu thương anh em. Thực ra, khi yêu mến Thiên Chúa, chúng ta tuân giữ các giới răn của ngài, trong đó có cả giới răn yêu mến anh em. Một khi yêu mến anh em, chẳng những chúng ta không làm điều gì xấu cho anh em, không ước muốn điều dữ cho anh em, mà còn cố gắng tìm kiếm điều lành, việc tốt cho anh em.
Đàng khác, tất cả những gì chúng ta làm cho anh em là chúng ta làm cho chính Chúa. Và đến ngày tận thế, Chúa Giêsu sẽ căn cứ vào những việc đó mà ân thưởng, hoặc loại trừ chúng ta.
Cũng nên nhớ rằng, bổn phận bác ái, không phải chỉ gồm những việc lành phần xác, mà còn và nhất là những việc lành phần hồn. Do đó, bổn phận của chúng ta là phải cảnh báo tội nhân, giúp cho anh ta khỏi rơi vào chỗ tội lỗi, để khỏi bị luận phạt. Chính Chúa Giêsu đã đưa ra những chỉ dẫn và làm gương cho chúng ta. Ngài đi đến với tội nhân và niềm nở đón tiếp họ. Vì thế, mọi Kitô hữu đều có trách nhiệm đối với người khác. Chúng ta hãy tìm cách đưa họ ra khỏi cảnh khốn quẩn lầm than của họ.
Dĩ nhiên chúng ta phải có can đảm để gọi mặt chỉ tên cái gì là xấu. Nhưng chúng ta không được quyền xét đoán họ, càng không được kết án họ, bởi vì tất cả chúng ta đều là kẻ có tội. Chính khi niềm nở đón tiếp họ, tỏ cho họ tình huynh đệ, nhất là khi cầu nguyện cho họ và làm gương sáng bằng một đời sống kitô hữu thật sự, mà chúng ta sẽ giúp họ thoát khỏi tình trạng tội lỗi của họ.
Như thế, điều kiện để cho việc góp ý, sửa sai được tốt đẹp là phải có lòng bác ái, yêu thương. Ngoài ra, còn phải để ý đến những yếu tố khác cũng rất quan trọng, giúp cho việc lành nầy được trọn vẹn. Chẳng hạn như phải khôn khéo lựa chọn những nơi, những lúc thích hợp hướng dẫn anh em; phải hiểu biết tâm lý, thông cảm, kiên nhẫn, tế nhị để cho người lầm lạc dễ dàng chấp nhận trở về.
*** Thánh Augustinô cho biết, nếu chúng ta không sửa lỗi anh em, thì chúng ta xấu hơn tội nhân. Người phạm tội ví như người bị thương nặng. Lẽ nào chúng ta thờ ơ với người bị thương nặng ?- Chúng ta sẽ bị có tội nặng hơn vì sự yên lặng của chúng ta trước sự sỉ nhục mà anh ta phải chịu. Do đó, hành vi sửa lỗi anh em, góp ý xây dựng không chỉ vừa là trách nhiệm, mà đồng thời cũng là Dấu Chỉ Yêu Thương, của Tình Bác Ai huynh đệ kitô giáo vậy.