Nguyên tắc lợi nhuận là qui luật chung của tất cả các phương diện đời sống, kể cả trong đời sống thiêng liêng. Chúng ta còn nhớ, cũng căn cứ trên qui luật này mà Chúa Giêsu đã chúc dữ cây vã không sinh trái, kết án tên đầy tớ đã đem chôn nén bạc của chủ.. Cách đặc biệt khi nói về chương trình cứu độ của ngài, Chúa Giêsi đã mạnh dạn khẳng định: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi, thì sẽ sinh nhiều hoa trái”.
Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải làm gì để sinh lợi cho Chúa ?- Chúng ta phải sống thế nào để làm trổ sinh hoa trái cho Tin Mừng của Chúa ?-
Xin thưa, đó là tình yêu huynh đệ anh em. Chúa Giêsu đã nói: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những gì Thầy truyền cho anh em. Điều Tthầy truyền cho anh em, là anh em hãy yêu thương nhau”. Đó là qui luật sinh lợi nơi người môn đệ. Không có gì có thể thay thế. Không có vấn đề xây dựng đền đài, hang đá hay vương cung thánh đường, mà là xây dựng Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô bằng tình bác ái yêu thương. Giáo Hội vẫn có thể phát triển mà không cần có những nhà thờ, nhưng không thể nào không có những mối tương giao huynh đệ. Hoa quả làm vinh quang Thiên Chúa Cha, chính là xây dựng Thân Thể của Đức Kitô. Thánh Giacôbê đi đến chỗ nhấn mạnh, tôn giáo đích thực, chính là đi thăm viếng các người góa bụa và trẻ mồ côi đang khốn khổ.
Tình yêu huynh đệ không phải là một tình cảm, không phải là mối thiện cảm tự nhiên, mà là vâng phục Thiên Chúa trong và qua việc phục vụ anh em. Sự phục vụ cụ thể: chia sẻ của cải vật chất, nâng đỡ tinh thần, quan tâm đến những người nghèo và những người bị đẩy ra bên lề xã hội, kính trọng người khác… Đứng trước kẻ thù, cần phải kiên nhẫn và cầu nguyện cho họ. Tình yêu này là “ nhưng không”, vô vị lợi. Nó trao ban mà không mong đợi được đáp trả, cũng không tìm kiếm xem người được hưởng có xứng đáng hay không. Nó đến cứu giúp tất cả mọi người, và tỏ lòng quảng đại mà Thiên Chúa bày tỏ nơi con người của Chúa Giêsu.
Khi người kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, thực hiện đức bác ái, thì tình yêu thương này được hiện thân nơi những cử chỉ, thái độ, lời nói, cách thế hành động và cư xử với người khác. Đó là những dấu chỉ bên ngoài.
Tuy nhiên, thánh Gioan còn báo cho chúng ta biết ba dấu chỉ bên trong nữa:
Trước hết, trở thành môn đệ bởi vì người kitô hữu đón nhận tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Chúa Giêsu. Sau đó, khi thực hiện đức bác ái huynh đệ, người môn đệ đào sâu cảm nghiệm của mình về tình yêu Thiên Chúa. Thực vậy, mỗi một cử chỉ huynh đệ đối với họ là một sự nhắc nhớ, một sự nhận biết là Thiên Chúa đã yêu thương họ trước nhất nơi Đức Giêsu Kitô. Như thế, họ luôn luôn trở nên niềm nở đón tiếp tình yêu của Thiên Chúa Cha, bởi vì tình yêu càng lớn mạnh khi được bày tỏ ra.
Thứ đến, một dấu chỉ khác, chính là lời cầu nguyện đã được đoái nhận. Chúa Giêsu đã khẳng định: “ Tất cả những gì mà anh em nhân danh Thầy mà cầu xin cùng Chúa cha, ngài sẽ ban cho anh em”. Chúng ta còn nhớ, tên Giêsu nghĩa là “Thiên Chúa cứu chuộc”. Những lời cầu xin nhân danh ngài, nghĩa là nhắm đến ơn cứu độ, thì Thiên Chúa Cha chắc chắn sớm muộn gi cũng sẽ nhậm lời. Dấu chỉ này không phải là hiển nhiên. Một số người phàn nàn về sự ym lặng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta phân định Thiên Chúa đáp ứng lời cầu nguyện của chúng ta, một sự đáp ứng lờ mờ hay gây hoang mang.
Sau cùng, chính là niềm vui. Chúa Giêsu đã nói: “ Thầy nói với anh em điều đó để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được trọn hảo”. Khi cuộc sống triển nở, thì chính là niềm vui. Mỗi lần tình yêu huynh đệ được thực hiện, thì sự sống của Thiên Chúa và ơn cứu độ của ngài tác động đến chúng ta thêm một chút và chúng trở nên rõ ràng hơn nữa. Nước Thiên Chúa tiến thêm một bước nữa, bởi vì con người cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa đối với họ qua tình yêu của anh em mình. Bấy giờ mỗi người chúng ta sẽ là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa tiếp tục hành động và cứu chuộc. Từ đó nảy sinh niềm vui, ngay cả khi niềm vui này thường cùng hiện diện với đau khổ.
Hôm nay, Chúa mời chúng ta đem lại nhiều hoa trái, hoa trái của tình bác ái. Tình yêu này thắt chặt những mối dây liên hệ của chúng ta với ngài, làm phong phú lời kinh nguyện của chúng ta và trao ban cho chúng ta niềm vui, bình an và hạnh phúc.
Thử hỏi chúng ta có đáp lại lời mời gọi mang lại hoa trái tốt đẹp như Chúa mong muốn hay không ?