Chỉ có một dấu chỉ duy nhất cho biết thuộc về Nước Trời, đó là trung thành theo thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng khẳng định điều đó khi xác quyết: không phải cứ nói với Chúa: Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng chính là làm theo ý Cha Ta, Đấng ngư trên trời.
Ngài còn nói thêm một dụ ngôn khác: người kia có hai người con. Ông ta nói với đứa con thứ nhất, này con, con hãy đi làm vườn nho Cha. Nó trả lời: con không muốn; nhưng sau đó, hối hận, nó liền đi. Người Cha nói với đứa con thứ hai cũng những lời như thế. Nó trả lời: đồng ý; nhưng nó không đi. Vậy ai trong hai người con đã làm theo ý Cha mình ?- Chúng ta đã biết câu trả lời.
Dụ ngôn này trước tiên nhắm vào những người Do thái. Thế nhưng, qua họ, cũng nhắm đến mỗi người chúng ta. Chúng ta thưa xin vâng, khi chúng ta đã nhìn ra tính cách hợp pháp của luật Thiên Chúa, và chúng ta hứa tuân theo. Thế nhưng rất thường khi, chúng ta tiếp tục sống hay chúng ta bắt đầu sống mà không quan tâm gì đến thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta tin là mình đang sống trong Nước Trời, bởi vì ngày xưa chúng ta thành thật xin vâng; thế nhưng, rất thường khi có cái gì đó nơi chúng ta thoát khỏi thánh ý Thiên Chúa mời gọi chúng ta đi đến với Nước Trời. Có thể có sự trùng hợp giữa thái độ của chúng ta và thánh ý Chúa. Thế nhưng, một khi có sự bất đồng giữa thánh ý Chúa và ý muốn riêng tư của chúng ta, thì thường là ý riêng của chúng ta lại trổi vượt hơn. Chúng ta vâng theo những khát vọng và những thay đổi thất thường của chúng ta.
Mà, chúng ta biết rằng, sống trong Nước Trời không hệ tại ở việc đăng ký, ghi tên. Vào Nước Trời đòi hỏi một ước muốn sống động và liên tục, một sự chấp nhận kiên trì và hiện tại của Thánh ý Thiên Chúa trên chúng ta. Đó là một tiếng xin vâng được nhắc đi nhắc lại thường xuyên. Ngược lại, cái thường xuyên nơi chúng ta lại là sự bất trung.
Đặc biệt có một cách thế tránh thoát thánh ý Thiên Chúa mà vẫn tin là làm theo ý ngài; đó là khuyết điểm thường thấy nơi các nhà trí thức. Điều đó hệ tại ở việc lẫn lộn thực tại một sự vật với dự án, tư tưởng, ý nghĩ về sự vật đó. Người ta có thể đã suy nghĩ rất chính chắn về một điều gì đó, cảm nhận sự vật đó và biểu dương nó trong tinh thần, và lại sống một cách hoàn toàn khác. Một sự biến dạng nào đó trong thái độ trí thức của chúng ta làm chúng ta không thể đo lường sự chênh lệch. Tuy nhiên, không có sự lưu trú dứt khoát trong Nước Thiên Chúa. Nếu không tìm cách vào đó trong mỗi giây phút, thì chúng ta đã ra khỏi mà không hay biết.
Nước Thiên Chúa, đối với mỗi người, chính là một lời đáp trả tiếng gọi riêng tư, bản thân. Đó là một sự tán thành ý muốn của chính Thiên Chúa, một thánh ý thay đổi tùy theo mỗi người, và cũng thay đổi nơi chúng ta tùy theo những hoàn cảnh cụ thể. Chương trình của Thiên Chúa, nhìn về phía con người, không phải là một thứ luật lệ được thiết lập một lần cho tất cả, nhưng là một ý muốn tiệm tiến, tuần tự; nó được bày tỏ từ từ tùy theo những nhu cầu thực hiện của Giáo hội và tùy theo năng lực bản thân của chúng ta. Nước Thiên Chúa không phải là một cái gì đã làm sẵn để nghỉ ngơi trên đó. Chúng ta phải luôn luôn đi theo Chúa Giêsu, mà không bao giờ biết trước con đường. Chúng ta phải luôn luôn phân định điều Thiên Chúa hiện giờ đang chờ đợi nơi chúng ta. Những đòi hỏi của Thiên Chúa trên chúng ta có thể lớn lên: có thể là đòi hỏi nơi chúng ta ngày hôm sau điều mà ngày hôm trước không có . Nó không ngừng quan tâm trở lại. Phải luôn luôn đặt vấn đề những gì chúng ta làm, để luôn giữ mình trong tình trạng sẵn sàng trước mặt Thiên Chúa. Sự băn khoăn bình thản này không phải là náo động, cũng không phải là sự bất ổn định. Nó là một sự trung tín thực sự. Nó phát xuất từ tình yêu. Bởi vì cái phương thế duy nhất để biết ý định của Thiên Chúa trên mình, chính là yêu mến ngài, chính là yêu thích thánh ý Thiên Chúa hơn là ý muốn riêng tư của mình. Ai muốn thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, thì người ấy bắt đầu trong tình trạng sẵn sàng nhìn thấy ý muốn đó.