Tất cả mọi người đều không hoàn hảo. Tất cả mọi người đều có những giới hạn, khuyết điểm, lỗi lầm, kể cả tội lỗi. Chúng ta và những anh em chung quanh chúng ta. Vấn đề đặt ra, đâu là sự sáng suốt của chúng ta, đối với những khuyết điểm, lỗi lầm của người khác ?-
Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần lưu ý mấy điểm sau đây ?-
Theo Chúa Giêsu, sự sáng suốt của chúng ta thì không có cân bằng. Chúng ta quá sáng suốt về những giới hạn của người khác, nhưng lại không sáng suốt đủ về chúng ta. Điều đó được nói với một cách hài hước là: chúng ta nhìn thấy những cọng rơm trong mắt của các anh em chúng ta, nhưng không nhìn thấy những cái đà trong mắt của chính mình.
Thứ đến, chúng ta cần phải sáng suốt để giữ một tính khí quân bình, bình đẳng với một người nào đó làm chúng ta phật ý. Nếu không, chúng ta sẽ bị cám dỗ có một cái nhìn thiên lệch và cố định về những khuyết điểm của người khác; và đôi khi, quá chú ý về chỉ một khuyết điểm nào đó làm chúng ta kinh hãi, ghê tởm, đến nỗi chúng ta chỉ còn nhìn thấy lỗi lầm đó nơi người đó mà thôi. Từ đó, chúng ta chụp “ một cái mũ xấu xa đó” cho người đó suốt đời.
Hơn nữa, sự sáng suốt cũng rất có ích lợi và cần thiết, trong tất cả mọi hoàn cảnh. Khi cần phải có những lời khiển trách đúng đắn, thì, sau khi cân nhắc, suy xét cẩn thận, sự sáng suốt sẽ giúp chúng ta có những lời góp ý đúng đắn và những thái độ thích hợp, để người liên hệ có thể chấp nhận. Chẳng hạn như, trước khi khiển trách một bạn đồng nghiệp đi làm việc trễ, thì cần thiết phải tự hỏi xem, cái thời khóa biểu của anh ta có quá bị thúc bách, gấp rút, dày đặc, đến nỗi anh ta không thể xoay sở một cách thoải mái, như mong muốn hay không.
Ngoài ra, cách diễn tả, trình bày lời góp ý cũng không kém phần quan trọng. Những tính cách và thái độ có dáng vẻ cố vấn, “ thầy đời”, hay la lối, cằn nhằn, pha lẫn một chút hạch sách tra hỏi, qua nét mặt, cái nhíu mày, hay cái “ cười khinh khỉnh”… sẽ từ từ làm cho chúng ta biến những lỗi lầm này trở thành những cái đà trong mắt của họ. Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ nhìn thấy họ toàn là những khuyết điểm; còn chúng ta là những thiên thần.
Nên nhớ là, cái cách chỉ trích những khuyết điểm của người khác cũng bày tỏ cho thấy cái tình trạng tấm lòng, sự nhân từ và lòng tốt của chúng ta đối với người liên hệ; một người bạn khiếm khuyết, yếu đuối được nhìn với cặp mắt tình yêu sẽ được phán xét bằng tình yêu và với tình yêu. Và như thế, dễ tạo bầu khí an bình, bao dung, rộng lượng.
Vậy thì, việc không nhận xét, không đánh giá hay góp ý, cách đặc biệt là đối với những người mà chúng ta có trách nhiệm, có phải là một đức tính tốt không ?- Không chắc. Đôi khi điều đó còn trở thành một sự nhu nhược, nhút nhát, với những lập luận, như: “ Nếu tôi góp ý với anh ta điều đó, anh ta sẽ ghét tôi” – Hay đôi khi, đó lại là một sự coi thường, khinh bỉ: “ Nếu anh ta có khuyết điểm này, thì mặc kệ anh ta !”
Như thế, cái tiêu chuẩn tốt đẹp của việc nhận định, chỉ trích, góp ý, để đem lại kết quả tốt đẹp hết sức có thể, chính là sự ước muốn giúp đỡ, dựa trên tình yêu thương bác ái kitô giáo. Trước hết, nó tinh luyện cái nhìn của chúng ta, trong sự thông cảm, hiểu biết và khoan dung; và sau đó, nó giúp chuẩn bị những từ ngữ, những lời nói, những cách thế chuyển đạt cái thiện ý của chúng ta. Chúng ta sẽ nói với người bạn của chúng ta, với một sự tế nhị và khéo léo, cái điều làm cho những người khác ghét anh ta, không ưa anh ta, cái điều làm hỏng cuộc đời anh ta một cách vô ích.
Nếu cùng một lúc, anh ta nhìn thấy rằng, chúng ta cũng biết ý thức về những cái đà của chúng ta, những gánh nặng và những yếu đuối của chúng ta, thì tất cả sẽ diễn ra tốt đẹp hơn.
Lúc bấy giờ, chúng ta đã làm lợi cho Chúa một người anh chị em, vì đã giúp người này trở lại với Chúa, yêu mến Chúa, đón nhận lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa, để cùng hưởng hạnh phúc, trong tình yêu của Chúa, với chúng ta.