1.
Năm nay kỉ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.
Tại Fatima, Đức Mẹ đã gửi một sứ điệp rất quan trọng, đó là hãy sám hối. Nếu không sám hối, sẽ xảy đến cho nhân loại nói chung và cho Hội Thánh nói riêng nhiều điều khủng khiếp.
Sứ điệp đó đã có những tiếng vang. Riêng trong năm nay, những tiếng vang đó đang mang giọng thống thiết trong nhiều tâm hồn.
2.
Thống thiết là ở những lo âu trước biết bao bất ổn đang xảy ra mỗi ngày.
Thống thiết là ở những sợ hãi trước biết bao tội phạm đang tăng lên như những tan vỡ về đạo đức một cách có hệ thống.
Thống thiết là ở những nước mắt trước biết bao khổ đau đủ loại đang tràn ngập các dân tộc.
Thống thiết là ở những ray rứt trước biết bao nguy cơ về khủng bố, về chiến tranh, về nạn đói, về chia rẽ, về thiên tai, đang mỗi ngày mỗi xảy ra lúc công khai lúc âm thầm.
3.
Những tiếng vang thống thiết như vừa kể đang đánh thức lương tâm nhiều người. Tiếng vang thì đánh thức, nhưng chính Chúa nói với từng người trong sâu thẳm lương tâm họ “Hãy sám hối”.
4.
Sám hối là đối diện với Thiên Chúa, để nhận tội của mình. “ Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.
5.
Sám hối là chân thành đền tội. Đền tội một cách đơn giản là mến Chúa hơn trước, yêu người hơn trước.
6.
Để mến Chúa và để yêu người mãi mãi hơn trước, tôi đến với Chúa Giêsu, tôi ở lại trong Người, tôi kết hợp với Người. Chính nhờ Người với Người và trong Người, mà “tôi thương mến nhau, với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình, nhiệt huyết, không trễ nải... Đừng để cho sự ác thống trị mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,10-21).
7.
Gương “lấy thiện mà thắng ác”, được Chúa Giêsu chỉ cho tôi là hãy học Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta.
Mẹ chủ động đến với những người nghèo khổ, sống gần gũi với họ, sống chia sẻ với họ.
Mẹ hay tự hỏi: Tôi phải làm gì để những người nghèo khổ vơi đi được nỗi khổ, xoa dịu được nỗi đau?.
Mẹ cũng hay tự hỏi mình: Tôi có phần nào trách nhiệm về những khổ đau của những người đau khổ xung quanh tôi không?
Khi Mẹ Têrêsa Calcutta chủ động dẫn thân cho những người nghèo khổ, thì Mẹ hết sức tránh xét đoán họ và kết án bất cứ ai. Mẹ rất ghê tởm tính kiêu căng hay cho mình quyền kết án người khác.
8.
Khi nhìn vào gương sáng Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, tôi thấy mình hãy sám hối như vậy.
Sám hối như vậy đòi tôi phải rất khiêm nhường.
Rất mừng là nhiều người công giáo xa gần đang sám hối như vậy.
Họ tố cáo tội mình, chứ không tố cáo tội người khác.
Họ làm những việc thiết thực để xoa dịu nỗi đau của bao người đau khổ xung quanh, mà không đòi phải được làm những việc từ thiện lớn lao có tính cách phô trương.
Tôi đã tự hỏi mình: Tôi có sám hối theo gương sáng đó không?.
9.
Tôi có nhiều lý do, để tự răn mình là tôi chưa sám hối đủ, theo như Chúa dạy.
10.
Chúa dạy: Ai nhận nhiều, thì phải trả nhiều, ai nhận ít, thì sẽ phải trả ít. Với dụ ngôn những nén bạc, Chúa Giêsu dạy tôi là phải dùng những ơn Chúa ban để làm lời. Ai làm lời với vốn liếng Chúa ban, sẽ được Chúa thương. Ai dùng ơn Chúa ban, mà không làm ra lời, thì sẽ bị phạt (x Mt 25, 14-30).
11.
Lời lãi đẹp lòng Chúa nhất là sự người ta vâng phục ý Chúa trong ba việc đạo đức sau đây mà Chúa Giêsu chú ý đề cao:
12.
Chúa phán “ Khi anh em bố thí, thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em”( Mt 6,3-4).
Tôi thấy tại địa phương này, nhiều người làm việc từ thiện đã làm như thế. Họ là người công giáo. Họ cũng rất đông là người thuộc tôn giáo bạn. Làm từ thiện như Chúa dạy chính là một cách sám hối, sám hối đích thực.
13.
Chúa phán: “ Khi cầu nguyện, anh em hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha trên trời, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,6).
Tôi thấy tại vùng này, nhiều người đã cầu nguyện như Chúa dạy. Họ là người công giáo. Họ cũng rất đông là người không công giáo. Cầu nguyện như Chúa dạy chính là một cách sám hối, sám hối đích thực.
14.
Chúa phán: “ Khi ăn chay, anh em nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh em ăn chay, ngoài trừ Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,17-18).
Tôi thấy tại An Giang này, nhiều người đã ăn chay như vậy. Phần đông họ là tín hữu tôn giáo bạn, công giáo chỉ là thiểu số. Ăn chay như vậy chính là một cách sám hối, rất thiết thực, rất đẹp lòng Chúa.
15.
Nhìn cảnh sám hối trên đây, tôi vui mừng khôn tả. Đột nhiên tôi nghe một tiếng vang thống thiết từ Chúa Giêsu. Người nói với Chúa Cha: “ Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha (Lc 10.21).
16.
Được chứng kiến cảnh trên đây, tôi thấy những người sám hối đích thực mà Đức Mẹ Fatima muốn có, đang xuất hiện đó đây. Cho dù tai họa sẽ xảy ra, những người sám hối đó vẫn góp một phần không nhỏ vào việc cứu nhân loại và cứu Hội Thánh. Xin cảm tạ Chúa đến muôn đời.
GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 17.7.2017