Thứ Năm, 05 Tháng Hai, 2015 00:00
HỌC VỚI CHÚA GIÊSU HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG - GB. Bùi Tuần

1.

Chúa mãi mãi thương gọi tôi. Một trong những Lời Chúa gọi đang trở thành khẩn thiết cho tôi lúc này, đó là: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Chúa gọi âm thầm, nhưng da diết. Cùng với Lời gọi đó, Chúa ban cho tôi hai ơn này: Một là lòng khao khát muốn nên hiền lành và khiêm nhường thực sự. Hai là khao khát học hiền lành và khiêm nhường nơi Chúa Giêsu là Đấng thương gọi tôi.

2.

Xin thú thực là tôi chỉ hiểu được một phần rất nhỏ những gì Chúa dạy tôi, và tôi chỉ thực hiện được cũng một phần rất nhỏ những gì tôi đã hiểu. Tôi yếu đuối lắm. “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm” (Rm 7,19)

Tuy nhiên, với lòng cảm tạ Chúa và trong tình liên đới cộng đoàn, tôi xin được phép chia sẻ chút ít những gì rất ít đó. Xin tóm tắt như sau:

Chúa dạy tôi qua thánh giá của Chúa trong tôi.

Chúa dạy tôi qua sự tế nhị Chúa dành cho tôi.

Chúa dạy tôi qua phục vụ kẻ nghèo khổ mà Chúa cùng làm với tôi.

Chúa dạy tôi qua những phức tạp bất ngờ xảy ra cho tôi.

3.

Chúa dạy tôi qua thánh giá của Chúa trong tôi.

Xưa, Chúa Giêsu đã chịu thử thách bằng đủ mọi đau khổ. “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Kitô đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện, nài xin Đấng có quyền năng cứu Người... Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục...” (Dt 5,7-8). Chúa Giêsu đã vâng chịu đủ mọi khổ đau vì mục đích gì? Thưa, để cứu chuộc loài người. Thánh Phêrô quả quyết: “Anh em đã được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô” (1 Pr 1,19).

Nay, Chúa dạy tôi cũng hãy góp một phần nhỏ vào việc cứu chuộc loài người, cũng bằng khổ đau. Tôi hiểu như vậy. Nên những khi chịu đau khổ, tôi luôn nghĩ là Chúa Giêsu đang chịu đau khổ trong tôi, để cứu các linh hồn. Niềm tin ấy giúp tôi nhìn rõ hơn bổn phận tôi phải sống hiền lành và khiêm nhường theo gương Chúa. Tất nhiên hiền lành và khiêm nhường trong mọi khổ đau chính là vì tình yêu. Và như thế, khi được sai đi rao giảng, tôi phải luôn luôn nhớ mình là của lễ đền tội cho đoàn chiên. Tôi sẽ là của lễ có giá trị đền tội, khi tôi vác thập giá và chịu đóng đinh vào thập giá, với tình yêu chấp nhận khiêm tốn và hiền lành như Chúa Giêsu. Làm được gì thì cũng làm với tấm thân là của lễ. Không làm được gì, thì thân mình vẫn là của lễ hiền lành khiêm tốn. Chúa dạy tôi như vậy.

4.

Thêm vào đó, Chúa còn dạy tôi hãy học hiền lành và khiêm nhường ở sự tế nhị của Chúa Giêsu.

Sự tế nhị của Chúa Giêsu được tiên tri Isaia báo trước: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy. Tim đèn còn leo lét khói, Người chẳng nỡ tắt đi”. Lời đó ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu (Mt 12,20). Tôi thấy Chúa Giêsu đã rất tế nhị như thế đối với tôi. Bao lần, tôi như cây lau bị giập, nhưng Chúa không đành bẻ gẫy. Chúa vẫn nâng niu, để tôi được lành. Bao lần, tôi như cây đèn chỉ còn leo lét khói, nhưng Chúa vẫn che chắn, không những để không tắt, mà còn cho lửa lại bùng lên. Đúng thực, Chúa hiền lành và khiêm nhường. Tôi cảm nhận được điều đó một cách sâu sắc.

5.

Có một nơi hiện nay Chúa hay dạy tôi về hiền lành và khiêm nhường, đó là phục vụ những kẻ nghèo hèn khổ đau.

Chúa luôn nhắc cho tôi nhớ lại lời Chúa quả quyết: “Mỗi lần các con làm việc tốt cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các con làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Chúa còn dạy tôi: Phục vụ là cho đi, từng cái nhìn, từng cách suy nghĩ, từng lời nói, từng giọng nói, từng cử chỉ thái độ, từng việc làm, tất cả phải hướng về niềm tin là Chúa có mặt nơi kẻ nghèo khó, để đón nhận bất cứ sự gì tôi dành cho họ. Niềm tin đó an ủi tôi rất nhiều.

Nhiều người hiện nay cũng đang được niềm tin ấy khích lệ, và họ rất vui, khi gần lại những kẻ khổ đau, nghèo hèn.

Chính tôi cũng đang được thừa hưởng niềm tin đó của nhiều người, khi họ nâng đỡ tôi. Bởi vì họ tin rằng: Họ làm việc lành cho tôi đang bệnh tật đau đớn, là làm cho chính Chúa. Họ thực là hiền lành và khiêm nhường.

6.

Hiền lành và khiêm nhường là thái độ không luôn dễ. Nên, nhiều khi Chúa dạy tôi điều đó một cách quyết liệt hơn. Đó là Chúa để cho tôi gặp phải những bất ngờ phức tạp gây đau đớn. Thí dụ tôi định sẽ là thế này, sẽ phải thế nọ. Nhưng không ngờ, thực tế lại xảy ra khác. Tôi phải khiêm nhường hiền từ để vâng phục ý Chúa. Ý Chúa nhiều khi rất khác ý của loài người chúng ta. Nhưng, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng, vâng phục ý Chúa, thì mới là thực sự thờ phượng Chúa. Thờ phượng Chúa với bao nhiêu việc lành, mà thiếu khiêm nhường, thì Chúa cũng không nhận.

7.

Chúa Giêsu nói rất rõ về điều kiện khiêm tốn, trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện.

Người Pharisêu đứng riêng một mình, gần bàn thờ và cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác; tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí không dám ngước mặt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi bảo thật cho các ông biết: Người này khi trở xuống mà trở về nhà, thì đã được nên công chính rồi. Còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,10-14). Tạ ơn Chúa cũng có thể kiêu căng.

8.

Còn thánh Phêrô thì dứt khoát trong chỉ một câu: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5).

Giả sử, giờ đây, tôi cảm tạ Chúa vì đã ban cho tôi được ơn khiêm nhường hơn những kẻ khác, thì tôi lại quá kiêu ngạo mất rồi. Vì thế, để khiêm nhường, tôi cần tỉnh thức, sẵn sàng chiến đấu với chính mình và quỷ hoả ngục. Chiến đấu bằng chính sự hiền lành và khiêm nhường, mà Chúa ban cho những kẻ bé mọn tin cậy nơi Người.

9.

Tôi xin Chúa Giêsu ban ơn cho tôi luôn sống bé mọn, một thứ bé mọn mà Người muốn, để được vào số những người mà Người ám chỉ, khi Người cảm tạ Chúa Cha. “Ngay bấy giờ, được Thánh Thần tác động, Đức Giê su hớn hở vui mừng và nói: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. (Lc 10,21).

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin thương xót con. Xin cứu con thoát khỏi tính kiêu căng và vô cảm trước tình hình nguy hiểm hiện nay.

Long Xuyên ngày 21.01.2015

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com