Câu chuyện cũ kỹ về những người buôn bán trong đền thờ không ngừng chất vấn Giáo hội, các cộng đoàn kitô hữu và đức tin của mỗi người chúng ta. Không phải chỉ trong Chúa nhật này mà thôi.
Cơn giận của Chúa Giêsu không phải nhằm mục đích đẩy xa những người buôn bán, như hiện nay ngài làm đối với những người buôn bán những ảnh tượng tại các trung tâm hành hương. Khi hành động như thế, Chúa Giêsu tấn công chính sự thờ phượng. Khi lật đổ những quầy đổi tiền, ngài lật đổ chính tôn giáo và một cách nào đó, triệt hạ đền thờ vật chất.
Chúa Giêsu can đảm đặt mình vào vị trí của đền thờ: - Nếu đền thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện, thì Chúa Giêsu chính là sự hiện diện của Thiên Chúa. – Nếu đền thờ là nơi chứa đựng lời Chúa, thì Chúa Giêsu chính là Lời Chúa. – Nếu đền thờ chính là nơi làm việc thờ phượng Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu luôn luôn tôn vinh Thiên Chúa. Khi xua đuổi những người buôn bán trong đền thờ, Chúa Giêsu nói lên một điều gì đó bao la vô hạn.
Qua biến cố đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ, Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta hôm nay ?-
Thứ nhất, ngài muốn chúng ta, đừng biến nhà cầu nguyện thành một nhà buôn bán. Cầu nguyện, không phải là mặc cả, đổi chác với Thiên Chúa, theo kiểu bánh sáp cho đi, bánh qui đổi lại ! Tôi càng cho nhiều hơn, thì người ta lại cho tôi nhiều hơn. Để có thể đón nhận điều gì từ Thiên Chúa, con người phải trả một giá đắt đỏ… Không và không ! Cầu nguyện không phải là một cuộc mua bán. Trong trường hợp đó, Thiên Chúa là ai, khi chỉ chờ đợi phần hương khói của mình trước đã, rồi sau đó mới can thiệp giúp đỡ nhân loại ?- Thiên Chúa là Đấng nào khi chỉ động lòng trắc ẩn, sau khi thấy con người đã hết hơi khẩn cầu và hãm mình ép xác khắc nghiệt ?- Không ! Thiên Chúa là Cha nhân hậu, hằng thương yêu, mong muốn và ban ơn lành cho con cái loài người.
Thứ hai, Chúa Giêsu không muốn người ta làm biến dạng khuôn mặt của Thiên Chúa về điểm này. Ngài muốn là nhà Cha của ngài mở rộng ra cho những lời cầu nguyện tin tưởng của con cái loài người. Chúng ta không cầu nguyện để Thiên Chúa biết, nhưng bởi vì ngài biết điều chúng ta đang cần. Chúng ta không cầu nguyện để được Thiên Chúa yêu mến, nhưng bởi vì chúng ta đã được ngài mến yêu. Chúng ta không cầu nguyện để Thiên Chúa ở với chúng ta trong những ngày tốt và ngày xấu, nhưng bởi vì ngài đang ở với chúng ta. Không phải chính con người tác động lên Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa rất muốn hành động trên con tim của con người. Trong khi cầu nguyện, chúng ta vui vẻ, niềm nở đón tiếp Thánh Thần của ngài. Cầu nguyện không phải là một cuộc mua bán với Thiên Chúa, mà một sự đón tiếp tình yêu “nhưng không” của ngài.
Ngoài ra, ngài muốn chúng ta đừng biến nhà chung của tất cả mọi người thành nhà của một số người. Cơn giận của Chúa Giêsu chống lại những thầy tư tế đang giữ một thứ tôn giáo dựa trên sự loại trừ, phân biệt. Đền thờ Giêrusalem, ngay cả trong cách xây dựng và bài trí của nó cũng đã nói lên sự loại trừ, phân biệt. Có một chuỗi những rào cản mà các tư tế là những người canh giữ rất bén nhạy.- Bên ngoài, tiền đình của dân ngoại, những người không phải là Do thái chỉ được đi đến đó mà thôi. – Rồi đến một khoảng cách khá rộng dành cho các phụ nữ. - Sau đó là những người đàn ông Do thái. – Sau cùng là gian cực thánh dành riêng cho thầy thượng tế.
Một trong những điểm chính yếu của Do thái giáo thời bấy giờ là sự phân biệt giữa người tinh sạch và người ô uế. Trong khi đó, Chúa Giêsu tuyên bố, đối với Thiên Chúa, không có người bị xua đuổi, loại trừ. Ngài đến mặc khải một Thiên Chúa mà tình yêu được trao tặng cho tất cả mọi người, không phân biệt đối xử, không hạn chế, loại trừ.
Từ những suy nghĩ trên đây, Giáo hội phải là một cộng đoàn yêu thương, ở đó con người thấy mình được nhìn nhận, không bị chụp mũ, gắn nhãn hiệu, nhưng được tha thứ và được yêu mến. Giáo hội phải niềm nở đón tiếp tất cả mọi người, những người bị sự cố tình yêu, hôn nhân, và ngay cả bị trục trặc về luân lý, đạo đức. Chỉ có một điều kiện: mỗi người trong Giáo hội có niềm hy vọng được chữa lành một ngày nào đó. Miễn là các nhà thờ của chúng ta, các họ đạo, các phong trào đừng bao giờ bị Chúa Giêsu than trách: Nhà Cha ta là nhà dành cho tất cả mọi người, mà các ngươi đã biến thành một nhà chỉ dành riêng cho một số người.
Hãy nhìn lại chính mình. Để thấy rõ tình trạng thực sự của linh hồn. Để nhận ra những khuyết điểm, lỡ lầm, sai lỗi. Để sửa chữa, đổi mới. Để xứng đáng đón nhận ơn cứu độ trong lễ Phục sinh sắp đến.