1.
Hiện nay, tội đang trở thành một thời sự đen tối gây nhiều nhức nhối.
Tội cá nhân, tội tập thể, tội cơ chế. Tội loại nào cũng xúc phạm đến Thiên Chúa. Người phạm tội không những phải nhận tội, chừa tội, mà còn phải đền tội.
2.
Đền tội cho mình và đền tội cho người khác theo tình liên đới, đó là một việc đạo đức rất cần và rất quý.
Đền tội không phải chỉ đòi việc làm đạo đức, mà cũng đòi cả một nếp sống đạo đức.
3.
Ở đây, tôi xin chia sẻ đôi chút về nếp sống đạo đức, như một của lễ đền tội. Tôi gọi nếp sống đó là sống tinh thần đền tội.
Theo tôi, đền tội chủ yếu là làm những việc đạo đức có tính cách tránh cho mình khỏi sa vào đàng tội. Những việc đạo đức đó rất nhiều. Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh đến vài việc mà thôi.
4.
Việc thứ nhất là đừng để mình mất phương hướng nội tâm.
Phương hướng đúng của nội tâm tôi là bước theo Chúa Giêsu, là tin vào Chúa Giêsu, là bắt chước Chúa Giêsu. Trên lý thuyết, tôi vẫn nhận phương hướng đó. Nhưng trên thực tế, tôi dễ để mình bị lôi cuốn bởi những động lực khác ngoài Chúa Giêsu, thì đó là mất phương hướng nội tâm. Trường hợp như thế là dễ xảy ra lắm.
Phương hướng đúng của nội tâm tôi là chu toàn bổn phận của tôi. Nếu tôi lơ là với những trách nhiệm cốt yếu của bổn phận, để lao mình vào những trách nhiệm giả tạo, thì đúng là tôi mất phương hướng nội tâm. Trường hợp như thế là dễ xảy ra lắm.
5.
Việc thứ hai là sống nhân lành một cách cụ thể.
Sống nhân lành, theo nghĩa mà Chúa Giêsu dạy, là tham dự vào sự nhân lành của Chúa. “Tại sao gọi tôi là nhân lành? Chẳng ai là nhân lành, chỉ có Chúa mà thôi” (Lc 18,18-19). Nhân lành của Chúa là một tạo dựng của lòng thương xót. Nó có tính cách cho đi nhưng không. Như vậy, nhân lành là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Có hoa trái đó, tôi mới có thể thực hiện được lời Chúa dạy: “Chúng con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 13,34).
Những lần được gần Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi đều rất được ấn tượng về sự nhân lành của Ngài. Với nếp sống nhân lành đó, Ngài đã đền tội cho tôi, cho Hội Thánh và cho nhân loại.
6.
Việc thứ ba là sống hiền từ.
Chúa Giêsu phán: “Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền từ và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Thánh Phaolô khuyên Timôthê: “Hãy dịu hiền với mọi người, hãy có khả năng giảng dạy, biết chịu gian khổ. Phải lấy lòng hiền từ mà giáo dục những kẻ chống đối” (2Tm 2,24-25).
Theo kinh nghiệm của nhiều người đạo đức, thì hiền từ có sức mạnh dập tắt sự nóng nảy, kiêu căng và các thứ thô bạo. Hiền từ ở đây không có nghĩa là một thứ yếu đuối, nhưng là một nhân đức anh hùng. Thực sự, nó đã giúp tôi sống tinh thần đền tội cho mình và cho nhiều kẻ khác.
7.
Việc thứ bốn là sống hy vọng, bình an và vui trong Chúa.
Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã rất ảnh hưởng đến tôi do cách Ngài sống đầy hy vọng, bình an và vui trong Chúa. Đó cũng là cách sống tinh thần đền tội, mà Ngài đã thực hiện và đã khuyên tôi.
Ngài hay đơn giản hoá những sự việc rắc rối. Ngài hay uốn những khúc cong thành vòng tròn. Ngài hay biến những nét mặt giận dữ thành những nụ cười. Tôi xác tín động lực khiến Ngài làm được những việc đạo đức đó chính là Chúa Thánh Thần.
Đức Cố Hồng Y Thuận đã thực hiện lời thánh Phaolô xưa: “Hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh chị em” (2Cr 13,11).
8.
Với bốn việc đạo đức trên đây, tôi đã sống tinh thần đền tội trong suốt nhiều năm. Đền tội như thế vẫn không miễn cho khỏi những việc khổ chế và nhiều hy sinh. Nhưng tất cả đều do tình yêu thương xót. Và đó là nguồn hy vọng, vui mừng và bình an. Cho dù đền tội như vậy vẫn chỉ là khởi đầu, nhưng tôi có thể quả quyết: Nhờ sống tinh thần đền tội như thế, chúng ta sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một nền văn minh của tình yêu.
9.
Thế giới hiện nay đang đứng trước nguy cơ tội ác sẽ gây nên vô số thảm hoạ khôn lường. Hãy sám hối và đền tội, bằng những việc đạo đức có nền tảng từ Phúc Âm. Chỉ có tình yêu mới có sức đền tội cứu độ. Chỉ có tình yêu mới có thể xây dựng được một thế giới yêu thương.
10.
Viết tới đây, tôi cảm thấy mình mệt mỏi, đau nhức. Tôi dâng những đau mệt đó cho Chúa, như một lễ vật đền tội. Chỉ một lát sau, tôi nhận được những dấu chỉ về sự Chúa đang hiện diện và đang sai tôi đi làm chứng cho Chúa qua việc chia sẻ nhỏ mọn này. Tôi cảm tạ Chúa hết lòng. Tôi tin Chúa sẽ thương nhận việc tôi đang làm như một của lễ có giá trị đền tội cho mình và cho kẻ khác.
GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 10.6.2016.