Biến cố Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Thống Hối của Gioan Tẩy Giả ở sông Giodan muốn gởi gấm ít nhất những sứ điệp sau đây:
Trước hết, Chúa Giêsu Nagiaret nổi bật hơn những người đồng bào của ngài. Thực ra, con người này có những mối liên hệ hoàn toàn đặc biệt với Thiên Chúa. Còn hơn thế nữa: ngài được Thiên Chúa Cha yêu mến ! ngài là Con Thiên Chúa ! Như thế, phép rửa ở sông Giodan là nơi và là thời điểm mà căn tính đích thực của Chúa Giêsu được bày tỏ ra.
Thứ đến, biến cố này cũng muốn báo cho biết là, phép rửa này đánh dấu sự khởi đầu đời sống công khai của Chúa Giêsu. Cho tới ngày hôm đó, con của ông Giuse và bà Maria đã sống trong bóng tối; không có gì phân biệt đối với những người sống chung quanh. Khi bước ra khỏi dòng sông Giodan, thì một cuộc sống mới đã bắt đầu đối với ngài. Từ nay trở đi, ngài sẽ rảo khắp quê hương để rao giảng Tin Mừng, nhân danh Thiên Chúa.
Sau cùng, cần phải ghi nhận rằng, vào thời điểm chịu phép rửa, Chúa Giêsu đã được Chúa Thánh Thần “thấm nhập” tràn đầy. Chắc chắn rồi ! Ngài đã có Chúa Thánh Thần; thế nhưng, ở đây ngài lại được trao ban Chúa Thánh Thần trọn vẹn, với mục đích cho giai đoạn mới trong trong cuộc đời của ngài mà ngài bắt đầu dấn thân. Chính trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà ngài công bố Tin Mừng, và thực hiện các dấu chỉ loan báo công trình cứu độ của Vương Quốc Thiên Chúa trên trái đất.
Điều vừa được khẳng định về phép rửa của Chúa Giêsu cũng phải là của phép Rửa Tội của chúng ta.
1- Vào ngày mà thừa tác viên của Giáo Hội đã đổ nước rửa tội trên chúng ta, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, chúng ta được chính thức nhìn nhận là con Thiên Chúa. Như Đức Kitô, thực sự chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa. Và đó không phải một tước hiệu danh dự, một sự giả tạo, một kiểu chơi chữ; đó là một thực tế. Như lời thánh Giona đã nói:“ Anh Em hãy xem. Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào. Ngài yêu thương đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa; mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” ( 1 Ga 3,1 ).
Hôm nay, đây là dịp rất tốt để chúng ta tự hỏi xem, chúng ta có luôn luôn ý thức đủ về sự phong phú mà việc trở thành thành viên của gia đình Thiên Chúa, trở thành những người yêu dấu của Thiên Chúa, và có thể gọi Thiên Chúa là “ Cha chúng con”, như chính Đức Kitô đã làm hay không ?-
2- Ngày lãnh nhận phép rửa thống hối, Đức Kitô đã khai mào sứ mạng công khai của ngài. Rõ ràng đó không phải là điều xảy ra đối với chúng ta, khi chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội vào một vài ngày sau khi sinh ra. Tuy nhiên, điều kiện được Rửa Tội bao hàm một sứ mạng: sứ mạng làm chứng Đức Kitô và sứ điệp Tình yêu của ngài. Sứ mạng này không phải chỉ dành riêng cho một vài người ưu tú. Không ai là người lãnh nhận bí tích Rửa tội chỉ để cứu lấy bản thân mình mà thôi. Tất cả mọi người được Rửa Tội đều được mời gọi phản ánh con người của mình và những điều mình đã lãnh nhận, ra chúng quanh mình, và theo cách thế, vai trò, cương vị của mình, trong môi trường mình sống.
Vì thế hôm nay, thật là thích hợp để tự hỏi lại xem, trong suốt cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ tỏ ra, cho chung quanh chúng ta, đức tin, tình yêu và niềm hy vọng đang ở trong chúng ta, trong mức độ nào. Điều đó rõ ràng là phải bắt đầu ở mái nhà chúng ta trước, và mở rộng cho những người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày trong cuộc sống.
3- Sau cùng là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần được truyền thông cho tất cả những người được Rửa Tội để trở thành tác nhân thúc đẩy sự lớn lên trong đức tin và sự nâng đỡ trong việc thực thi sứ mạng truyền giáo. Tất cả năng lực mà ngày xưa Chúa Thánh Thần bày tỏ nơi Chúa Giêsu, thì bây giờ ngài cũng bày tỏ trong các người tín hữu, là tất cả chúng ta. Năng lực này là năng lực mà ngài cho phép chúng ta, theo như chính lời Chúa Giêsu, là thực hiện những công trình lớn lao hơn những công trình mà Chúa Giêsu đã thực hiện ( Ga 14,12 ). Lớn lao hơn, theo cái nghĩa là chúng trao ban tiếp theo, và làm cho phát triển những tác động mà chính ngài đã khai mào. Để Vương Quốc Tình Yêu lớn mạnh hơn.
Thử hỏi tác động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta từ ngày chúng ta nhận được phép Rửa Tội là gì ?- Chúng ta có để cho Chúa Thánh Thần làm việc trong chúng ta hay không ?- Chúng ta có cộng tác với tác động của ngài, để trở thành những người kitô hữu trưởng thành, có trách nhiệm và tỏa sáng không ?- Có phải có những lúc phát triển lên cao, nhưng cũng có những thời điểm cho thấy những sự xuống dốc đang lo ngại không ?-… Những câu hỏi như thế thật là thích hợp và có ý nghĩa vào cái ngày mà chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả ở sông Giodan và phép Rửa Tội của riêng chúng ta.
Cách nay ít năm, trong chuyên công du mục vụ sang Nước Pháp, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã chất vấn những người kitô hữu của đất nước này bằng những lời sau đây: “ Hỡi Nước Pháp, Nước Pháp đã làm gì từ bí tích Rửa Tội của mình ?-“ Câu hỏi làm quấy rầy cũng như gây kinh ngạc. Hôm nay, chúng ta hãy can đảm lấy lại câu hỏi đó cho chính chúng ta: “ Chúng ta đã làm gì...và chúng ta đang làm gì từ bí tích Rửa Tội của chúng ta ?-.”