1.
Đối với tôi, truyền giáo chủ yếu là truyền đạt tình yêu Thiên Chúa.
2.
Tôi đã cảm nhận được tình yêu Chúa như một tình yêu cứu độ, nên tôi tự nguyện thuộc về Chúa.
Tôi thuộc về một Đấng mà tôi đã cảm nghiệm là yêu thương tôi quá sức tôi mơ tưởng.
3.
Tôi cảm nhận về tình yêu Chúa dưới nhiều hình thức. Có những hình thức rất ấn tượng. Thí dụ hình ảnh gà mẹ che chở đàn con dưới cánh. Hình ảnh đó đã được chính Chúa Giêsu nêu lên. (X. Mt 23, 37). Có lúc tôi ví mình như con gà con bé nhỏ dại khờ, được Chúa như gà mẹ xòe đôi cánh chở che.
Có lúc tôi, với tư cách người mục tử, lại ví mình như gà mẹ lấy tình yêu quảng đại, mà che chở cho các người thuộc về tôi. Nhờ vậy, tôi thuộc về Chúa, tôi đưa người khác về với Chúa.
4.
Một hình ảnh khác về tình yêu Chúa, mà tôi được cảm nghiệm, đó là hình ảnh Chúa vác con chiên lạc trên vai. Chính Chúa Giêsu đã đi tìm con chiên lạc. Ngài đã hết sức vui mừng khi tìm được nó. (X. Mt 18, 12-14)
Khi tìm được tôi, Chúa đã vác tôi trên vai một cách âu yếm, chứ không mắng chửi và xua đuổi tôi. Tôi đã cảm nhận được điều đó rất rõ.
5.
Một hình ảnh khác nữa về tình yêu Chúa, đó là hình ảnh cái cửa của chuồng chiên. Chúa nói: “Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7). Cửa đó bảo vệ chiên. Cửa đó hy sinh cho chiên. Biết bao lần tôi đã cảm nghiệm được tình yêu cứu độ đó.
6.
Một hình ảnh khác nữa về tình yêu Chúa, đó là sự Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. (X. Ga 13, 1-15)
Tôi đã cảm nghiệm được sự Chúa rửa chân cho tôi, qua rất nhiều biến cố đã xảy ra cho tôi.
7.
Một hình ảnh nữa về tình yêu Chúa, đó là sự Chúa lập phép Thánh Thể và chức linh mục, để ở lại với những kẻ Chúa yêu thương.
8.
Rồi, một chuỗi dài hình ảnh khác từ cuộc thương khó, cho tới việc Chúa sống lại, Chúa lên trời, và Chúa Thánh Thần hiện xuống.
9.
Tóm lại, tình yêu Chúa mà tôi đã được cảm nghiệm sâu sắc là tình yêu đã cứu tôi, đã tha thứ cho tôi, đã hy sinh vì tôi, chứ dứt khoát không phải một tình yêu đã cho tôi chức nọ quyền kia.
10.
Tình yêu đó được biểu lộ nơi Chúa Giêsu. Vì thế, nếu truyền giáo là truyền đạt tình yêu Thiên Chúa, thì tôi cần nói về Chúa Giêsu rất nhiều.
11.
Riêng tôi, khi truyền đạt tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Giêsu, tôi không thể không nói tới sự Chúa Giêsu đã làm cho tôi qua Đức Mẹ Maria.
12.
Tôi chỉ kể lại những gì Chúa đã làm cho tôi. Tất cả những gì Chúa đã làm cho tôi đều là tình yêu cứu độ.
13.
Tôi kể lại như một người cung cấp thông tin về một tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho tôi.
Tôi truyền giáo là như vậy.
14.
Rồi truyền giáo của tôi còn là việc tôi nhận thấy tình yêu Chúa cũng đã và đang được ban cho nhiều người xung quanh tôi. Nếu “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời”, thì dấu chỉ yêu thương đang lan tỏa trong nhiều tâm hồn tại địa phương này. Cho dù họ không là Công giáo, họ vẫn thuộc về Chúa.
15.
Cho nên, truyền giáo đối với tôi tóm gọn lại ở tình yêu. Tôi yêu thương con người như Chúa yêu thương.
Tôi phải kết hợp mật thiết với Chúa, để có thể yêu thương như Chúa.
Tôi thuộc về Chúa, vì Chúa yêu thương tôi.
Bất cứ ai được Chúa yêu thương, đều thuộc về Chúa.
Đó là tóm tắt việc truyền giáo của tôi.
16.
Vì truyền giáo là chuyện của tình yêu Thiên Chúa, mà tình yêu Thiên Chúa thì rất nhiệm mầu, nên tôi phải đón nhận tình yêu đó từng giờ, từng phút. Đón nhận như thế là trở thành một của lễ. Của lễ của tôi kết hợp với của lễ chính Chúa Giêsu. Của lễ Chúa Giêsu là chính. Của lễ là tôi chỉ là một chút rất nhỏ. Sống như thế là truyền giáo. Chứ truyền giáo không có nghĩa là khuyến dụ họ hãy bỏ đạo của họ, để theo đạo của tôi.
17.
Tháng 11 này, Đức Phanxicô sẽ thăm Thái Lan và Nhật Bản. Ngài sẽ không khuyên dân hai nước đó hãy bỏ đạo của họ mà theo Công giáo. Ngài sẽ chỉ đề cao yêu thương mà thôi. Và đó chính là truyền giáo.
Long Xuyên, ngày 19.10.2019