Cứ theo như lời trình thuật trên đây, thì Chúa Giêsu đã không được tiếp đón nồng hậu nơi quê hương xứ sở của mình. Dân thành Nagiarét đã không chấp nhận ngài, thậm chí còn muốn giết chết ngài. Vậy, đâu là lý do và ý nghĩa của sự thất bại nầy của Chúa Giêsu ?-
Được nghe biết tất cả những sự việc xảy ra tại Capharnaum, nơi Chúa Giêsu đã chữa lành nhiều bệnh nhân, đã làm nhiều phép lạ, đã giảng dạy Tin Mừng Cứu Độ, những người đồng hương của ngài thoạt đầu đã phấn khởi, niềm nở với ngài. Họ rất tự hào, hãnh diện về ngài. Họ mời ngài đọc sách thánh và chú giải Thánh Kinh vào ngày sabbat. Thế nhưng, họ đã mau chóng trở mặt. Từ chỗ niềm nở đã trở thành lạnh nhạt. Từ chỗ có thiện cảm đã trở thành ác ý. Từ chỗ xem ngài là người thân thuộc, hàng xóm láng giềng, bây giờ họ lại muốn loại trừ ngài ra khỏi cuộc sống.
Sở dĩ sự việc đó xảy ra, là vì trước hết, Chúa Giêsu loan báo ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ tất cả mọi người. Đó là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Trong khi đó, người Do Thái nói chung, và dân Nagiarét nói riêng, vẫn tự cho mình là thành phần ưu tú, được dành riêng lãnh nhận hồng ân cao quý nầy mà thôi. Vì thế, họ khó lòng chấp nhận lời giảng dạy của ngài.
Đồng thời, biết rõ ngài là con của bác thợ mộc Giuse, họ nghĩ là, có một nguồn gốc tầm thường, không có gì đặc biệt như thế, Chúa Giêsu không thể nào là hiện thân của Đấng Thiên Sai mà toàn dân đang mong đợi. Vì thế, họ bắt đầu nghi ngờ, đặt câu hỏi, và khinh thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rất rõ, Chúa Giêsu không phải là con của ông Giuse. Bởi vì ngài đã được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Ngài là Con Thiên Chúa, đã đến trần gian để thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại.
Thêm vào đó, như để thách thức, họ đòi Chúa Giêsu phải làm những phép lạ, những việc phi thường như họ đã từng nghe nói ở Capharnaum. Từ chỗ có thành kiến, họ muốn Chúa Giêsu phải đáp ứng sự khao khát, tò mò, hiếu kỳ của họ. Chẳng những không thỏa mãn lời họ yêu cầu, Chúa Giêsu còn trưng dẫn những trường hợp cụ thể trong quá khứ, chứng tỏ cho biết, nhiều khi lương dân lại dễ dàng đón nhận ơn cứu độ hơn là dân riêng Chúa. Chẳng hạn như, tiên tri Elia, trong khi bị dân Do Thái loại bỏ, thì lại được người đàn bà goá ở Sarepta đón tiếp. Còn tiên tri Elisê đã không chữa lành cho bất cứ người phong cùi nào trong dân Israel, mà lại giúp đỡ cho tướng Naaman, người xứ Syria, bởi vì ông nầy đã tin tưởng vào người của Thiên Chúa. Dựa vào đó, Chúa Giêsu khẳng định một sự thật khác, là không tiên tri nào được kính trọng tại quê hương mình. Sự thật đó, giờ đây lại xảy ra với ngài tại làng quê của ngài.
Thực ra, điều cốt yếu Chúa Giêsu muốn trình bày là, hạnh phúc đích thực chính là tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa. Còn dân làng của ngài thì lại nghĩ khác. Họ ước mong tiền bạc, việc chữa lành bệnh tật, những phép lạ... Xem ra, người ta ao ước một điều, thì Chúa Giêsu lại đưa ra điều ngược lại. Ai nấy đều thích được lãnh nhận, trong khi Chúa Giêsu đòi hỏi phải cho đi. Cho đi bản thân mình, cho đi mạng sống mình, để nhờ đó mới có thể được hạnh phúc.
Không được đáp ứng điều mong đợi, họ đã đồng loạt đứng lên, xô đẩy ngài ra ngoài, loại bỏ và trục xuất ngài ra khỏi cộng đồng của họ.
*** Bị đe dọa giết chết, nhưng Chúa Giêsu đã rẽ qua giữa họ mà đi. Ngài vẫn tiếp tục con đường của ngài. Bởi vì không ai có thể bắt giữ được Thiên Chúa. Dĩ nhiên, một ngày nào đó, ngài sẽ bị bắt, bị kết án, chịu chết trên thập giá. Thế nhưng, đó cũng là con đường của ngài. Chính ở trên thập giá mà Chúa Giêsu hoàn thành sứ mạng của ngài. Chính khi ngài bị treo trên thập giá mà viên đại đội trưởng Roma đã tuyên xưng: Ngài thật là Con Thiên Chúa. Chính trong mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết và sống lại, chúng ta mới có thể khám phá ra sự viên mãn các công trình của chúng ta, dù xét theo phương diện nhân loại, chúng có thành công hay không.
Như thế, thành công hay thất bại không phải là cái quyết định dứt khoát của Phúc Am. Điều quan trọng chính là tình yêu. Đi theo Chúa Giêsu, chúng ta được kêu gọi trở nên nhân chứng của ngài, tiên tri của ngài. Và tiêu chuẩn để đánh giá, hay xét xử chính là tình yêu. Có hay không có tình yêu, yêu mến nhiều hay ít, đó là điều cần phải quan tâm hơn hết.
Sau cùng, chúng ta cũng đừng vội kết án dân làng Nagiarét. Bởi vì đó có thể là hình ảnh của chúng ta. Thực vậy, nhiều khi chúng ta muốn giam hãm Chúa Giêsu trong những tính toán nhỏ bé của chúng ta để biện minh cho những lập trường thiển cận của chúng ta. Nhiều khi chúng ta có thái độ không hoàn toàn tin tưởng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật. Cho nên, lắm lúc chúng ta đòi hỏi Chúa phải làm điều nầy, việc nọ cho chúng ta, như là một điều kiện để chúng ta tin. Và cũng từ đó, cho thấy, đời sống đạo đức chúng ta không có chiều sâu, thất thường, không kiên vững, không nhất quán.